Chuyển nhượng cổ phần tại EFI: Cổ đông lớn NXB Giáo dục có gây thiệt hại cho nhà đầu tư?

Phương Hà - Nguyễn Long 27/09/2018 16:42

Có hay không việc lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD) giấu diếm thông tin trong đợt chào bán cổ phần EFI gây thiệt hại cho nhà đầu tư?

Cổ đông lớn NXB Giáo dục có gây thiệt hại cho nhà đầu tư vụ chuyển nhượng cổ phần tại EFI?

Cổ đông lớn NXB Giáo dục có gây thiệt hại cho nhà đầu tư vụ chuyển nhượng cổ phần tại EFI?

Thiệt hại nặng khi mua cổ phần EFI

Báo DĐDN vừa nhận được đơn kiến nghị của nhóm nhà đầu tư phản ánh, NXBGD sẽ bán toàn bộ gần 1,4 triệu cổ phần đang nắm giữ, tương đương 12,8% vốn tại Cty Đầu tư Tài chính Giáo dục (UPCoM: EFI), các nhà đầu tư đã đăng ký mua toàn bộ số cổ phiếu với giá 10.100 đồng/1 cổ phiếu.

Để thực hiện giao dịch nhóm nhà đầu tư đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 17/2017/HĐ/NXB ngày 17/11/2017 với NXBGD, theo đó phương thức giao dịch là giao dịch thỏa thuận thông qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng giá trị hợp đồng là 14.079.400.000 đồng (mười bốn tỷ không trăm bảy chín triệu bốn trăm nghìn đồng).

Ngày 20/11/2017, giao dịch mua bán cổ phiếu EFI theo hợp đồng nêu trên đã hoàn tất. Tiền mua cổ phiếu đã được chuyển về tài khoản của NXBGD, nhóm nhà đầu tư đã nhận được cổ phiếu theo quy định về thanh toán bù trừ của HNX.

Tuy nhiên, ngay sau khi giao dịch hoàn tất, NXBGD đã công bố thông tin EFI về vụ việc kế toán trưởng của Công ty mất liên lạc. Vụ việc này đã khiến EFI thất thoát lớn về tài sản và hiện cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra các thông tin về việc kế toán trưởng “mất tích” bí ẩn.

Theo nhóm nhà đầu tư phản ánh, ông Hoàng Lê Bách (Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV NXBGD Việt Nam) đã  ký các Hợp đồng, văn bản liên quan đến giao dịch chuyển nhượng 1.394.000 cổ phiếu. Theo các nhà đầu tư về tình hình EFI, cổ đông lớn là NXBGD đã có dấu hiệu không cung cấp thông tin đầy đủ, che dấu thông tin, sự thật về tình hình hoạt động, tình hình tài chính của EFI. Và đặc biệt là những thất thoát về tài chính của EFI, làm ảnh hưởng lớn đến việc ra quyết định đầu tư của nhóm nhà đầu tư, gây thiệt hại lớn về tài sản cho họ.

Ngay sau khi thông tin Kế toán toán trưởng EFI bỏ trốn và việc EFI thất thoát số tiền lớn được công bố, trên thị trường chứng khoán cổ phiếu EFI giảm mạnh, giá trung bình của cổ phiếu EFI ngày 09/02/2018 chỉ còn 3.300 đồng. Cho đến phiên giao dịch ngày 24/9 cổ phiếu EFI không có giao dịch chuyển nhượng. Có thể nói, sự sụt giảm giá này đã gây thiệt hại lớn cho Nhóm nhà đầu tư với số tiền hơn 9.479.200.000 đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhà xuất bản Giáo dục đang làm ăn ra sao?

    07:00, 20/09/2018

  • Nhà xuất bản Giáo dục bị “tố” tiếp tay cho hàng Trung Quốc

    00:00, 22/08/2012

EFI có dấu nhẹm thông tin?

