Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho 4 địa phương nhằm tạo điều kiện để những địa phương này bứt phá đi lên.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ về cơ chế, chính sách đặc thùcho TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, sáng 22/10.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết và nhấn mạnh, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết này nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho 4 địa phương, nhằm tạo điều kiện để những địa phương này bứt phá đi lên.
“Những địa phương được trao cơ chế đặc thù nhằm tạo điều kiện trong chỉ đạo, điều hành để bảo đảm cho kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị phát triển”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Mỗi địa phương được xem xét thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù lần này đều thấy có thế mạnh, tiềm năng riêng. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cơ chế đặc thù cho từng địa phương cần cụ thể hóa toàn diện, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị mong muốn từng địa phương về cơ chế, chính sách đặc thù để từng địa phương bứt phá đi lên trong điều kiện nước ta hiện nay. Yêu cầu đặt ra là phải phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
“Song phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách Nhà nước, không làm tăng bội chi ngân sách Nhà nước. Đây là bài toán khó, nhất là trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.
Vẫn theo Phó Chủ tịch Thường trực, Chính phủ, các địa phương có cố gắng trong đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù. Đối với TP Hải Phòng, thời gian qua Chính phủ và địa phương đã thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm, tinh thần đổi mới.
Hải Phòng đã có bứt phá đi lên trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Bước sang nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng cần tạo điều kiện để thành phố tiếp tục phát huy, bảo đảm vượt trội, có những bước đi hết sức mới mẻ so với các thành phố, địa phương khác.
Đối với 3 địa phương còn lại, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cơ chế, chính sách đặc thù cho những địa phương này có độ “an toàn” cao. Tuy nhiên, sự đột phá, khác biệt của từng địa phương cần được làm rõ nét hơn, nhất là các chính sách ưu đãi đầu tư, tổ chức bộ máy, biên chế, thủ tục hành chính…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh, bên cạnh các cơ chế, chính sách đặc thù mà Trung ương cho phép thí điểm, bản thân các địa phương cần thật sự cố gắng, đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tạo đột phá trong khuôn khổ pháp luật.
Vừa qua, bài học điển hình là một số địa phương đã làm không đúng, có những sai phạm về nguyên tắc của tập thể, cá nhân. Do vậy, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế đều đang theo hướng phấn đấu phát triển toàn diện, trở thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng.
Việc thí điểm cho các địa phương cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển có thể dẫn đến những tác động, thay đổi lớn về công tác quản lý quy hoạch, ngân sách nhà nước, tổ chức chính quyền các cấp. Đây là những vấn đề thử thách.
Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần tiếp tục đánh giá sâu sắc, nhiều chiều tác động của các cơ chế, chính sách đặc thù; làm rõ cái được, chưa được, thuận lợi, khó khăn, thách thức để dự kiến, quy định chính sách trong thời gian tới.
“Cơ chế, chính sách đặc thù một mặt phải bảo đảm tính tương đồng giữa các tỉnh, thành phố. Vừa phải xem xét thấu đáo, nổi bật là yếu tố đặc thù riêng”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
12:38, 22/10/2021
11:06, 22/10/2021
11:01, 22/10/2021
06:45, 22/10/2021
06:00, 22/10/2021
05:30, 22/10/2021
22:20, 21/10/2021
16:22, 21/10/2021