Chính trị - Xã hội

Cơ cấu mới của Bộ Khoa học và Công nghệ sau sáp nhập

Lê Hà 04/03/2025 06:09

Sau sát nhập, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) sẽ có 25 đầu mối, trong đó bao gồm 22 tổ chức hành chính và 3 đơn vị sự nghiệp công lập.

305-202503041359001.jpg
Tập thể lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh nguồn Bộ KHCN

Nghị định số 55/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KHCN, 22 tổ chức hành chính thuộc Bộ KHCN.

Bộ KHCN có 37 nhiệm vụ và quyền hạn, bao gồm: Đảm trách việc trình Chính phủ các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các nghị định theo kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm và các đề án, dự án được phân công.

Bộ KHCN cũng trình Chính phủ và Thủ tướng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm; các công trình quan trọng quốc gia, chương trình, dự án, đề án thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; và các văn bản khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Ban hành các thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước; phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 5 năm và hằng năm, phù hợp với chiến lược phát triển và theo phân cấp, ủy quyền…

Bộ KHCN cũng được giao nhiệm vụ về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường công nghệ; khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khoa học công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số; chuyển đổi số quốc gia; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; kinh tế số, xã hội số; giao dịch điện tử; hợp tác và hội nhập quốc tế...

Về điều khoản chuyển tiếp, Nghị định nêu, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông; Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông; Tạp chí Thông tin và Truyền thông, tiếp tục hoạt động đến khi Thủ tướng ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Chiến lược Khoa học và Công nghệ. Thời gian thực hiện nội dung này không quá 3 tháng từ khi nghị định có hiệu lực.

Cục An toàn thông tin được tiếp tục hoạt động để xử lý vấn đề tài chính, ngân sách nhà nước, tài sản công, các chương trình, dự án; nhân sự và các vấn đề còn tồn đọng khác trong thời gian không quá 3 tháng từ khi nghị định có hiệu lực.

Báo điện tử Vietnamnet tiếp tục hoạt động cho đến khi cấp có thẩm quyền phê duyệt việc chuyển cơ quan này về trực thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Bộ trưởng KHCN sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong tháng 3/2025.

Ngày 1/3/2025, Bộ KHCN tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ KHCN với ông Phạm Đức Long và ông Bùi Hoàng Phương.

Bộ KHCN do ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Bộ trưởng và có 5 Thứ trưởng là các ông Bùi Thế Duy, Lê Xuân Định, Hoàng Minh, Phạm Đức Long, Bùi Hoàng Phương.

Gồm các đầu mối: Vụ Bưu Chính; Vụ Đánh giá và Thẩm định công nghệ; Vụ Khoa học kỹ thuật và công nghệ; Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; Vụ Kinh tế và Xã hội số; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Hợp tác quốc tế.

Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Cục Bưu điện Trung ương; Cục Công nghiệp công nghệ thông tin; Cục Chuyển đổi số quốc gia; Cục Đổi mới sáng tạo; Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ; Cục Sở hữu trí tuệ; Cục Tần số vô tuyến điện; Cục Thông tin, Thống kê; Cục Viễn thông; Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

Ba đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ, gồm: Trung tâm Công nghệ thông tin; Học viện Chiến lược KHCN; Báo VNExpress.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ cấu mới của Bộ Khoa học và Công nghệ sau sáp nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO