Công nghệ

Chuyển đổi số là công việc khó, phải có quyết tâm cao

Nguyễn Việt 17/09/2024 03:00

Ngày 16/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.

Trong thời gian qua, việc triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Chiến lược dữ liệu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

chuyển đổi số 1
Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng không chỉ là một xu hướng mà còn là một bước tiến quan trọng hướng tới tương lai tài chính hiện đại và linh hoạt.

Hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng được nhu cầu, các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh xây dựng, từng bước đưa vào khai thác, sử dụng, nhiều dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến toàn trình, kinh tế số, xã hội số đều có bước phát triển tích cực, kỹ năng số của cán bộ công chức, viên chức và người dân được nâng cao, xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử được cải thiện...

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ không ít thách thức và bất cập như người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm.

Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiến triển chậm, vẫn còn một số khu vực chưa có điện lưới quốc gia dẫn đến việc triển khai hạ tầng số còn khó khăn.

Quy mô phát triển kinh tế của các vùng, miền trên cả nước chưa đồng đều, nhất là các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao dẫn đến việc người dân sở hữu các thiết bị thông minh còn thấp.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao, xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử tuy có cải thiện nhưng mới ở mức trung bình trong khu vực, chưa có sự đột phá.

Nguy cơ về mất an toàn thông tin mạng còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức; chưa đầu tư nguồn lực thích đáng, đặc biệt là việc thu hút nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng…

Bình luận về chuyển đổi số ở Việt Nam, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số cho rằng chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng một đơn vị nào, mà là câu chuyện chung.

“Nhưng nó chỉ trở thành chung khi chúng ta làm cho nó có những động lực để mọi người cùng chung sức, chứ không phải những mệnh lệnh hành chính, những chỉ thị, những tư lợi, những độc đoán từ một vài đơn vị nào đó áp đặt lên tất cả. Muốn làm tốt, cách tốt nhất là mở rộng để tất cả cùng làm, cùng có lợi, cùng thành công”, ông Lê Nguyễn Trường Giang nói.

chuyển đổi số 2
Việt Nam trở thành quốc gia lớn thứ hai ở Đông Nam Á về lượt tải xuống ứng dụng.

Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, theo ông Lê Nguyễn Trường Giang chúng ta phải “biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu” và cần biết “muốn gì, làm gì, làm như thế nào”. Biết rõ để thấy được rõ lợi ích để làm, để không đối phó, để không phong trào.

“Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy thay đổi hình thái tổ chức, thay đổi cách nghĩ, cách làm. Để ứng dụng hiệu quả công nghệ vào các tiến trình hoạt động tạo ra sự đột phá giá trị đưa đến đột phá năng suất. Dữ liệu là nền tảng, là cơ sở, là nguồn lực quyết định”, ông Lê Nguyễn Trường Giang bày tỏ.

Vẫn theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, chuyển đổi số thực sự là phương tiện để đạt được các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội. Nhưng nhiều người chưa nhìn ra điều này, họ chỉ nghĩ việc chuyển đổi số chỉ là công việc phát sinh ngoài chuyên môn. Cách tư duy như vậy đang là rào cản vô cùng lớn của chuyển đổi số.

Nhấn mạnh chuyển đổi số đang len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC cũng chia sẻ ngay bây giờ, người dân đã gọi xe qua ứng dụng (app) thay vì đi xe ôm, mua bán hàng hoá qua các trang thương mại điện tử, thậm chí giao dịch online thay vì trực tiếp đến chợ… Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển ở các vùng sâu, vùng xa của đất nước trong thời gian tới.

Khu vực khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp cũng phát triển mạnh với một số công ty khởi nghiệp phát triển thành công ty "kỳ lân" - các công ty khởi nghiệp đã mở rộng quy mô và trở thành các tổ chức quốc tế có giá trị hơn 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, công nghệ cũng "nhảy vọt", các hệ thống cơ khí bị bỏ qua để chuyển sang hệ thống tự động hoàn toàn, tiền tệ số như cashless money, digital money sẽ lên ngôi, thành phố thông minh với nhiên liệu sạch, phương tiện tự động, giám sát quản lý giao thông hiện đại… trở thành hiện thực sinh động.

“Chúng ta sẽ thấy một quốc gia chuyển đổi số nhanh chóng. Mọi mặt của xã hội nước ta sẽ thay đổi nhờ tác động của chuyển đổi số, tạo ra nhiều cơ hội mới. Trong 10 năm tới, chúng ta sẽ rất khác so với hiện tại vì khi đó cuộc sống số sẽ song hành với cuộc sống thực tại”, ông Nguyễn Trung Chính tin tưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyển đổi số là công việc khó, phải có quyết tâm cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO