Cổ đông ngân hàng “nóng ruột” với các khoản cho vay bất động sản

Diendandoanhnghiep.vn FLC, Đại Nam, Sơn Kim, KCN Phong Phú… với các vụ vi phạm và dính lùm xùm thời gian qua khiến các cổ đông của ngân hàng có cấp tín dụng cho các doanh nghiệp này “nóng ruột” về khả năng thu hồi nợ.

>> Ngân hàng tạm dừng cho vay bất động sản – Bình thường và bất thường

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) OCB 2022 diễn ra cuối tuần này, cổ đông đã chất vấn Đoàn chủ tọa về các khoản cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và đầu tư chứng khoán. 

Cổ đông OCB biểu quyết thông qua các tờ trình tại đại hội

Cổ đông OCB biểu quyết thông qua các tờ trình tại đại hội

Đối với các khoản cho vay FLC và Bamboo Airways, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết trước hết với cho vay FLC, đây là tập đoàn có nhiều dự án triển khai ấn tượng ở Quảng Ninh, Quy Nhơn, Bình Định, Thanh Hoá. Định hướng phát triển của OCB là đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ. Thời gian qua, ngoài FLC, OCB cũng cho vay các chủ đầu tư khác như Khang Điền, Nam Long, một số doanh nghiệp khác, "như một cách tạo nguồn hàng để kinh doanh, tương tự với Techcombank và Vinhomes".

OCB cho vay tập đoàn FLC chủ yếu tập trung vào 2 dự án ở Quảng Ninh. Khi cho vay OCB căn cứ vào từng dự án cụ thể, có đầy đủ pháp lý, giải phóng mặt bằng xong mới cho vay. Việc quản lý rủi ro ở OCB rất chặt chẽ, các khoản vay này đều có tài sản đảm bảo bằng bất động sản là trên 2.000 tỷ, đất đai mà ngân hàng nhận là có sổ chứ không phải hình thành trong tương lai. Ngoài dư nợ cho vay FLC, OCB cũng cho vay Bamboo Airways. Giống như Sacombank, hiện nay OCB cũng đang thương thảo thu nợ trước hạn dự kiến 1.500 tỷ, ông Tùng chia sẻ với cổ đông.

Lãnh đạo ngân hàng OCB cũng khẳng định: Trước khi sự việc ông Trịnh Văn Quyết xảy ra, FLC là khách hàng tốt, luôn đảm bảo trả nợ đúng hạn. Hiện tại, các bên cũng phối hợp với Ngân hàng xử lý việc này. Quan điểm của Ban lãnh đạo ngân hàng là với những dự án đang triển khai, có nguồn thu thì tạo điều kiện để họ bán và thu tiền về. “Hiện nay vụ việc này cũng được báo cáo chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi cho rằng, sự việc của ông Trịnh Văn Quyết là vấn đề cá nhân”. 

Liên quan đến dư nợ của Tập đoàn Đại Nam, cổ đông OCB cũng băn khoăn khả năng xử lý thu hồi nợ sau vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng. Ông Nguyễn Đình Tùng cũng cho biết:  Các khoản nợ của Đại Nam không đáng lo, tất cả đều có sổ đỏ. Tuy nhiên "30 năm làm ngành ngân hàng chưa bao giờ gặp trường hợp như chị Nguyễn Phương Hằng" - ông nói. Theo cập nhật, Đại Nam đến ngày hôm qua đã trả cho OCB 450 tỷ đồng, dự kiến với nguồn thu của mình,  Đại Nam sẽ thừa sức trả cho OCB và các ngân hàng. 

Lãnh đạo OCB cũng khẳng định sự việc liên quan FLC và Đại Nam có ảnh hưởng tới kế hoạch tín dụng của ngân hàng thời gian tới, song OCB sẽ kiểm soát tín dụng bất động sản, mở rộng cho vay bán lẻ. Khả năng kiểm soát nợ xấu dưới 1% là khả thi.  Đồng thời, OCB cũng nhấn mạnh riêng với dư nợ của Sơn Kim Land, đến quý I/2022 khoản dư nợ qua đầu tư trái phiếu chỉ còn 9 tỷ đồng. “Sơn Kim Land là Tập đoàn không có liên quan gì đến OCB, họ cũng đang có dự án The Metropole vẫn đang triển khai và được đánh giá tốt”, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch OCB cho biết thêm.

