Thông qua ESG để thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và hướng tới thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 từ cấp độ quốc gia, địa phương, doanh nghiệp, từng hộ gia đình và từng cá nhân.
Theo báo cáo: “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam” do PwC công bố ngày 26/10, có 80% doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong vòng 2-4 năm tới. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu hành trình ESG và đang tồn tại một khoảng cách lớn từ kỳ vọng tới hành động. Trong khi 57% các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG thì 58% các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam lại đang tiếp cận theo hướng “quan sát và chờ đợi”. Lý do là hầu hết các doanh nghiệp trên đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu kiến thức về ESG.
Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, có 79% nhà đầu tư toàn cầu đồng ý rằng phương pháp quản lý rủi ro và cơ hội liên quan tới ESG là yếu tố quan trọng khi đưa ra quyết định đầu tư vào một công ty.
Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và sự thay đổi đến từ đại dịch, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm hơn tới việc tiếp cận các tiêu chí về ESG với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển con người và xã hội.
Tại diễn đàn “Thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Việt Nam chủ trì cách đây vài ngày, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng khẳng định: “Thực hiện ESG sẽ là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm được những ý tưởng xuất sắc, xây dựng mô hình, câu chuyện điển hình, tạo tác động lan tỏa, khuyến khích doanh nghiệp khác cùng tham gia nhằm thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững”.
Việt Nam là quốc gia tiên phong thể chế hoá các quan điểm, nghị quyết của Đảng về kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Tại Điều 142 của Luật Bảo vệ Môi trường, kinh tế tuần hoàn được thể hiện bằng 4 tiêu chí căn bản: tiết giảm, kéo dài vòng đời của nguyên liệu vật liệu sản phẩm, giảm phát thải ra môi trường và không gây tác động xấu tới môi trường. Đây là kim chỉ nam để xây dựng lộ trình, cơ chế và thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Quy định của Luật cũng yêu cầu trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế xã hội, các cấp các ngành phải lồng ghép kinh tế tuần hoàn; khuyến khích doanh nghiệp đưa kinh tế tuần hoàn vào quá trình sản xuất và chuỗi sản phẩm của mình.
Trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí về kinh tế tuần hoàn, chúng ta tiếp cận trên cơ sở của chuỗi giá trị với 5 giai đoạn: thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và xử lý chất thải trở lại thành tài nguyên. Đây là chuỗi chu trình kín và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong tương lai. Cách tiếp cận hệ thống với 5 khâu trên chính là điểm khác biệt căn bản của kinh tế tuần hoàn hiện nay với các quan điểm trước đây. Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp quốc (UNIDO) đã khái quát 5 khâu này cùng với 4 mục tiêu chính của kinh tế tuần hoàn là giảm dấu chân môi trường, gia tăng thu nhập, giảm phụ thuộc vào tài nguyên và giảm thiểu chất thải.
Theo cách tiếp cận chung trên thế giới có thể xây dựng bộ tiêu chí của kinh tế tuần hoàn dựa trên nhiều cách phân loại khác nhau. Đó là cách tiếp cận theo dòng thải sản phẩm (bao gồm dòng thải nhựa, dòng thải kim loại và dòng thải khác như thuỷ tinh, sinh khối, gỗ, giấy và sản phẩm dệt may, điện tử); cách tiếp cận theo nhóm sản phẩm, ưu tiên các nhóm đóng gói bao bì, thiết bị điện tử, dệt may, lương thực thực phẩm và các nhóm sản xuất như giao thông vận tải, phương tiện vận tải hết niên hạn sử dụng… Với các cách tiếp cận này, sẽ phân loại và thực hiện kinh tế tuần hoàn dựa trên cơ sở lĩnh vực, sản phẩm, tập trung vào lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng khai khoáng, xử lý chất thải, lâm nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Từ những kinh nghiệm quốc tế, chúng ta đã xây dựng bộ tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, tập trung vào chuỗi giá trị trong kinh tế tuần hoàn, sản phẩm, dòng thải, lĩnh vực sản xuất theo cam kết trong thực hiện phác thải ròng bằng 0 với 4 tiêu chí như đã đề cập trong điều 142 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.
Để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, theo quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào các nội dung: tiết giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên hóa thạch; phục hồi hệ sinh thái; bảo vệ môi trường cũng như thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn.
Xuyên suốt Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 được thiết kế theo yêu cầu của kinh tế tuần hoàn từ các yêu cầu chuyển đổi xanh, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi các-bon thấp đến các yêu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất. Trong đó yêu cầu các nhà sản xuất phải thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải, trong tương lai thực hiện hạch toán nguyên nhiên vật liệu ngay từ trong quá trình sản xuất. Vì vậy, khâu thiết kế là quan trọng để thực hiện được mô hình KTTH trong tương lai.
Căn cứ vào nội dung trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp chủ trì xây dựng danh mục phân loại xanh. Đây là cơ sở để thực hiện tiêu chí liên quan đến mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh; là công cụ để Nhà nước thực hiện các biện pháp hỗ trợ về đầu tư, đất đai, ưu đãi về thuế, phí cũng như hỗ trợ kinh phí đổi mới sáng tạo, sử dụng Quỹ bảo vệ môi trường để có thể hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn.
Chúng ta có thể khẳng định, chuyển đổi xanh là mục tiêu, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số là công cụ thực hiện. Kinh tế tuần hoàn chắc chắn không đơn giản như chúng ta hay nói là vườn - ao - chuồng mà các mô hình chưa đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường, chưa đảm bảo yếu tố về giảm phác thải thì chưa đáp ứng được yêu cầu về kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, chúng ta đã từng bước có các giải pháp đưa kinh tế tuần hoàn vào cuộc sống, để doanh nghiệp và người dân hiểu kinh tế tuần hoàn được thực hiện từ những việc nhỏ nhất như tính rác theo khối lượng, chi trả dịch vụ hệ sinh thái. Đó là những nguyên tắc mới, tất cả những ai phác thải đều trả phí và những người thực hiện công tác bảo vệ, bảo tồn được nhận tiền hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cân bằng giữa khu vực phác thải, khu vực chuyển đổi sử dụng đất và khu vực bảo vệ, bảo tồn mà không có cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng đất như phát triển công nghiệp. Thông qua kinh tế tuần hoàn, chúng ta thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đạt phát thải ròng bằng 0 từ cấp độ quốc gia, địa phương, doanh nghiệp, từng hộ gia đình và đến từng cá nhân.
Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, Nhà nước nên hỗ trợ tài chính, giúp bù đắp một số chi phí hoặc ưu đãi trong vấn đề thủ tục hành chính, nhằm khuyến khích các mô hình tuần hoàn tốt và thúc đẩy kết nối các doanh nghiệp với nhau; khuyến khích và tạo điều kiện hình thành thị trường để phát triển kinh tế tuần hoàn như thúc đẩy nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm tái chế và các sản phẩm có chứa thành phần tái chế; hài hòa các tiêu chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi có hệ thống từ chuỗi cung ứng nguyên liệu tuyến tính sang tuần hoàn nhằm thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững.
Có thể bạn quan tâm
01:34, 17/11/2022
19:36, 11/11/2022
15:28, 29/10/2022