
Cơ chế vẫn thiếu hấp dẫn
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NOXH), đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nhận định: NOXH ngày càng cấp thiết, đặc biệt tại các đô thị lớn và khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc do “cơ chế thiếu linh hoạt, thủ tục kéo dài và chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư”.
“Việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NOXH là cần thiết và kịp thời, nhằm tháo gỡ nút thắt pháp lý, tạo đột phá về thể chế và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội một cách thực chất, hiệu quả hơn trong giai đoạn hiện nay”, ông So khẳng định.
Ông cho rằng quy định giao chủ đầu tư dự án NOXH không qua đấu thầu là chủ trương đúng đắn, phù hợp với đặc thù loại hình nhà ở phục vụ an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc yêu cầu chủ đầu tư phải có chức năng kinh doanh bất động sản, đảm bảo năng lực tài chính nghiêm ngặt và đặc biệt là phải “có kinh nghiệm triển khai NOXH” là tiêu chí quá chặt.
“Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư không bắt buộc chủ đầu tư phải có kinh nghiệm tương tự, mà chỉ yêu cầu đáp ứng năng lực tài chính và điều kiện hành nghề theo quy định. Do đó, việc duy trì tiêu chí ‘đã từng thực hiện dự án nhà ở xã hội’ như một điều kiện cứng là không cần thiết và làm giảm đáng kể tính tiếp cận của chính sách”, ông So phân tích.
Vị đại biểu kiến nghị cần công khai danh mục dự án, tiêu chí và lý do giao nhà đầu tư không qua đấu thầu trên cổng thông tin của địa phương để đảm bảo tính minh bạch. Ông cũng lưu ý đến vấn đề xác định giá bán, giá thuê mua NOXH – yếu tố then chốt để thu hút đầu tư.
“Việc ấn định cứng trách nhiệm hoàn trả phần chênh lệch mà không cho phép điều chỉnh trong biên độ hợp lý là một rào cản lớn, khiến doanh nghiệp khó tiên lượng lợi nhuận, không dám đầu tư hoặc phải tính biên phòng rủi ro cao, dẫn tới tăng giá khởi điểm”, ông So thẳng thắn.
Ngoài ra, ông đề xuất bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định và hoàn trả hoặc khấu trừ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho chủ đầu tư trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nhằm tháo gỡ rào cản về quỹ đất sạch.
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM), chủ trương xây dựng 1 triệu căn NOXH đến năm 2030 là rất quan trọng nhưng “tỷ lệ đạt còn thấp”, hiện mới hoàn thành 15,6% kế hoạch. Do đó, cần có “cơ chế đặc biệt, đặc thù” và đẩy nhanh tiến độ ban hành nghị định, quy định hướng dẫn thực thi.
Ông Ngân đề xuất mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng trong dự thảo nghị quyết, bao gồm cả “nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mua, thuê mua và thuê”.
Cần tính lại điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy cho rằng điều kiện được hưởng chính sách NOXH hiện nay còn quá khắt khe. “Chẳng hạn, phải nằm trong nhóm có thu nhập thấp, nếu là công chức thì không thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân...”.
Bà cho biết nhiều công chức tại TP HCM có nhu cầu mua NOXH nhưng lại không thuộc diện được hưởng do đang nhận thu nhập tăng thêm theo nghị quyết đặc thù. Ngoài ra, TP HCM cũng thiếu nguồn cung NOXH, khiến người đạt điều kiện cũng khó tiếp cận nhà ở.

“Tôi đề nghị tính lại điều kiện hưởng NOXH dành cho cán bộ, công chức, người lao động trong Luật Nhà ở hiện nay. Không chỉ ở TP HCM mà nhiều tỉnh, thành khác có chính sách về thu nhập cũng đang vướng cơ chế này”, bà Thúy nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho biết, về xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội, qua nghiên cứu, ông thấy rằng vẫn còn có những điểm chưa phù hợp, còn mẫu thuẫn và có thể khó triển khai trong thực tế.
Cụ thể, khoản 1 Điều 8 của dự thảo Nghị quyết quy định: "Chủ đầu tư tự xây dựng, thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra trước khi chủ đầu tư phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội".
Trong khi đó, khoản 3 Điều 8 lại quy định: "Trường hợp giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội theo kiểm toán, quyết toán cao hơn giá bán, giá thuê mua do chủ đầu tư đã ký hợp đồng thì không được thu thêm; thấp hơn thì phải hoàn trả phần chênh lệch".
Quy định trên, theo đại biểu, một mặt trao quyền cho chủ đầu tư được tự xác định giá bán, tự thẩm tra rồi tự phê duyệt mà không có bất kỳ cơ chế kiểm soát giá nào trước thời điểm giao kết hợp đồng. Điều này có thể tạo ra sự không công bằng trong việc tiếp cận thông tin, đẩy người mua - người thuê mua nhà ở xã hội vào thế yếu, không có khả năng thẩm định hay đối chiếu với một mốc giá chuẩn nào được cơ quan nhà nước ban hành.
Mặt khác, dự thảo Nghị quyết lại yêu cầu chủ đầu tư sau khi kiểm toán - quyết toán phải hoàn trả phần chênh lệch nếu giá thực tế thấp hơn giá đã ký hợp đồng. Điều này rất khó triển khai trên thực tế.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông phân tích, khi công trình đã đưa vào sử dụng, cư dân đã vào ở, hợp đồng đã thực hiện, thì việc hoàn trả không những phức tạp về thủ tục mà còn rất dễ bị né tránh, chậm trễ hoặc kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người dân. Thực tế ở nhiều địa phương đã cho thấy, chủ đầu tư thường tìm cách không trả hoặc kéo dài quá mức việc trả chênh lệch sau quyết toán, trong khi người dân không có cơ chế nào để đòi lại phần thiệt hại này.
Bên cạnh đó, quy định trên đặt toàn bộ quyền xác định giá vào tay chủ đầu tư nhưng lại không kèm theo nghĩa vụ kiểm soát công khai minh bạch. Giá bán, giá thuê mua không cần trình bất kỳ cơ quan nhà nước nào trước khi đưa ra thị trường, không có bảng giá chuẩn, không có hệ thống đối chiếu, và người dân hoàn toàn bị động.
Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội phần lớn đều được hưởng những ưu đãi rất lớn về đất đai, tài chính, thuế, hạ tầng… do đó, việc xác định giá bán, giá thuê mua phải gắn liền với trách nhiệm giải trình rõ ràng, minh bạch và có sự giám sát nhất định từ phía nhà nước.
Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 8 theo hướng phân loại dự án để áp dụng cơ chế định giá phù hợp; bổ sung nghĩa vụ công khai cơ cấu giá theo hướng chủ đầu tư phải niêm yết giá bán, giá thuê mua, kèm theo bảng chi tiết các chi phí cấu thành, lợi nhuận định mức, ưu đãi được hưởng, để người dân và cơ quan chức năng cùng giám sát.
UBND cấp tỉnh cần xây dựng bảng giá chuẩn, làm cơ sở đối chiếu với giá mà chủ đầu tư đề xuất; quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm hoàn trả chênh lệch giá sau kiểm toán; ứng dụng công nghệ số để giám sát định giá...