Chuyển đổi số (Digital Transformation) phải bắt đầu từ tư duy lãnh đạo để có thể phổ biến quá trình đó đến từng nhân viên và cả hệ thống.
Chia sẻ tại Ngày hội Doanh nghiệp và Công nghệ 2018 tại TP.HCM tuần rồi, ông Ngô Phan Quốc Thái - CIO của Suntory PepsiCo Vietnam cho rằng doanh nghiệp hiện vận hành kinh doanh theo kinh nghiệm chứ chưa tận dụng được nguồn dữ liệu như một tài nguyên để tạo ra các lợi thế kinh doanh.
Trong khi đó các chủ doanh nghiệp cũng chưa đủ quyết tâm để thực hiện tiến trình chuyển đổi số, tạo điều kiện cho các bộ phận trong công ty sẵn sàng học hỏi và nắm bắt sự thay đổi để làm việc hiệu quả trên môi trường số.
Ông Thái khuyến cáo: "Các doanh nghiệp nhỏ nên có kế hoạch cho chiến lược dài hạn và chuẩn bị những kịch bản không mong muốn xảy ra trong quá trình chuyển đổi".
Ngành công nghiệp chuyển đổi số sẽ đóng góp khoảng 1.160 tỷ USD vào GDP của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm 0,8%, theo nghiên cứu do Microsoft và IDC thực hiện.
Công nghệ số làm thay đổi kiến trúc kinh doanh của nhiều ngành nghề, cho phép các doanh nghiệp mới ra đời trỗi dậy dẫn dắt thị trường và xu hướng này còn tiếp tục. doanh nghiệp ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc xây dựng chiến lược do môi trường kinh doanh và công nghệ thay đổi liên tục.
Ông Phạm Thế Trường - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng tiến trình chuyển đổi số đòi hỏi bắt đầu từ tư duy của chủ doanh nghiệp phải sẵn sàng cho sự thay đổi.
Ông chia sẻ, trong tiến trình đó, Microsoft đưa ra mô hình đồng hành với các doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng môi trường làm việc phù hợp với xu thế công nghiệp 4.0 với các sản phẩm ứng dụng công nghệ do các đối tác của Microsoft thiết kế và xa hơn là tạo ra những đô thị, bệnh viện, trường học thông minh... có khả năng tương tác cao với con người.
Cộng đồng doanh nghiệp trẻ cũng sẽ dễ dàng hơn trong tiếp cận và trải nghiệm những giải pháp công nghệ mới nổi, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn nhằm khai thác tối đa tiềm năng thương mại của họ.
"Xu thế công nghệ Microsoft đưa ra là các công cụ mới đưa văn phòng làm việc nằm trọn trong chiếc điện thoại thông minh, nhân viên sẽ không còn phải có mặt tại văn phòng mới có thể xử lý được công việc", ông Trường nói.
Các chuyên gia cho rằng bản chất của chuyển đổi là một hành trình mang tính chiến lược và liên tục có tính quyết định, còn công nghệ chỉ là phương tiện trong quá trình đó.
Ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng khó khăn trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam là hiện nay hàm lượng công nghệ trong các quy trình sản xuất, kinh doanh còn quá thấp, doanh nghiệp cần có thời gian lẫn công cụ giải quyết các lỗ hổng này.
Tuy nhiên, một yếu tố thuận lợi là các nền tảng công nghệ mới hỗ trợ họ học hỏi để tìm kiếm các cơ hội sáng tạo ra những mô hình mới trong kinh doanh.
Bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Saigon Innovation Hub cũng cho rằng người đầu tiên cần thay đổi tư duy chính là chủ doanh nghiệp. Bà Vân đề xuất giải pháp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi gặp khó khăn về nguồn lực có thể kết nối với doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng hay các công ty ở những lĩnh vực khác, hợp tác và chia sẻ trong môi trường chuyển đổi số.
Vì vậy, bà rất hào hứng khi Microsoft tạo ra sân chơi để các doanh nghiệp có cơ hội hợp tác, mở rộng và đa dạng. "Cần hiểu được bản chất của sự thay đổi để bắt nhịp và thích ứng, chủ động hợp tác trong xu thế chuyển đổi số để tạo cơ hội phát triển", bà Vân nhắn gửi.
Ông Trường cho rằng chuyển đổi số là cuộc đua khốc liệt mà những doanh nghiệp tiên phong sẽ đạt lợi ích gấp đôi so với các doanh nghiệp theo sau. Bởi những doanh nghiệp tiên phong không ngại khó khăn, đổi mới, theo đuổi cách tư duy của họ để thành công.
Hiện thống kê sơ bộ có khoảng 6.000 doanh nghiệp cần chuyển đổi số, đây chỉ là con số đầu tiên trong cả triệu doanh nghiệp Việt Nam.
Tiến trình này sẽ được thúc đẩy bởi thị trường có hơn 90 triệu dân, hơn 58 triệu người dùng internet và 125 triệu thuê bao di động cùng 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo... Hiện nay quá trình chuyển đổi đang bị cản trở vì sức ỳ văn hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp chưa cởi mở với sự thay đổi hoặc các ý tưởng mới.
Các nguồn lực tiềm năng chỉ được hiện thực hóa khi tư duy của các chủ doanh nghiệp sẵn sàng cho sự bứt phá trong cuộc đua chuyển đổi số.