Trong thường ngày hay cả trong cuộc chiến chống COVID-19, y đức của đội ngũ y bác sỹ hiện nay vẫn luôn tỏa sáng, dù cho qua bao thăng trầm.
Ðạo đức nghề y, hay còn gọi là y đức đối với người làm nghề y không phải là một quy chuẩn của luật pháp, hay nghĩa vụ pháp lý, đó là tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh.
Song song, y đức cũng chính là kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp để thầy thuốc tự giác điều mình với mong muốn đem lại sự an lành cho người bệnh. Do vậy, nói “lương y như từ mẫu” quả không ngoa, khi người bệnh gửi gắm sức khỏe, tính mạng của minh cho bác sỹ đồng nghĩa với việc người thầy thuốc phải nỗ lực hết mình, tận tụy cữu chữa bằng hết năng lực và trách nhiệm của bản thân.
Y đức hình thành và phát triển cùng với lịch sử y học và xã hội, do vậy lương tâm luôn phải luôn đi kèm với trách nhiệm. Trong những năm qua, dù đời sống còn gặp khó khăn nhưng đa số những người làm nghề y vẫn cần mẫn hàng ngày, hàng giờ chăm sóc phục vụ người bệnh, cho dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Đối với đội ngũ y, bác sỹ hiện tại, việc nâng cao y đức trước tiên phải là nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ nghiên cứu, chẩn đoán, làm chủ trang thiết bị hiện đại để có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh, biện pháp điều trị và cách điều trị. Bên cạnh đó là thái độ đối giao tiếp với ngời bệnh, ôn hòa giải đáp, chăm sóc và lắng nghe bệnh nhân. Nắm bắt được tâm lý của con người để thay đổi trạng thái phục vụ hài hòa với công việc, với bản thân và bệnh nhân.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang còn nhiều diễn biến phức tap, đội ngũ y, bác sỹ chính là tuyến đầu “xông pha” vào trận chiến cam go này. Khi mà những hiểm nguy luôn rình rập, nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng họ - những người lính can trường vẫn lạc quan, tiến bước vào sâu tâm dịch để mang đem lại niềm tin về một lá phổi sạch cho đồng bào, một môi trường trong lành cho cộng đồng, đất nước.
Còn nhớ, cuối tháng 7/2020, Đà Nẵng phát hiện ca bệnh dương tính với COVID-19. Xác định đây lây nhiễm trong cộng đồng TP. Đà Nẵng đã gấp rút, khẩn trương truy tìm dấu vết F1, F2 và nỗ lực chống dịch của thành phố được đẩy lên cao nhất. Các ổ dịch lần lượt được khoanh vùng, trong đó 3 bệnh viện lớn là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng cùng khu dân cư quanh đó được thông báo phong tỏa, cách ly.
Tại bệnh viện C Đà Nẵng, Khoa thận nhân tạo – Lọc máu là khoa tiếp nhận, thu dung điều trị các bệnh nhân nặng. Những bệnh nhân này rất dễ tổn thương nếu mắc COVID-19. Trước tình hình có bệnh nhân COVID-19 được phát hiện tại bệnh viện, toàn thể các nhân viên của khoa được huy động, tình nguyện ở lại trực tại bệnh viện 24/24 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, điều trị và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.
Trải qua thời gian khó khăn, đối mặt với những hiểm nguy của dịch bệnh, bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa thận nhân tạo – Lọc máu, Bệnh viện C Đà Nẵng vẫn chưa hết bồi hồi. Ngoài những vấn đề về chuyên môn, các y bác sỹ tại đây cũng luôn đồng hành cùng người bệnh bởi nếu có sơ xảy, lây nhiễm chéo sẽ khiến bệnh viện trở thành ổ dịch, lúc đó công tác kiểm soát bệnh tật sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
“Tuy vậy, nhờ vào các biện pháp cách ly, phân luồng phù hợp, cho nên việc lây chéo đã không xảy ra. Ngay sau khi, bệnh viện dở cách ly, được làm sạch, các y, bác sĩ khoa Thận nhân tạo- Lọc máu của Bệnh viện C lại thực hiện nhiệm vụ mới, tiếp tục đối diện với những căng thẳng, áp lực,” bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn bộc bạch.
