Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần để lại cho nhân dân nhiều ký ức đẹp với những đóng góp to lớn cho đất nước trong chặng đường đầu tiên đổi mới.
Trong mắt nhân dân, lãnh đạo địa phương và những người cùng thời, cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người hiền lành, giản dị, gần dân, cần mẫn; phong cách làm việc khoa học; ông có nhiều công lao với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn đầu hội nhập.
Trong vai trò Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất, sau đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng Chính phủ), ông đã có công xây dựng nền tảng đầu tiên cho nền kinh tế Việt Nam bứt ra khỏi tình trạng bao cấp.
Những dấu ấn rõ rệt nhất trong lĩnh vực năng lượng, tham gia các quyết sách xây dựng thủy điện trên bậc thang Sông Đà, trong khoảng những năm 1995 - 2000. Ông là một trong những lãnh đạo trực tiếp tham gia chỉ đạo xây dựng và phê duyệt các quy hoạch điện quốc gia giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, bao gồm Quy hoạch Điện IV, V, VI.
Trong thời gian ông Trần Đức Lương làm Phó Thủ tướng, đã cùng với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nghiên cứu và quyết định xây công trình thế kỷ - đường dây truyền tải điện 500kV mạch 1 đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam, tổng chiều dài 1.487km.
Cùng với những quyết sách về quy hoạch điện IV, V, VI, đường dây 500kV mạch 1 đã đặt nền móng cho chiến lược an ninh năng lượng, trực tiếp giải bài toán thiếu điện ở miền Nam đất nước. Sau này sự phát triển công nghiệp với tốc độ cao, ổn định tại miền Nam ngày càng khẳng định tính khoa học của công trình này.
Với chuyên môn là kỹ sư địa chất, người làm khoa học được đào tạo bài bản tại một trong những trường đại học uy tín nhất Việt Nam, cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương - theo hồi ức của Bộ trưởng năng lượng Thái Phụng Nê - “luôn có những chỉ đạo rất thực tế, sâu sát và mang tính kỹ thuật cao”.
Trong giai đoạn đầu đổi đất nước đổi mới, vai trò Phó Thủ tướng, ông để lại dấu ấn rất đậm nét trong những bộ luật làm xoay chuyển nền kinh tế: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Đất đai năm 1993, Luật Dầu khí năm 1993, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1995, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995,…
Là người tham gia chỉ đạo biên soạn những bộ luật quan trọng, sau này là Chủ tịch nước, ông cũng là người tiên phong giới thiệu Luật Đầu tư của Việt Nam và kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.
Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn là nhà ngoại giao có uy tín, trong thời gian 9 năm là nguyên thủ quốc gia, ông không ngừng mở mang mối quan hệ quốc tế. Cách đây hơn 2 thập kỷ, trong chuyến công du Nam Mỹ tháng (11/2004). Cố Chủ tịch nước đã đạt được một loạt thỏa thuận song phương với các siêu cường Nga, Trung Quốc, Mỹ, Canada… mở đường đưa Việt Nam gia nhập WTO (tháng 1/2007).
Dưới sự chỉ đạo của cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương, các diễn đàn doanh nghiệp đã được tổ chức tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm thông tin thị trường tiếp cận đối tác, tiếp cận bạn hàng. Đặt nền móng đầu tiên cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và nhiều quốc gia châu Mỹ.
Tháng 11/2000, cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương mời Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sang thăm Việt Nam - đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử có một Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ đến Việt Nam. Mở ra trang sử ngoại giao mới, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Trần Đức Lương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh - sinh ngày 5/5/1937; quê quán: xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi đã từ trần hồi 22 giờ 51 phút ngày 20/5/2025.