Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quân đội là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Thiếu tướng Trần Đình Thăng - Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng khẳng định: Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng là một trong những đơn vị tiên phong và quyết liệt trong thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là thực hiện nghị quyết số 12 Hội nghị trung ương 5 khóa 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
- Thưa Thiếu tướng, Đề án đổi mới và sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu giảm từ 88 xuống chỉ còn 17 doanh nghiệp. Vậy, quan điểm của Thiếu tướng như thế nào về mục tiêu này?
Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quân đội là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Thời gian vừa qua, quân đội đã quán triệt nghị quyết của BCH Trung ương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện nhiệm vụ rất nghiêm túc, đúng hướng. Bước đầu đã cơ bản đạt được những mục tiêu yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, cũng phải nói quá trình này còn nhiều khó khăn.
Khó khăn lớn nhất, trước hết là nhận thức của một số cấp ủy chỉ huy, một số cơ quan đơn vị doanh nghiệp và đặc biệt là một bộ phận cán bộ công nhân viên chức, người lao động về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp chưa thật đầy đủ, sâu sắc. Bên cạnh đó là vướng mắc về mặt tài chính, đất đai, lao động trong quá trình trước giai đoạn cổ phần hóa.
- Như vậy, thực tiễn cho thấy là công tác sắp xếp đổi mới và phát triển doanh nghiệp quân đội trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ khá nhiều hạn chế, khó khăn và vướng mắc. Vậy Bộ Quốc phòng đã có biện pháp tháo gỡ ra sao, thưa Thiếu tướng?
Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng và đối với các doanh nghiệp thì với tinh thần của người lính, với bản chất cách mạng, cũng như việc chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, tính kỉ luật…, các doanh nghiệp đã quán triệt nghiêm túc để thực hiện nhiệm vụ này.
Trên cơ sở các định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy trung ương đã có Nghị quyết 425-NQ/QUTW về sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội những năm tiếp theo, có kế hoạch và chỉ thị để thực hiện nhiệm vụ này. Trong đó, các doanh nghiệp đã làm tốt công tác đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, từng đơn vị đều có nghị quyết lãnh đạo các chương trình hành động với những giải pháp thiết thực.
Quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, tinh gọn bộ máy của các doanh nghiệp quốc phòng là cơ hội tạo cho các doanh nghiệp phát triển mạnh, có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ tạo ra được nhiều công ăn việc làm hơn, đặc biệt là trong cuộc cách mạng 4.0.
Nhìn chung, sau sắp xếp, đổi mới, hầu hết doanh nghiệp đã giữ vững ổn định và phát triển, đã tổ chức lại sản xuất kinh doanh có hiệu quả, và từng bước hội nhập thị trường khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã xây dựng được những thương hiệu mạnh, giữ vững vai trò vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, chẳng hạn Tập đoàn Viettel, MB, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn...
Các doanh nghiệp quân đội đã tham gia đầu tư ra nước ngoài một cách hiệu quả và đây cũng là lực lượng dự bị mạnh cho quốc phòng, là đối tác kinh tế có uy tín, có tầm quốc tế, đã góp phần tích cực vào công tác hội nhập, đối ngoại quốc phòng, cũng như hội nhập kinh tế quốc tế và là cơ sở để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
- Thưa Thiếu tướng, có một vấn đề thường xảy ra ở doanh nghiệp nhà nước đó là khi tái cơ cấu, sắp xếp lại thì xảy ra các vấn đề thất thoát vốn tài sản nhà nước vì không có cơ chế giám sát rõ ràng minh bạch. Vậy đối với các doanh nghiệp quân đội khi tiến hành cổ phần hóa thì vấn đề này giải quyết như thế nào?
Đây cũng là vấn đề mà Chính phủ, Quốc hội, Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo rất chặt chẽ. Trong quá trình cổ phần hóa, Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo phải bám sát đúng đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Chính phủ để thực hiện từng bước vững chắc, đẩy nhanh nhưng không nóng vội và tuyệt đối không để xảy ra thất thoát về tài sản nhà nước và lợi ích nhóm.