Khi bệnh viện C hoạt động trở lại, lượng bệnh nhân của tuyến dưới chuyển lên nhiều. Để phòng chống dịch, đội ngũ cán bộ của bệnh viện phải sát khuẩn phòng bệnh, làm sạch giường bệnh để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong khám, chữa bệnh.. Công việc của những “người lính” thường xuyên kết thúc vào 12 giờ đêm, công suất phải tăng gấp đôi nhằm phục vụ tốt nhất cho các bệnh nhân.
“Đặc biệt, chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19, tuy vậy anh em y, bác sĩ vẫn luôn vững vàng tâm lý, yên tâm điều trị bệnh nhân. Xem bệnh viện như là nhà, bệnh nhân là người thân, dù có khó khăn đến mấy chúng tôi cũng đều luôn vui vẻ, lạc quan và cống hiến hết sức mình để chữa trị cho bệnh nhân”, bác sỹ Tuấn chia sẻ.
Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, các lương y cùng ăn, cùng ở với bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân từ giấc ngủ cho đến bữa ăn. Với lượng việc lớn, luôn chịu áp lực nhưng họ vẫn tận tụy, không hề thở than.
“Bản thân khi chọn nghề Y, chọn làm điều dưỡng, một nghề làm dâu trăm họ thì mọi khó khăn vất vả, mình vẫn cố gắng vượt qua. Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì mình luôn sẵn sàng tham gia chống dịch khi có sự điều động”, Điều dưỡng Trưởng Ngô Thị Ny - khoa Khám bệnh Cấp cứu, Bệnh viện Phục hồi Chức năng Đà Nẵng luôn khẳng định như thế.
Khoa Khám bệnh Cấp cứu, nơi Điều dưỡng Trưởng Ngô Thị Ny đang làm việc được chọn là nơi thực hiện việc cách ly các bệnh nhân đã phân luồng từ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng chuyển sang. Tổng cộng có hai đợt với 21 bệnh nhân F1 được điều trị cách ly trong 25 ngày tại bệnh viện.
Ngay khi nhận được yêu cầu của bệnh viện, chị Ny được chồng đưa đến bệnh viện để bắt đầu những ngày tháng toàn tâm toàn lực cho công việc. Vậy là bắt đầu những ngày xa gia đình, xa các con để làm tròn cái tâm với nghề Điều dưỡng, với y đức của một người trong ngành y đã thúc dục chị như thế.
“Những ngày đó, phải làm quen với việc mặc những bộ đồ bảo hộ nóng bức, thực hiện tỉ mỉ từng công đoạn thao tác theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn. Xa gia đình, mỗi ngày tôi đều phải bận rộn với công việc, vậy nhưng khi ngơi tay, cảm giác nhớ nhà, nhớ con lại ùa đến nên cán bộ tại đâyluôn động viên nhau vượt qua khó khăn.” Chị Ngô Thị Ny nhớ lại.
Chị kể, trong khoảng thời gian hơn 12 năm gắn bó với công việc của một điều dưỡng, bản thân chị phải luôn tự động viên mình để vượt qua khó khăn, toàn tâm toàn ý phục vụ bệnh nhân một tốt nhất. Có lẽ, những ngày tham gia điều trị các ca bệnh F1 là thời gian lâu nhất mà gia đình phải xa nhau, nỗi nhớ nhà cứ len lỏi qua từng dây cảm xúc của chị.
Hơn 01 năm dịch bệnh bùng phát, cũng là bấy nhiêu thời gian họ - đội ngũ y, bác sỹ phải tạm gác vai trò thành viên trong gia đình để khoác lên mình tấm áo “người hùng” màu trắng Blouse bước vào cuộc chiến lớn. Đối với những người chọn nghề y thì với họ, khó khăn lại càng khiến cho bản thân thêm tâm huyết.
Nghề y luôn là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh. Lương tâm nghề nghiệp trong sáng là cơ sở để hình thành những đức tính cần có của người thầy thuốc. Y đức - tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh luôn được lưu truyền từ ngày xưa đến nay và sẽ còn được giữ mãi cho đến thế hệ mai sau.
Có thể bạn quan tâm
19:27, 04/08/2020
02:52, 01/09/2020
11:01, 31/08/2020
05:00, 20/08/2020
07:45, 29/07/2020
18:05, 14/04/2020
05:01, 27/02/2020