Phân tích - Bình luận

Chuỗi cung ứng toàn cầu "tấp nập" trước khi ông Trump nhậm chức

Nam Trần 28/12/2024 11:08

Các công ty Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang gấp rút đặt hàng trước, cân nhắc tăng giá, thậm chí tìm kiếm thị trường khác trước khi chính quyền Mỹ mới tiếp quản.

download.jpg
Khả năng cung ứng hàng hóa toàn cầu đối mặt nhiều nguy cơ trước khi ông Donald Trump nhậm chức vào tháng sau

Sôi động trước giờ G

Trên khắp thế giới, các doanh nghiệp đang gấp rút ký kết và hoàn thành các đơn hàng trước ngày ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20 tháng 1 năm 2025. Lý do dễ hiểu – họ muốn chuẩn bị tốt nhất trước khi cuộc chiến thương mại đã được ông Trump báo trước trở thành hiện thực.

Mối đe dọa về thuế quan phổ quát của ông Trump đang gây ra một cuộc khủng hoảng, có thể khiến hệ thống thương mại toàn cầu tắc nghẽn, chi phí cao hơn và dễ bị gián đoạn nếu xảy ra cú sốc kinh tế.

Ở Mỹ, một số công ty đang ngưng tuyển dụng để nghe ngóng tình hình, đồng thời cân nhắc tăng giá các sản phẩm nếu mức thuế phổ quát được áp dụng lần này. Để đón đầu, một số công ty khác đang đặt hàng trước. Một số khác tìm kiếm nhà cung cấp mới hoặc, nếu không thể, đàm phán lại các điều khoản với các nhà cung cấp hiện tại.

Zipfox, một nền tảng tìm nguồn cung ứng sản phẩm trực tuyến liên kết các doanh nghiệp Mỹ với các nhà máy chủ yếu ở Mexico, đã chứng kiến lượng yêu cầu báo giá và đăng ký người mua mới tăng 30% kể từ hai tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, theo nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Raine Mahdi.

Ông Raine Mahdi cho biết các yêu cầu đã tăng vọt trở lại sau khi ông Trump đe dọa áp thuế 100% lên các quốc gia thuộc khối BRICS. Hầu hết các yêu cầu này đến từ các nhà nhập khẩu hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc.

Tâm lý chung, theo WSJ ghi nhận, là sự căng thẳng đang gia tăng kèm theo chi phí cao hơn dưới hình thức hàng tồn kho lớn hơn, vận chuyển nhanh tốn kém hơn hoặc chấp nhận rủi ro với đối tác chưa qua thử nghiệm. Các công ty nói rằng lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng và chi phí sẽ phải cắt giảm ở nơi khác. Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải gánh chi phí này.

Bất chấp kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump, không nhiều doanh nghiệp dám chắc chắn họ đang có chiến lược hiệu quả để vượt qua các tác động từ cuộc chiến thương mại mới. Lần này, cả các quốc gia đồng minh lẫn đối thủ đều nằm trong tầm ngắm của Tổng thống sắp tới.

WSJ ghi nhận tại các cảng Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng hai con số trong lưu lượng container trong hai tuần quanh kỳ bầu cử và tăng trưởng này còn lên tới gần 30% trong tuần thứ hai của tháng 12. Các chuyến bay chở hàng quốc tế cũng tăng ít nhất một phần ba mỗi tuần kể từ giữa tháng 10, và các nhà kinh tế dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục khi khách hàng gấp rút đặt hàng trước.

Các tập đoàn ở Mỹ ngày càng lo ngại về chính sách thuế quan của ông Trump (Ảnh: The Washington Post)
Không phải các doanh nghiệp lớn, các công ty vừa và nhỏ mới là đối tượng đáng lo nhất nếu chính sách thuế quan của ông Trump thành hiện thực (Ảnh: The Washington Post)

Việc đặt hàng trước đã bắt đầu từ trước cuộc bầu cử Mỹ vào đầu tháng 11 và hiện nay đang xuất hiện tại các bến cảng. Tại cảng LA, riêng tháng 11, khối lượng container nhập khẩu đã tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, và năm 2024 đang trên đà trở thành năm bận rộn nhất từ trước đến nay của cảng Long Beach.

Thuế quan không phải là yếu tố duy nhất, nhu cầu hàng hóa vào thời điểm các kỳ nghỉ Lễ lớn cũng tăng thêm áp lực logistics. Ông Robert Sockin, nhà kinh tế cao cấp tại Citigroup Inc nói: “Chi phí vận chuyển có thể chịu áp lực tăng thêm nếu các hoạt động đặt hàng trước gia tăng đáng kể.

Doanh nghiệp nhỏ đối mặt nguy cơ

Theo một khảo sát của Oxford Economics với 156 doanh nghiệp trong hai tuần kết thúc vào ngày 10 tháng 12, 65% người tham gia cho rằng một cuộc chiến thương mại toàn cầu là rủi ro rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu trong hai năm tới, so với 38% lo ngại về xung đột giữa Nga và NATO, và 14% về khả năng xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Nhiều doanh nghiệp đã thích nghi với đợt thuế đầu tiên của ông Trump sẽ gặp khó khăn nếu phải đối mặt với một cú sốc lần thứ hai, theo Evelyn Suarez, một luật sư chuyên về hải quan tại Washington, người có khách hàng bao gồm các công ty sản xuất của Mỹ nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc. “Họ đang ở mức có thể quản lý được, nhưng nếu thuế quan được tăng thêm 60% nữa — điều đó sẽ là không thể chấp nhận được”, ông Evelyn Suarez nhấn mạnh.

Matthias Arnold, nhà sản xuất rượu vang tại Weingut Jul. Ferd. Kimich, đã phải chịu 80% mức thuế của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên để giữ chân khách hàng, những người có thể chuyển sang các loại rượu rẻ hơn từ các khu vực khác. Lần này, cả Arnold và nhà nhập khẩu Mỹ của ông đều muốn giữ giá tương đối ổn định, nhưng chi phí tăng thêm do thuế thách thức mong muốn đó. Các thị trường có biên lợi nhuận cao hơn như Scandinavia có thể trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nếu các mức thuế được áp dụng lâu dài.

Evelyn Suarez, một luật sư về hải quan, nhận định rằng một số doanh nghiệp Mỹ có thể phải đối mặt với việc ngừng hoạt động nếu các mức thuế tăng lên quá cao. “Chúng tôi đang nói đến mức giá cao hơn không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn cả người tiêu dùng,” bà nói.

Với nhiều doanh nhân và nhà quan sát, khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ có thể suy giảm nghiêm trọng nếu mức thuế mới được áp dụng. Những thay đổi này, cộng với sự bất định từ các mối đe dọa thuế khác, sẽ tiếp tục làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu và tăng thêm áp lực đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuỗi cung ứng toàn cầu "tấp nập" trước khi ông Trump nhậm chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO