Cơ chế, chính sách đặc thù (Bài 2): “Đòn bẩy” để Nghệ An bứt phá

NGỌC THÁI 26/10/2021 09:00

Với việc trình Quốc hội tại kỳ họp lần này thông qua Nghị quyết áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho Nghệ An đang được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Bởi xét về mặt bằng chung và nhìn vào nhiều góc độ, địa phương này vẫn chưa thể bứt phá phát triển xứng tầm với kỳ vọng của Trung ương, trong khi Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để tạo ra nhiều thành tích trên lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Dỡ “rào cản” về đất đai cho nhà đầu tư

Trong hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù dự kiến được áp dụng, dư luận vẫn đặc biệt quan tâm tới nội dung Nghị quyết về việc nâng thẩm quyền cho phép HĐND tỉnh Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ, đầu nguồn dưới 50 hecta, đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển bảo vệ môi trường… dưới 500 hecta, đất rừng sản xuất dưới 1000 hecta.

Đây là điểm mới để nhà đầu tư, doanh nghiệp có được cơ hội rút ngắn về thời gian chờ đợi những quyết sách về chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi triển khai dự án tại địa phương.

Bởi theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 thì “Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng”.

Và, theo điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai cũng quy định “Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên”.

Đó là những quy định của Điều 58 Luật Đất đai đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản nói trên.

Cơ chế về phân quyền cho HĐND cấp tỉnh được phép trình, thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích đất đai quy mô lớn để thực hiện dự án đầu tư, xây dựng đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm

Cơ chế về phân quyền cho HĐND cấp tỉnh được phép trình, thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích đất đai quy mô lớn để thực hiện dự án đầu tư, xây dựng đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm

“Để làm dự án quy mô sử dụng đất lớn trên 10ha, chúng tôi phải chờ thẩm quyền của Thủ tướng quyết định. Như vậy, khi cho phép HĐND cấp tỉnh như Nghệ An được phép trình, thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi quy mô diện tích đất rừng phòng hộ dưới 50 héc ta thì mở ra hy vọng trình tự thủ tục sẽ được giảm thiểu, rút ngắn hơn” – đại diện một doanh nghiệp ở Nghệ An cho biết.

Qua tìm hiểu, các doanh nghiệp cũng cho rằng, rào cản lớn nhất bấy lâu nay mà họ gặp phải khi vào đầu tư vẫn là tư liệu đất đai để sớm triển khai xây dựng dự án của mình đi vào vận hành, hoạt động.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội kỳ họp lần này cũng quy định HĐND tỉnh Nghệ An cũng được phép biểu quyết, thông qua nội dung đối với đất trồng lúa chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ  nhưng cũng đảm bảo quyền kiểm soát của Thủ tướng.

Kỳ vọng vào “làn gió mới” cho Nghệ An

Khi phát biểu thảo luận tại phiên họp lần thứ 4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV diễn ra vào chiều 11/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, do chưa được áp dụng thí điểm về thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng nên Nghệ An chưa thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để tạo đột phá, đi lên.

Chính vì vậy, các mục tiêu mà Nghị quyết 26 ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cũng chưa thể đạt được kỳ vọng như Trung ương đặt ra.

Tại Thông báo số 55TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ một số mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đến năm 2020 khó hoàn thành, như tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người, thu ngân sách.

Thành phố Vinh phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là khu vực miền Tây. Một số vấn đề xã hội giải quyết còn chậm....

Nghị quyết áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nếu được Quốc hội thông qua cũng kỳ vọng sẽ

Nghị quyết áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nếu được Quốc hội thông qua cũng kỳ vọng sẽ "thổi làn gió mới" cho Nghệ An trong tương lai gần, sớm đạt các mục tiêu mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đặt ra

Nguyên nhân được xác định do một số chỉ tiêu đề ra quá cao, thiếu tính thực tiễn, khó khả thi. Trong lãnh đạo, chỉ đạo còn thiểu sự đột phá, nhất là về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh về đất đai, con người; chưa có những dự án đầu tư lớn mang tính động lực, đột phá trên địa bàn.

Cũng tại Thông báo số 55TB/TW, Bộ Chính trị chỉ đạo phải ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển thành phố Vinh toàn diện, hiện đại, sớm trở thành đô thị thông minh, đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ.

Tạo sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả để phát triển vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh và Bắc Nghệ An - Nam Thanh Hoá. Tiếp tục qúan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển miền Tây Nghệ An. Nghiên cứu việc bổ sung Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An vào nhóm các khu kinh tế ven biển trọng điểm.

Mới đây, tại tại phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An thường kỳ tháng 9/2021 đã đưa ra nhiều giải pháp để địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và sẽ có văn bản đề nghị Trung ương chấp thuận, cho phép nâng quy mô diện tích Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Nghệ An lên tới 80.000 ha, bao gồm 70.000 ha đất liền và 10.000 ha mặt nước biển. Riêng diện tích khu công nghiệp, Nghệ An sẽ dành khoảng 15.000 ha để thu hút đầu tư, tăng quy mô và công năng sử dụng đất.

Quy mô diện tích của KKT Đông Nam thời điểm tháng 6/2007 khi được Trung ương đồng ý cho phép thành lập có tổng diện tích hơn 20.776 ha. Sắp tới, tỉnh Nghệ An sẽ đề nghị Trung ương cho phép đổi tên thành KKT Nghệ An và đưa vào nhóm các KKT ven biển trọng điểm của cả nước.

Bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, thực tiễn triển khai Nghị quyết 26 cho thấy không có cơ chế, chính sách đặc thù. Vì vậy, Nghệ An rất khó thực hiện được các bước đột phá để phát triển nhanh, bền vững và hoàn thành mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.

“Nếu không có các cơ chế, chính sách phát triển phù hợp, Nghệ An sẽ không có đủ nguồn lực tăng thêm để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng” – bà Thái Thị An Chung phát biểu tại thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết này ở điểm cầu Nghệ An vào sáng 22/10.

Có thể bạn quan tâm

  • Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Tạo cơ chế đặc thù để có thêm nguồn lực 

    18:45, 22/10/2021

  • Cơ chế đặc thù cho các địa phương: “Bước chạy đà” tạo động lực phát triển

    14:14, 22/10/2021

  • Cơ chế, chính sách đặc thù để địa phương bứt phá đi lên

    13:07, 22/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù vì mục tiêu chung

    12:38, 22/10/2021

  • Nghệ An sẽ làm gì khi được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù?

    16:48, 12/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ chế, chính sách đặc thù (Bài 2): “Đòn bẩy” để Nghệ An bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO