Chuỗi cung ứng xe điện (EV) đang có sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt trong bối cảnh lo ngại về tình trạng dư thừa công suất ngày một gia tăng.
Chuỗi cung ứng xe điện bao gồm ba luồng: nguyên liệu thô, hàng hóa trung gian và sản phẩm cuối cùng là xe điện. Mặc dù khác nhau, nhưng mỗi phân khúc đều có sự kết nối với nhau.
Thượng nguồn của chuỗi cung ứng xe điện bao gồm việc khai thác và chế biến các khoáng sản quan trọng, chẳng hạn như lithium, coban, niken và các nguyên tố đất hiếm.
Lithium, nguyên liệu chính để sản xuất pin, chủ yếu được tìm thấy ở các quốc gia "tam giác lithium" nổi tiếng là Argentina, Chile và Bolivia, chiếm khoảng 75% trữ lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, trữ lượng lithium không tương đương với sản lượng; các công ty Trung Quốc hiện đang kiểm soát gần một nửa sản lượng lithium của thế giới theo nhiều cách khác nhau.
Niken chủ yếu được sử dụng trong pin lithium-ion để tăng mật độ năng lượng của pin. Nhu cầu ngày càng tăng đối với niken trong pin xe điện đã làm gia tăng sự cạnh tranh về tài nguyên niken giữa các ngành công nghiệp khác nhau. Các nhà sản xuất niken lớn trên thế giới bao gồm Indonesia, Australia và Brazil.
Trong khi đó, độ ổn định nhiệt và mật độ năng lượng cao của coban có thể góp phần vào quá trình sạc và xả của pin.
Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) nắm giữ hơn một nửa trữ lượng coban của thế giới. Tuy nhiên, việc khai thác coban ở DRC phải đối mặt với các vấn đề pháp lý, nhân quyền và môi trường, thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ thay thế.
Kim loại đất hiếm rất cần thiết trong động cơ điện do tính chất từ tính của chúng. Trung Quốc chiếm gần 70% sản lượng của thế giới và áp dụng các quy định xuất khẩu nghiêm ngặt. Điều này thúc đẩy nhiều công ty phương Tây phát triển các công nghệ không chứa đất hiếm để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Trung Quốc.
Trong khi đó, các quốc gia như Mỹ cũng đang khai thác các nguồn tài nguyên của riêng mình để đảm bảo nguồn cung.
Các tác động địa chính trị của chuỗi cung ứng thượng nguồn rất đa dạng. Các cuộc tranh luận ngày càng gia tăng về “an ninh chuỗi cung ứng” và chủ nghĩa dân tộc công nghệ đã tạo ra nhiều vấn đề phức tạp giữa các nhà cung cấp và người tiêu dùng.
Các nhà cung cấp nguyên liệu thô áp dụng các biện pháp chiến lược như đưa ra các quy định xuất khẩu hoặc từ chối việc mua lại các mỏ của nước ngoài để thắt chặt quyền kiểm soát của họ đối với các nguồn tài nguyên.
Trong khi đó, các quốc gia tiêu thụ đang sử dụng cả các biện pháp thương mại và chính trị như các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các biện pháp hành chính để đảm bảo hoặc đa dạng hóa nguồn cung, hoặc để cắt giảm sự thống trị của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các mối quan ngại về môi trường đối với hoạt động khai thác không chỉ khiến các quốc gia khai thác phải chịu sự chỉ trích của quốc tế mà còn tạo ra động lực để cải thiện và hợp tác nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị.
Theo Peng Gao, nghiên cứu viên tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, trung nguồn của chuỗi cung ứng EV bao gồm pin, động cơ và hệ thống điều khiển điện tử cũng chứng kiến sự cạnh tranh địa chính trị. Chất bán dẫn, được sử dụng trong mọi bộ phận của xe điện, cũng đóng vai trò quan trọng ở trung nguôn chuỗi cung ứng.
Chuyên gia này chỉ ra, các công ty Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thống trị ngành pin xe điện. CATL và BYD của Trung Quốc nắm giữ thị phần đáng kể. Nhật Bản và Hàn Quốc tập trung nhiều hơn vào thị trường xuất khẩu, với các công ty Hàn Quốc như LG dẫn đầu về năng lực sản xuất tại châu Âu.
Những đổi mới công nghệ sẽ định hình bối cảnh cạnh tranh. Nếu Hoa Kỳ mở rộng quyền kiểm soát phần chất bán dẫn cho xe điện, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể phải đối mặt với những thách thức do nguồn cung giảm trong ngắn hạn
Về lâu dài, nếu Trung Quốc không thể tự mình phát triển và sản xuất hàng loạt chip bán dẫn cao cấp, thì sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô thông minh của nước này sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.
Cuối cùng, hạ nguồn của chuỗi cung ứng EV tập trung vào việc tiếp cận thị trường và các khâu khác như thiết kế, sản xuất và bán xe, cũng như toàn bộ quy trình sản xuất, lắp ráp và tiếp thị thương hiệu. Hiện Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu là những quốc gia đóng vai trò chủ chốt trong hạ nguồn.
Ông Zhen Zhang, nghiên cứu viên Chương trình Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế (MIA) nhận định, cạnh tranh địa chính trị ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng xe điện hạ nguồn thông qua các chính sách thương mại. Mỹ và EU đã áp dụng các mức thuế khác nhau đối với xe điện của Trung Quốc.
"Thuế quan của chính quyền Biden đối với các ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc, bao gồm thuế quan 100% đối với xe điện, phần lớn mang tính phòng ngừa, nhằm mục đích nội địa hóa sản xuất chuỗi cung ứng trong phạm vi nước Mỹ", ông Zhang nói. Chiến lược này cung cấp cho Washington thời gian và cơ hội để tái cấu trúc chuỗi cung ứng của mình và giảm sự phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc.
Ngược lại, các biện pháp chống bán phá giá và thuế quan tạm thời của EU chỉ mang tính khắc phục, vì xe điện Trung Quốc đã chiếm được một thị phần đáng kể trên thị trường châu Âu, với các chuỗi cung ứng nội địa hóa bắt đầu hình thành.
Ngoài ra, do các quốc gia thành viên EU có lợi ích và cân nhắc khác nhau nên quá trình ra quyết định nội bộ khối chịu nhiều ràng buộc.
Tác động của các mức thuế quan này đối với các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được, cho phép các công ty xe điện chính thống vẫn có lãi hoặc giảm chi phí thông qua việc thay đổi chuỗi cung ứng.
Các chuyên gia nhận định, cạnh tranh địa chính trị và chủ nghĩa dân tộc công nghệ làm lu mờ sự hợp tác và khía cạnh "xanh" của ngành xe điện toàn cầu.
Các chính sách hiện tại của nhiều quốc gia đối với xe điện có thể làm tăng chi phí và cản trở quá trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, nếu các quốc gia thúc đẩy thương mại hóa các công nghệ thay thế sẽ làm giảm căng thẳng và đưa yếu tố "xanh" trở lại.