Chiều 3/10, tại Cao Bằng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Chương trình “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chung tay xây dựng Cao Bằng”.
Là vùng đất “phên dậu” của Tổ quốc, 50 năm qua (1969 - 2019), phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn khắc ghi và nghiêm túc thực hiện Di chúc thiêng liêng và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới.
Non nước Cao Bằng từ ngàn xưa đã là mảnh đất thiêng liêng mang trong mình nhiều đặc sắc văn hóa các dân tộc. Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, cộng đồng các dân tộc ở Cao Bằng luôn phát huy truyền thống đoàn kết, đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước.
Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, Cao Bằng luôn giữ vai trò là đơn vị hành chính có vị trí chiến lược trọng yếu và là bức “phên dậu” vững chắc nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Vùng đất Cao Bằng ghi đậm dấu ấn những trang sử oanh liệt, hào hùng trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chưa đầy hai tháng sau, ngày 1/4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của các tổ chức cơ sở đảng. Năm 1933, Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã công nhận Ban Chấp hành Đảng bộ Cao Bằng.
Cùng với phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, vị trí “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là những điều kiện, tiền đề để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã chọn Cao Bằng làm điểm đầu tiên về nước để xây dựng căn cứ địa cách mạng, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cao Bằng trở thành chiếc nôi của cách mạng cả nước. Trong suốt cuộc hành trình gần 90 năm vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn ghi tạc công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nêu cao truyền thống yêu nước, đoàn kết, sắt son một lòng theo Đảng, đấu tranh vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, làm rạng rỡ thêm truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng.
Có thể bạn quan tâm
08:46, 14/08/2019
07:04, 27/10/2018
10:03, 11/10/2018
Ông Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, đặc biệt, thấm nhuần lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Cao Bằng tháng 2/1961, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững chắc, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực điều hành của chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được phát huy mạnh mẽ, nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã tổ chức 14 đợt học tập chuyên đề và tác phẩm của Bác. Kiểm tra, giám sát chi bộ, tổ chức Đảng, các cơ quan, cá nhân được 1.691 cuộc. Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, trong giai đoạn 2016 - 2018, đã có 22 địa phương, đơn vị tổ chức biểu dương, khen thưởng 163 tập thể, 271 cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác; có nhiều tác phẩm xuất sắc tham dự và đạt giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Trung ương tổ chức.
Nhờ một phần từ việc học tập tấm gương Bác, những năm gần đây, tỉnh đã đạt được những thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội: kinh tế của tỉnh phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trung bình đạt trên 7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp. Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về du lịch - dịch vụ, nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu từng bước được khai thác hiệu quả. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, mở rộng, phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, các điểm du lịch.
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Với nỗ lực thu hút đầu tư, đến nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 293 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 40.000 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng. Một số dự án được cấp chủ trương đầu tư đã đi vào hoạt động, bước đầu phát huy hiệu quả. Một số nhà đầu tư chiến lược đã và đang quan tâm, đăng ký đầu tư nhiều dự án vào Cao Bằng với tổng mức đầu tư trên 33.000 tỷ đồng như: Công ty cổ phần Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn FLC, TH True Milk, TNG Holdings Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả...
Với những thành tích đáng tự hào, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh…
Tuy nhiên, theo ông Triệu Đình Lê, Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Vì vậy, tỉnh cần tập trung quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ 3 điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, trong đó tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thể chế, cơ chế chính sách, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban, ngành với các địa phương trong tỉnh; Quyết tâm, quyết liệt thực hiện “3 đột phá chiến lược" về du lịch - dịch vụ, nông nghiệp thông minh và kinh tế cửa khẩu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tích cực mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đến nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư tại Cao Bằng, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.