Kết thúc quý I/2021, OCB thông tin các chỉ tiêu kinh doanh với tổng tài sản tăng 2%, dư nợ tăng 6%, lợi nhuận trước thuế 1.115 tỷ đồng (trước CIC). Tuy nhiên, do thay đổi về chính sách trích lập dự phòng rủi ro, Ngân hàng trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ theo CIC trong BCTC quý 1 nên lợi nhuận đạt 836 tỷ.

“Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% trong cả năm là thách thức tuy nhiên OCB sẽ phấn đấu đạt được khi đáp ứng đầy đủ các quy định của NHNN để được cấp room tín dụng ưu tiên.

Về việc hạn chế cho vay bất động sản, chủ trương của Nhà nước là hạn chế về cho vay kinh doanh bất động sản, còn đáp ứng các nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn được khuyến khích, OCB cũng mở rộng theo hướng này. Về đầu tư chứng khoán tăng như cổ đông phản ánh, đó là đầu tư trái phiếu Chính phủ chứ không phải cổ phiếu thông thường như cổ đông nghĩ”. 

Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất 2021 của OCB, số dư chứng khoán đầu tư cuối năm của OCB là 40.8998 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ mà theo OCB, vô cùng an toàn và đóng góp sinh lời tốt cho OCB trong những năm qua. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đã đóng góp cho OCB tới 1.744,6 tỷ đồng, theo thuyết minh BCTC của ngân hàng. 

>> Xoay vốn cho SMEs: Chính sách chưa như kỳ vọng

Nóng ruột với các khoản nợ bất động sản cũng liên quan đến FLC, là câu chuyện đã được cổ đông Sacombank đặt ra trong kỳ ĐHĐCĐ 2022 vừa diễn ra một ngày trước đó hôm 22/4.

Tại ĐHĐCĐ Sacombank 2022, cổ đông Sacombank đã hỏi về lãi dự thu của Sacombank xử lý khi nào thì xong, dư nợ cho vay bất động sản hiện nay ra sao, đặc biệt là dư nợ cho vay với hệ sinh thái FLC và Bamboo Airways.

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank, lãi dự thu của Sacombank đến cuối năm 2021 gần 6.000 tỷ, quý vừa rồi trích lập gần 2.500 tỷ, phần còn lại trích lập trong năm 2022 và dự kiến quý 3 sẽ trích lập đủ. Các khoản dự thu sẽ xử lý xong trước khi trình NHNN xử lý các cổ phiếu VAMC. Riêng dư nợ cho vay bất động sản  của Sacombank chỉ 22%, trong đó cho vay người dân, tiêu dùng xây, sửa nhà chiếm đến 60%. Cho vay dư nợ doanh nghiệp BĐS chỉ 30 nghìn tỷ, chiếm tỷ trọng rất rất nhỏ trong tổng dư nợ gần 400 ngàn tỷ - là ngân hàng kiểm soát cho vay bất đông sản tốt nhất.

“Cho vay hệ sinh thái của FLC trên 5000 tỷ, trong đó có cả của Bamboo Airways. Các khoản vay này tại thời điểm đó là đồng hành cùng hàng không, du lịch và đã truyền thông rộng rãi. Các khoản vay vừa đảm bảo bằng cổ phiếu, đằng sau là nhiều dự án bất động sản, vì vậy xử lý các tài sản này cũng tốt. Hiện ngân hàng đã xử lý được 2.600 tỷ, đã thu nợ rồi và tới đây thu tiếp. Cổ đông yên tâm rằng  hiện Sacombank cho vay rất chuẩn, đúng quy định”, bà Diễm trả lời chất vấn của cổ đông.

Không phải FLC, khoản nợ xấu liên quan đến dự án KCN Phong Phú nay vẫn đang là bãi đất hoang, mới là

Không phải FLC, khoản nợ xấu liên quan đến dự án KCN Phong Phú nay vẫn đang là bãi đất hoang, mới là thách thức của Sacombank trong xử lý giải quyết dứt điểm để thu hồi nợ

Lãi dự thu của ngân hàng trong BCTC tại thời điểm sau COVID-19 và các vấn đề tín dụng cho địa ốc đang bộc lộ những rủi ro, được giới chuyên môn đánh giá đang trở thành "con dao hai lưỡi", nếu thu được như dự kiến thì đó là khoản lãi thực sẽ được hạch toán, là quả ngọt của ngân hàng, song nếu không thu hồi được thì sẽ là khoản vay chuyển nợ xấu. Lãi dự thu theo đó cũng là một trong những tín hiệu mà các cổ đông ngân hàng thường sẽ "soi" trong BCTC để đánh giá chất lượng tín dụng của ngân hàng. 