Để xác định đúng giá trị doanh nghiệp, chúng tôi quán triệt nghiêm Nghị định 126 của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa đối với DNNN, lựa chọn và đấu thầu đối với các tổ chức tư vấn và xác định giá trị doanh nghiệp có uy tín để trong quá trình đánh giá giá trị tài sản xây dựng phương án cổ phần hóa thì đảm bảo chất lượng. Bộ Quốc phòng quy định chặt chẽ về vấn đề này. Chẳng hạn: trong quy định của nhà nước, chỉ có các doanh nghiệp có số vốn lớn trên 1.800 tỉ thì mới do Kiểm toán nhà nước kiểm toán lại giá trị doanh nghiệp sau khi được các tổ chức tư vấn xác định giá trị. Nhưng đối với Bộ Quốc phòng thì không phải chỉ các doanh nghiệp lớn hơn 1.800 tỉ đồng mà các doanh nghiệp còn lại sẽ được Kiểm toán Bộ Quốc phòng kiểm tra lại. Như vậy là tất cả các doanh nghiệp cổ phần hóa đều được kiểm toán và đánh giá kĩ quá trình này.
Thứ hai đối với quản lí đất quốc phòng trong sử dụng và đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa thì chúng tôi cũng có quy chế rất cụ thể. Trước hết là báo cáo cấp có thẩm quyền có cơ chế đặc thù về quản lí sử dụng đất quốc phòng cho phù hợp. Sau đó, rà soát đánh giá kĩ và lên phương án, phê duyệt phương án sửa đổi đất một cách phù hợp, đảm bảo các yếu tố công khai, minh bạch và tuyệt đối không để xảy ra thất thoát hoặc đánh giá sai giá trị. Đặc biệt các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều phải thực hiện nghiêm quy định về đăng kí lưu trữ, đăng kí giao dịch, đăng kí niêm yết trên thị trường chứng khoán để có cơ sở khi thoái vốn.
Tôi tin tưởng rằng với những biện pháp, giải pháp như vậy thì việc cổ phần hóa thoái vốn đối với doanh nghiệp quân đội sẽ đảm bảo vững chắc, minh bạch, công khai và không để xảy ra thất thoát.
- Có thể thấy là sau khi cổ phần hóa hoặc sát nhập các doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ quản lí. Vì vậy đã có câu chuyện là hôm qua còn là bộ đội đeo sao, hôm nay về quê bảo là lao động hợp đồng. Điều này đã đặt ra vấn đề giải quyết các công tác như là cán bộ, chính sách tư tưởng như thế nào cho hiệu quả thưa Thiếu tướng?
Quá trình sắp xếp đổi mới đối với các doanh nghiệp thì Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng cũng đã xác định sẽ tác động trực tiếp đến hàng chục nghìn quân nhân và người lao động tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, tinh gọn này là cơ hội tạo cho các doanh nghiệp phát triển mạnh, có nghĩa là chúng ta sẽ tạo ra được nhiều công ăn việc làm hơn, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Có thể hôm nay những người lao động của doanh nghiệp “không còn đội mũ đeo sao” và chuyển sang lao động kí hợp đồng, nhưng đó cũng là điều kiện để người lao động đổi mới, nâng cao trình độ, họ có điều kiện học tập và điều kiện cống hiến, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong môi trường mới. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, mà điển hình là Bộ đã ban hành Thông tư 139/2018/TT-BQP ngày 30/8/2018 hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng và thực hiện một số chế độ chính sách đối với các đối tượng làm việc tại doanh nghiệp quân đội thực hiện cổ phần hóa hoặc giải thể phá sản.
Chúng tôi tin rằng nếu tiến hành tốt việc công khai phương án sắp xếp điều động lao động, có chính sách ưu tiên bố trí sử dụng lao động về cán bộ công nhân viên thì những vướng mắc về mặt tư tưởng sẽ được xử lí trong thực tế.
- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.