Hà Nội và TP.HCM vẫn luôn là hai đầu tàu của kinh tế cả nước, cùng với 7 vùng kinh tế động lực vẫn phải tiếp tục dành nguồn lực đầu tư để tạo sự lan toả - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Tại phiên chất vấn chiều 6/6, Đại biểu Nguyễn Văn Thân đặt câu hỏi, nếu Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Chính phủ có tiêu chí nổi trội gì về việc chọn cán bộ, đặc biệt là chức danh chủ tịch?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, nói là đặc khu là có tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt "thì chắc cán bộ cũng phải đặc biệt".
Theo ông, trong dự luật cũng quy định lựa chọn người đứng đầu là Chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ theo hướng: Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu và Thủ tướng phê chuẩn.
"Tôi nghĩ chắc chắn sẽ chọn được người đủ đức, đủ tài", Phó thủ tướng nói.
Cùng quan tâm tới vấn đề đặc khu, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi: Xin phó thủ tướng cho biết khái quát, nếu triển khai thành công 3 đặc khu, tình hình kinh tế - xã hội của 3 nơi đó phát triển như thế nào, đóng góp vào kinh tế đất nước như thế nào? Phó thủ tướng phân tích mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế của 3 đặc khu với sự ổn định về an ninh quốc phòng, vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian 10, 100 năm và lâu hơn nữa?
Câu hỏi trên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: trên thế giới, tạo ra đặc khu là thử nghiệm thể chế và cực tăng trưởng. Dự luật này Quốc hội đang thảo luận, ta tính toán kinh tế, thu hút đầu tư, gắn kinh tế với quốc phòng, an ninh…
"Chúng tôi xin báo cáo, Hà Nội và TP.HCM bao giờ vẫn đầu tàu, động lực của cả nước dù có đặc khu hay không. 7 vùng kinh tế tọng điểm của chúng ta vẫn tiếp tục tập trung cơ chế chính sách, phát huy thế mạnh của các vùng này, làm lan tỏa các địa phương và vùng khác. Việc ra đời các đặc khu không ảnh hưởng quan điểm phát triển, nguồn lực trung ương, địa phương tới 7 vùng trọng điểm này.", Phó Thủ tướng cho biết.
Chưa hài lòng với câu trả lời của ông Vương Đình Huệ về đặc khu kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhắc lại câu hỏi: Xin Phó thủ tướng cho một vài phác thảo về phát triển kinh tế - xã hội tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; mối quan hệ phát triển kinh tế 3 đặc khu này với an ninh quốc phòng, sự vẹn toàn lãnh thổ cả nước theo thời gian ra sao?
Trước câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, Quốc hội đang bàn Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, hiện chưa ban hành, để có câu trả lời đầy đủ vấn đề đại biểu nêu thì cần nghiên cứu chặt chẽ hơn. "Xin đại biểu cho phép Phó thủ tướng trả lời bằng văn bản", bà Ngân nói.
Liên quan tới 7 vùng kinh tế, đặt câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Huỳnh Sang (Bình Phước) hỏi: Cả nước có 7 vùng kinh tế trọng điểm nhưng trên thực tế sự liên kết phát triển kinh tế vùng rất hạn chế và còn yếu kém, các địa phương chưa có sự liên kết. Trong đầu tư chỉ chú trọng các vùng lõi như trung tâm các thành phố lớn mà bỏ qua các địa phương lân cận đóng vai trò là vệ tinh cung cấp tài nguyên và nguyên liệu cho vùng trung tâm. "Trước thực trạng trên đề nghị chính phủ cho biết quan điểm về hiệu quả liên kết vùng kinh tế, đâu là giải pháp căn cơ để phát huy sức mạnh kinh tế của liên kết vùng?", đại biểu Huỳnh Sang hỏi.
Trước câu hỏi của đại biểu Bình Phước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết phát triển liên kết kinh tế vùng là vấn đề đang được quan tâm. Trong nghị quyết 12 nói rõ phải tăng cường liên kết vùng và thiết kế cơ chế điều phối vùng. Đối với liên kết vùng không phải là đi phát huy lợi thế của từng tỉnh mà phát phát huy lợi thế so sánh của từng tỉnh đặt trong tương qua cả một vùng.
Chính phủ thấy rằng việc cơ chế điều phối vùng rất quan trọng. Nội hàm của liên kết vùng quan trọng là phải có quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng. Sau khi làm quy hoạch xong thì Nhà nước phải làm cùng các nguồn lực xã hội khác để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng.
Tiếp đó, Nhà nước phải tạo cơ chế để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị của các sản phẩm ở vùng. Việc này Nhà nước không làm được, chỉ có doanh nghiệp làm được.
Vấn đề cơ chế điều phối, hiện nay ở Miền Trung đang tự nguyện, nghĩa là các tỉnh lập ra một hội đồng và luân phiên nhau làm việc tương đối hiệu quả.
Trong khi đó ĐBSCL thì Thủ tướng đang giao cho Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư phụ trách điều phối vùng này. Nhưng đúng như các đại biểu chia sẻ là vẫn chưa đủ hiệu lực vì các liên kết vùng này thường liên quan đến rất nhiều Bộ ngành và quản lý tổng hợp về mặt nhà nước.
Ngay cả khu kinh tế trọng điểm phía Nam thì trong vùng Đông Nam Bộ họ cũng mong muốn Chủ tich TP.HCM làm Trưởng ban điều phối vùng và đề xuất Thủ tướng hoặc một Phó thủ tướng chỉ đạo liên kết vùng tại khu vực này.
Chính phủ thấy rằng đây là ý kiến rất đúng và sẽ tiếp thu, tiếp đó cần bàn bạc và điều phối hợp lý trong điều kiện mà chúng ta không có chính quyền cấp vùng như các nước khác.