Liên quan đến khoảnnợ xấu KCN Phong Phú, cổ đông cũng đặt câu hỏi chất vấn và Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho biết ngân hàng đang tích cực làm việc với UBND Thành phố để đưa ra thời gian giải quyết đấu giá khoản nợ, dự kiến 2022 sẽ giải quyết dứt điểm việc đấu giá khoản nợ này. KCN Phong Phú là một trong những khoản nợ tồn đọng liên quan đến 18 hợp đồng tín dụng được thế chấp bằng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phong Phú (viết tắt là DA; tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM) mà  Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay đã sáp nhập vào Sacombank) cho Công ty CP KCN Phong Phú (PPIP), đến tháng 8/2020 đã phát sinh dư nợ gốc - lãi hơn 10.269 tỉ đồng (trong đó nợ gốc hơn 5.134 tỉ đồng).

Dự án KCN Phong Phú đến nay đã bỏ hoang hơn 18 năm, theo Thanh tra TP HCM, có nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật trong việc sử dụng đất dự án để thế chấp vay ngân hàng. Đáng chú ý, do cơ sở thẩm định giá để làm cơ sở cấp tín dụng cho PPIP, với mức giá thẩm định trung bình lại cao hơn 25 lần so với giá bồi thường cho người dân đã dẫn đến chênh lệch giá trị bồi thường khu đất thực tế (khoảng 383 tỉ đồng) so với giá trị cho vay (5.134 tỉ đồng), có thể gây thiệt hại cho ngân hàng 4.751 tỉ đồng chưa tính lãi. Đây vẫn đã và đang là khoản nợ “đau đầu” Sacombank trong quá trình xử lỷ và thúc đẩy khả năng thu hồi “vớt vát” giá trị khoản vay. 

Sacombank là một trong 2 ngân hàng đã nói không cùng với Techcombank trong cho vay bất động sản, ngay sau vụ việc FLC xảy ra. Việc các cổ đông “xoáy” vào các khoản tín dụng cho FLC nói riêng và các khoản dư nợ bất động sản lớn vì vậy được cho là dễ hiểu.

Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 573 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với 2021; nguồn vốn huy động tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Một trong những giải pháp trọng tâm để Sacombank thực hiện chỉ tiêu trong năm nay gồm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và nợ tồn đọng còn lại. Đây cũng là ngân hàng đã đẩy mạnh thanh lý, phát mãi các tài sản đảm bảo thế chấp cho các khoản vay để thu hồi nợ mạnh mẽ suốt thời gian qua, nhằm thực hiện mục tiêu hoàn thành tái cơ cấu vào 2023.

Trong bối cảnh các cơ quan quản lý đang chủ yếu siết lại tín dụng, đầu tư, tài trợ các lĩnh vực rủi ro đặc biệt cho vay sân sau vào các công ty chứng khoán, công ty bất động sản..., có thể thấy nhà đầu tư, cổ đông các ngân hàng đang vô cùng "nhạy cảm" với các khoản đầu tư trái phiếu, cấp tín dụng liên quan đến những doanh nghiệp địa ốc mà lãnh đạo có vi phạm pháp luật như FLC, Tân Hoàng Minh, Phong Phú..., hay dính các lùm xùm "không đáng có" như trường hợp Đại Nam, thậm chí là câu chuyện "ngoài luồng" dẫn chú ý đến doanh nghiệp như Sơn Kim Land... Tuy nhiên, như ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tich OCB khẳng định: Khi cho vay, chúng tôi luôn quản trị rủi ro, thẩm định các khoản vay để cấp tín dụng một cách chặt chẽ, ngoài chuyện kiểm soát cho vay đúng mục đích, kiểm soát trên tài sản bằng bất động sản chứ không phải bằng tài sản hình thành trong tương lai, và chủ yếu là cấp cho vay mục đích đầu tư nhà ở cao hơn nhiều lần so với cho vay phát triển dự án..., hẳn là nếu làm đúng như nguyên tắc này, các ngân hàng vẫn luôn “nắm đằng chuôi” trong mở rộng tín dụng cho địa ốc. 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Cổ đông ngân hàng “nóng ruột” với các khoản cho vay bất động sản tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711717291 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711717291 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10