Hải Phòng đang phấn đầu tạo nhiều đột phá, xây dựng chính quyền số, mở ra không gian mới cho kinh tế - xã hội của thành phố.
Vừa qua, UBND TP Hải Phòng đã phối hợp với Hiệp Hiệp hội Phần mềm - Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
TP Hải Phòng xác định luôn xác định chuyển đổi số không chỉ là yếu tố thúc đẩy kinh tế số mà còn là khâu then chốt để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh của thành phố. Trong bối cảnh các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng, chuyển đổi số xanh là động lực quan trọng để phát triển các ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp, cảng biển, du lịch và y tế.
Tại diễn đàn, ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “Năm 2024, thành phố xác định thực hiện 81 nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực chuyển đổi số với kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 400 tỷ đồng. Đến nay, hạ tầng mạng viễn thông, internet đã được đầu tư rộng khắp. Kho dữ liệu dùng chung được hình thành, cập nhật gần 2.000 trường thông tin và hơn 437.000 bản ghi dữ liệu, tích hợp gần 1.580 dịch vụ công trực tuyến lên cổng quốc gia, đạt tỷ lệ 81,51%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt trên 90%. Đặc biệt, ngày 21/11 vừa qua, Hải Phòng đã khai trương Dự án chính quyền số Hải Phòng, chính thức công bố đưa vào vận hành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu dùng chung, tạo nền tảng thúc phát triển kinh tế số, xã hội số tại Hải Phòng”.
Bên cạnh đó, TP Hải Phòng đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế số. Thành phố đã quan tâm thu hút đầu tư trong trong phát triển công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Thời gian qua, thu hút đầu tư của thành phố liên tục đứng top đầu của cả nước, đã góp phần tăng cường tỷ trọng kinh tế lõi ICT. Nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn điện tử LG, Fuji Xerox, Haengsung Electronics, VinGroup... hoạt động trong lĩnh vực ICT đã đầu tư và phát triển mạnh mẽ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế thành phố.
Được biết, Hải Phòng cũng đặc biệt quan tâm đến số hóa ngành kinh tế cảng biển. Tại các cảng biển, các doanh nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng các giải pháp công nghệ số Make in Vietnam, nền tảng chuyển đổi số cảng biển, góp phần tạo sự chuyển động nhanh trong hoạt động. Hiện, 100% số cảng tại Hải Phòng đã có hệ thống quản lý cảng TOS. Trong đó, có 22 cảng (chiếm hơn 40% số cảng) đã ứng dụng các nền tảng cảng biển số chỉ trong thời gian nhanh từ 2 - 4 tuần, với chi phí bằng 10 - 20% so với các sản phẩm cùng loại từ nước ngoài.
Ông Hoàng Minh Cường nhấn mạnh: “Năm 2025, thành phố sẽ có cơ chế đột phá thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất, phát triển kinh tế số, phấn đấu đến 2030 chiếm tỷ trọng 40% GRDP thành phố”.
Các doanh nghiệp cũng giới thiệu, khuyến nghị TP Hải Phòng tập trung vào việc bổ sung các giải pháp dữ liệu, giải pháp AI trong các lĩnh vực trọng yếu như quy hoạch, bất động sản, cảng biển, logistics. Các chuyên gia cũng thảo luận và thống nhất khuyến nghị Hải Phòng tập trung xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng số bao gồm: Hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kết nối, hạ tầng xanh để thu hút nhà đầu tư; hoàn thiện dữ liệu số và phát triển nguồn nhân lực số.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA cho biết: “Hải Phòng là một thành phố đặc thù với nhiều lợi thế và dư địa phát triển. Những lĩnh vực Hải Phòng đang tập trung cũng chính là những lĩnh vực các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có kinh nghiệm, giải pháp, và nguồn lực triển khai. VINASA và các doanh nghiệp công nghệ số hội viên sẵn sàng đồng hành cùng Hải Phòng cho những bước chuyển đổi tiếp theo về số - xanh và những lĩnh vực công nghệ mới tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn”.
Ông Trần Tuấn Ngọc – Giám đốc Trung tâm tích hợp hệ thống Viettel Solution cho biết: “Hiện, các địa phương khi đặt ra bài toán chuyển đổi số, tôi cho rằng cách tiếp cận mục tiêu một cách đúng đắn. Chúng ta phải tiếp cận đúng nhu cầu để đầu tư hiệu quả. Chi phí đầu tư cho phát triển kinh tế số không lớn, cùng với mục tiêu chuyển đổi số đúng, hiệu quả sẽ đem lại thành công nhanh chóng”.
Bên cạnh các phiên Hội nghị chính, Diễn đàn Chuyển đổi số Hải Phòng 2024 còn có các hoạt động bên lề như Triển lãm thành tựu và giải pháp công nghệ đến từ gần 20 gian hàng trưng bày trưng bày các thành tựu chuyển đổi số của Hải Phòng và các giải pháp chuyển đổi số từ các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, VNPT, Mobifone… thu hút hơn 3.000 lượt tham quan.