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Hồng Nhung - Luật sư Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật Doanh nghiệp và chứng khoán hiện hành, ông Lê Thành Anh người đại diện phần vốn của NXBGD - đại diện phần vốn nhà nước tại EFI, là Chủ tịch HĐQT chuyên trách tại EFI, ông Lê Thành Anh trực tiếp hàng ngày, hàng giờ đưa ra định hướng hoạt động của EFI, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nắm bắt từng động thái về tình hình hoạt động kinh doanh, hệ thống tài chính, hoạt động tài chính của Công ty.

Đồng thời, với vị trí của mình, ông Lê Thành Anh - đại diện phần vốn Nhà nước còn trách nhiệm kiểm tra, giám sát các nhân sự cao cấp, quan trọng trong công ty như Ban Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng là các chức danh do Hội đồng quản trị bổ nhiệm. Vì vậy, trong sự việc để xảy ra thất thoát lớn về tài sản, cũng như những vấn đề về nhân sự tại EFI không thể nói đại diện phần vốn Nhà nước tại EFI không biết và không nắm được thông tin trước khi việc thoái vốn của NXBGD được thực hiện.

Theo Luật sư Hồng Nhung, việc thất thoát số tài sản lớn như vậy tại EFI không thể xảy ra trong 1 ngày mà phải được kéo dài trong một khoảng thời gian trước đó. Theo các thông tin mà chúng tôi được biết, việc thất thoát tài sản tại EFI đã diễn ra từ trước đó rất lâu (khoảng năm 2015). Trong suốt quá trình từ năm 2015 đến năm 2017, Ban Lãnh đạo EFI thông báo về việc thất thoát khối tài sản lớn này cho các cổ đông và/hoặc thực hiện công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư theo quy định.

Nhóm các nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu người đại diện phần vốn nhà nước tại EFI đã biết rõ việc thất thoát tài sản tại EFI và nắm rõ tình hình hoạt động của EFI. Nhưng vẫn để NXBGD thoái vốn thành công. Vậy với vai trò chính, đại diện phần vốn Nhà nước là NXBGD có cố tình che dấu các sự thật về hoạt động kinh doanh của EFI, khiến các nhà đầu tư không nắm rõ các hoạt động, tình hình tài chính của EFI.

Chính vì sự mập mờ che dấu đã khiến Nhóm nhà đầu tư đã không có đủ thông tin nên đã đưa ra quyết định mua toàn bộ số cổ phiếu của EFI mà NXBGD đang nắm giữ với mức giá mà NXBGD chào bán. Để rồi ngay sau đó, EFI mới công bố thông tin kế toán trưởng bỏ trốn về việc thất thoát tài sản lớn tại Công ty, thời điểm mà NXBGD đã hoàn tất việc thoái vốn.

Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có quy định về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán tại Điều 209. Việc thoái vốn của NXBGD đã có nhiều dấu hiệu được quy định tại Điều 209 nêu trên.

Theo quy định tại điểm a và c khoản 12 Điều 6 Luật Chứng khoán thì hành vi chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức như “Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet”, “Chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định” được coi là chào bán chứng khoán ra công chúng. Xem xét lại quy trình thoái vốn của NXBGD, NXBGD đã sử dụng Internet để chào bán cổ phiếu.

Theo Điều 11 Luật chứng khoán, khoản 3 Điều 10 Nghị định 58/2012/NĐ-CP thì việc “Cổ đông lớn bán phần vốn sở hữu trong các công ty đại chúng ra công chúng” là một hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng.

Theo Điều 13 Luật chứng khoán và Điều 9 Nghị định 58/2012/NĐ-CP (đượcsửa đổi tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 60/2015/NĐ-CP) thì hành vi chào bán chứng khoán nêu trên phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Mặc dù như thông báo, NXBGD dự kiến bán thông qua phương thức giao dịch trên sàn giao dịch Upcom. Tuy nhiên, hành vi nêu trên của NXBGD và những người có liên quan có dấu hiệu vi phạm quy định về chào bán chứng khoán và đăng ký chào bán chứng khoán theo pháp luật chứng khoán. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyển nhượng cổ phần tại EFI: Cổ đông lớn NXB Giáo dục có gây thiệt hại cho nhà đầu tư?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO