Việc chuyển đổi linh hoạt (Agile) là quá trình khó khăn, nhiều rủi ro, cũng như không ít áp lực. Nhưng sự linh hoạt giúp doanh nghiệp đảm bảo các hành động theo định hướng tới mục tiêu cuối cùng.
Linh hoạt (Agile) là vấn đề cốt yếu đối với mọi doanh nghiệp trong thời đại VUCA nhiều biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng đạt được sự linh hoạt, đặc biệt là ở quy mô lớn.
Vậy, những thử thách của linh hoạt ở quy mô lớn là gì? Có những khung tư duy, phương pháp nào để doanh nghiệp đạt được sự linh hoạt ở quy mô lớn? Thực tế những doanh nghiệp lớn đạt được sự linh hoạt nhờ bí quyết nào?
Ông Phạm Anh Đới, Giám đốc Học viện Agile cho biết để doanh nghiệp ở quy mô lớn vẫn có thể đạt được sự linh hoạt, “chìa khóa” nằm ở sự tư duy.
“Chuyển đổi theo hướng linh hoạt là quá trình rất khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để đạt được sự linh hoạt, doanh nghiệp cần có cách tư duy linh hoạt (Agile Mindset) để tư duy về công việc, tư duy về kinh doanh, sau đó là phương pháp, cộng thêm những công cụ phù hợp để đạt được sự linh hoạt ở phạm vi nhỏ trước. Những kết quả đạt được ở quy mô nhỏ tạo động lực để tiếp tục chuyển đổi linh hoạt ở quy mô lớn dần” – Giám đốc Học viện Agile cho biết.
Ông Đới cũng chia sẻ quy trình lặp để đạt được sự linh hoạt bắt đầu từ chỗ xác định khâu nào trong doanh nghiệp cần linh hoạt nhất thì sẽ bắt đầu thí điểm Agile ở đó. Sau đó xem xét cấu trúc như thế nào và chọn ra nhóm thí điểm để bắt đầu thực hiện chuyển đổi.
Tiếp đó là xây dựng năng lực cốt lõi để thực hiện sự chuyển đổi, đây cũng chính là điểm lợi thế lớn hơn hẳn của các doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp nhỏ. Xác định một lộ trình chuyển đổi rõ ràng cho tổ chức là một điểm quan trọng để đảm bảo các hành động theo định hướng tới mục tiêu cuối cùng.
Một trong những doanh nghiệp đang tiến hành quá trình chuyển đổi Agile hiện nay là Ngân hàng MSB. Chia sẻ về quá trình chuyển đổi Agile ở một tổ chức lớn như MSB, ông Hoàng Hữu Huy, Giám đốc Giải pháp chấp nhận thanh toán số tại Ngân hàng MSB cho rằng, Agile là một lựa chọn dưới áp lực cần thay đổi trong bối cảnh mới.
Các áp lực theo ông Huy bao gồm: “Áp lực tìm ra các hướng đi nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng cao hàng năm; áp lực từ cạnh tranh cả truyền thống và phi truyền thống trong ngành ngân hàng; áp lực từ các yếu tố bất định trong bối cảnh mới - Covid-19; và áp lực từ công nghệ và thay đổi trong hành vi của người dùng - Chuyển đổi số”.
Với kinh nghiệm triển khai Agile ở Ngân hàng MSB, ông Huy cho rằng Agile là triết lí, còn khi triển khai thì cần các mô hình làm việc cụ thể. Hiện các doanh nghiệp cần nắm rõ Agile chỉ là phương tiện giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lại coi Agile, sự linh hoạt như là đích đến, đây là cách hiểu sau lầm.
Đến từ NTQ Solution, ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm sản xuất phần mềm NTQ cũng đem tới nhiều kinh nghiệm rất đáng học hỏi.
“Chuyển đổi thì luôn khó khăn, không nhìn thấy kết quả ngay và nhà quản lý phải từ bỏ “cám dỗ” can thiệp vào dự án. Không có công thức chung để đạt được sự linh hoạt cho mọi doanh nghiệp, chúng ta phải tự kiến tạo con đường riêng” – ông Nguyễn Thành Nam cho hay.
Đại diện NTQ Solution cho rằng, quá trình chuyển đổi để linh hoạt thường gặp phải lực cản rất lớn từ chính nội tại công ty và khách hàng. Chính vì vậy, đòi hỏi quyết tâm cao từ ban lãnh đạo và phải thuyết phục được khách hàng làm theo quy trình của mình.
Ở cấp độ dự án thì phải lấy xây dựng đội nhóm làm việc là nền tảng theo hướng cộng tác, gắn kết, hướng mục tiêu chung. Chọn người phù hợp và phương pháp phù hợp là rất quan trọng.
Có thể bạn quan tâm