Chuyên đề

Chuyển dịch thương mại, tài khóa và tiền tệ: Một số đề xuất cho thay đổi từ “chính sách Trump 2.0”

Minh Ngọc - Thùy Dung 13/11/2024 10:23

Với việc chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ áp thuế cao lên hầu hết hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể chịu tác động cả tích cực lẫn tiêu cực.

Sự chuyển dịch thương mại toàn cầu do thuế quan gây ra có thể thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ bởi nhiều doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Sự chuyển hướng thương mại này có thể mang lại doanh thu cao hơn, cho phép các doanh nghiệp tại Việt Nam mở rộng quy mô hoạt động, đặc biệt là trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và giày dép. Việc gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng có thể củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất của thế giới và thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

rmit.jpg
Tiến sĩ Haji Suleman Ali

Theo Tiến sĩ Haji Suleman Ali, Giảng viên khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, điều này sẽ tác động tích cực đến doanh thu tài khóa từ các hoạt động liên quan đến xuất khẩu. Nguồn thu gia tăng này có thể tạo điều kiện cho Chính phủ Việt Nam tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng công, nhằm hỗ trợ nhu cầu sản xuất ngày càng tăng.

“Tuy nhiên, nếu ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Việt Nam có thể phải đối mặt với áp lực tiền tệ để duy trì sức cạnh tranh của tiền đồng, vì nhu cầu cao hơn có thể dẫn đến việc tăng giá tiền tệ. Điều này sẽ làm phức tạp chủ trương chính sách tiền tệ mở rộng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và có khả năng buộc Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất để kiềm chế rủi ro lạm phát liên quan đến nhu cầu đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tăng”, ông nói.

Ngoài ra, vị chuyên gia RMIT cho rằng chi tiêu tài khóa tăng cao cho cơ sở hạ tầng có thể làm tăng nguy cơ thâm hụt ngân sách nếu mức tăng trưởng FDI (hiện tại là 8,8%) không phù hợp với nhu cầu tài khóa. Theo ông, Chính phủ có thể cần triển khai các chiến lược tài khóa thận trọng để đảm bảo tính bền vững tài khóa, phù hợp với nhu cầu thương mại và đầu tư đang mở rộng.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, việc gia tăng phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ có thể khiến họ phải chịu rủi ro liên quan đến những thay đổi chính sách đột ngột hoặc thay đổi thuế quan tiếp theo. Việc tăng giá tiền tệ do nhu cầu xuất khẩu cao hơn có thể khiến hàng hóa Việt Nam kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu, gây sức ép lên lợi nhuận doanh nghiệp.

“Chi phí hoạt động tăng do lạm phát và giá nhập khẩu cao hơn – nếu các công ty trong nước phải nhập khẩu linh kiện – có thể làm giảm biên lợi nhuận. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với việc các đối tác thương mại khác áp thuế quan trả đũa nếu như căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. Điều này có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường và lợi nhuận trong dài hạn của họ”, Tiến sĩ Ali nói.

Để ứng phó với những tình huống như trên, vị giảng viên RMIT cho rằng các cơ quan quản lý có thể cân nhắc các biện pháp chính sách tức thời như ổn định tiền tệ và ưu đãi thuế tạm thời.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp ổn định tiền đồng, chẳng hạn như can thiệp chiến lược vào thị trường ngoại hối để ngăn chặn tình trạng tăng giá quá mức và duy trì khả năng cạnh tranh xuất khẩu.

Việc cung cấp ưu đãi thuế tạm thời hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu có thể giúp bù đắp cho mức gia tăng chi phí mà biến động tỷ giá hối đoái và giá nhập khẩu tăng có thể gây ra.

“Bên cạnh đó, Chính phủ cần triển khai nhanh chóng các chương trình đa dạng hóa xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khám phá các thị trường mới bên ngoài Hoa Kỳ để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và giảm thiểu rủi ro về chính sách,” Tiến sĩ Ali nói.

Còn trong dài hạn, ông cho rằng các chính sách nên tập trung vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng và công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là trong các ngành tăng trưởng cao như điện tử và dệt may.

Việc đàm phán và ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại với các nước khác có thể giúp Việt Nam mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và giảm sự phụ thuộc vào nhu cầu của Hoa Kỳ, cũng như bình ổn hóa các cơ hội xuất khẩu.

“Cuối cùng, cần thực hiện các chính sách nhằm xây dựng dự trữ tài chính và khả năng phục hồi tài chính, bao gồm các cơ sở tín dụng dài hạn cho doanh nghiệp và quỹ bình ổn để ứng phó với các cú sốc thương mại và áp lực tiền tệ trong tương lai”, Tiến sĩ Ali nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyển dịch thương mại, tài khóa và tiền tệ: Một số đề xuất cho thay đổi từ “chính sách Trump 2.0”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO