Chuyên đề

Cơ chế bán điện mặt trời dư thừa: Cần cơ chế nguồn vốn phù hợp

Lê Mỹ 01/11/2024 16:26

Với các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến 2030 mỗi năm cần 12 tỷ USD và từ 2030 - 2050 mỗi năm cần khoảng 18 tỷ USD cho đầu tư phát triển nguồn.

Điều này một cơ chế nguồn vốn phù hợp để thúc đẩy thu hút đầu tư quy mô lớn và dài hạn.

LTS: Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đang rất cấp thiết trước yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng, năng lượng – một trong những yếu tố mang tính trụ cột, đột phá đối với sự phá triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

info 87 2

Trong nhiều quan điểm góp ý Dự thảo Luật Điện lực, đáng chú ý, theo Đại biểu Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, “Dự thảo Luật dành một chương cho năng lượng tái tạo nhưng không có đề cập gì đến nguồn quỹ cho phát triển, nên chăng Luật này phải thể chế hóa nguồn vốn phát triển, xây dựng quỹ phát triển năng lượng tái tạo chuyên biệt, từ nhiều nguồn”.

Trong khi chờ Luật Điện lực được sửa đổi chính thức với kỳ vọng sẽ có các quy định về cơ chế ưu đãi, ưu tiên nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân khảo sát, đầu tư, tính vào ưu đãi và hoàn trả chi phí, hoặc có thể hướng đến ưu tiên tiếp cận Quỹ hỗ trợ Đầu tư trong tương lai, thì các doanh nghiệp bày tỏ sự cần thiết và mong chờ về một nguồn quỹ hỗ trợ cho khuyến khích lắp đặt, lưu trữ, thực hiện mua bán điện mặt trời mái nhà sớm. Nguồn quỹ này ở quy mô nhỏ hơn nhưng nên được nằm trong quỹ phát triển năng lượng tái tạo chuyên biệt như kiến nghị của Đại biểu Quốc hội nêu trên, nhằm đảm bảo mục tiêu và đối tượng tiếp cận vốn thống nhất, trên cơ sở phân hóa cơ chế hỗ trợ, ưu tiên cho từng nhóm đối tượng và phù hợp quy mô đầu tư.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết khi chuyển đổi xanh, chi phí của doanh nghiệp tăng. Song đây là một quá trình doanh nghiệp phải đầu tư và chấp nhận đầu tư, không thể làm khác, để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Thắng Jean đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà từ mấy năm trước, trung bình mỗi tháng dư 35% công suất điện, tương đương 600 - 700 KWh, do đó rất muốn bán phần này cho các khách hàng. Tuy nhiên, việc mua bán này theo ông Việt cần có hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp dễ thực hiện, hướng đến để tránh lãng phí, cũng như bù đắp 1 phần chi phí đầu tư. Còn trong tổng thể chuyển đổi xanh, Nhà nước vẫn nên có gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, ưu đãi lãi suất nhằm kích thích đầu tư.

Còn theo bà Nhan Húc Quân, Tổng Giám đốc New Toyo (Việt Nam), một trong những DN xanh tiêu biểu của TPHCM, không bị ai “thúc ép” nhưng doanh nghiệp 100% vốn ngoại này vẫn đầu tư tiền tỷ cho lắp đặt điện mặt trời mái nhà, thực hiện chuyển đổi xanh với ý thức đây là sự chuyển động cần để phát triển bền vững. Tuy nhiên đầu tư xanh cần tầm nhìn dài hạn, kiên định và nếu cần quy mô lớn hơn, doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc vì liên quan đến chi phí đầu tư. Do đó, một sự hỗ trợ từ phía Nhà nước sẽ có ý nghĩa động lực thúc đẩy doanh nghiệp.

Nhìn chung, cho phép mua bán điện trực tiếp đem lại lợi ích cho nhà nước khi không phải đầu tư thêm nguồn điện mới, theo chuyên gia và doanh nghiệp. Song nếu chính sách là công tắc tổng thì cơ chế vốn hỗ trợ như ưu đãi nguồn từ quỹ với lãi suất thấp, là công tắc con giúp bật chế độ năng lượng xanh lan tỏa. Bên cạnh đó, về lâu dài, vẫn cần thúc đẩy sàn giao dịch tín chỉ carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo, tạo đường dẫn khuyến khích người mua tham gia thị trường mua bán điện tái tạo trực tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ chế bán điện mặt trời dư thừa: Cần cơ chế nguồn vốn phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO