Xu hướng tiêu dùng “xanh” và quyết tâm của Chính phủ trong việc loại bỏ đồ nhựa dùng một lần đang đặt ra vấn đề thay đổi chiến lược với các doanh nghiệp, đồng thời là cơ hội cho các startup “xanh”.
Bài toán đặt ra là các doanh nghiệp sẽ sử dụng nguyên liệu gì để thay thế cho PE, PP vốn là vật liệu chính tạo nên các sản phẩm nhựa dùng một lần?
* Liên tiếp vào đầu và cuối tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành 2 văn bản xác định rác thải nhựa là “vấn đề cấp bách”, đồng thời kêu gọi cả nước chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, trong đó có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp. * Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và bao ni-lông. Những sản phẩm này cần khoảng 400 năm để phân hủy. |
Doanh nghiệp nhựa tìm nguyên liệu thay thế
Nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn (bioplastics) đang được coi là một giải pháp tối ưu. Ưu điểm nổi bật nhất của nhựa sinh học là có khả năng phân hủy 100% bởi sự tác động của vi khuẩn thành những chất tự nhiên, hòa lẫn vào đất và không gây hại, hoàn toàn thân thiện với môi trường. Thậm chí, đồ nhựa dùng một lần sản xuất từ bột bắp còn có thể dùng làm phân bón sau khi phân hủy.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp sản xản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần đều có quy mô nhỏ. Trong khi, để làm ra được sản phẩm bằng nhựa sinh học cần công nghệ cao, máy móc tập trung và đặc biệt là nguồn lực R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) mạnh mẽ. Giá thành sản phẩm cũng sẽ cao hơn rất nhiều.
Tại Việt Nam hiện nay, đơn vị duy nhất sản xuất được các sản phẩm nhựa sinh học phân hủy hữu cơ là CTCP Nhựa An Phát Xanh với dòng sản phẩm mang thương hiệu AnEco (bao gồm túi, găng tay, dao, thìa, nĩa...) có nguồn gốc từ tinh bột ngô và các tinh bột hữu cơ khác. Thương hiệu AnEco đã hiện diện tại hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc như Vinmart, Lotte, BigC, Aeon Mall, L’Space...
Động thái này của doanh nghiệp không chỉ là sự “chung tay” với Chính phủ trong việc khuyến khích tiêu dùng “xanh” mà còn giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận với các sản phẩm phân hủy sinh học đúng nghĩa, góp phần bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm
21:50, 10/06/2019
14:40, 09/06/2019
10:45, 09/06/2019
Cơ hội cho các startup mới
Bên cạnh đó, cũng có những giải pháp thay thế hữu ích khác ít tốn kém hơn.
Xuất phát từ trào lưu “Không dùng ống hút nhựa của giới trẻ Việt”, cựu sinh viên Đại học Kiến trúc Nguyễn Văn Mão đã nảy sinh ý tưởng sản xuất loại ống hút mới từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe và không làm tăng rác thải.
Trong những lần lặn lội đến những nơi rừng núi cao, sâu tìm nguyên liệu làm sáo trúc, Nguyễn Văn Mão đã phát hiện ra một vùng nguyên liệu rộng lớn là những cây tre, trúc, thân nhỏ, đốt ngắn chưa được tận dụng nhiều trong sản xuất.
Sau nhiều lần thử nghiệm, đến tháng 2 năm 2019, sản phẩm ống hút làm từ tre Việt Nam đã ra đời với đặc tính 100% sản xuất từ tự nhiên, sản phẩm thân thiện với môi trường và đặc biệt an toàn cho sức khỏe.
Ống hút tre này mặt ngoài có độ trơn nhẵn của vỏ tre, bên trong có lớp lụa, được làm sạch 100%, khi sử dụng có thêm mùi tre đặc trưng thanh nhẹ dễ chịu.
Qua nghiên cứu đánh giá một số thị trường đang ưa tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, Nguyễn Văn Mão đã thành công khi xuất khẩu sản phẩm ống hút tre Việt sang thị trường EU và Đài Loan (Trung Quốc).
“Việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm làm từ tự nhiên của Việt Nam ra nước ngoài đang rất được Chính phủ quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện. Hiện nay tôi đang đẩy mạnh hơn việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU, ở Châu Á hiện chỉ mới bán ở Đài Loan. Sau khi ổn định hơn tôi rất mong có thể bán sang các nước Châu Á phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...”, anh Mão cho biết.
Mới đây, một cơ sở tại Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng đã nghiên cứu, sản xuất thành công loại ống hút làm từ bột gạo sử dụng một lần. Loại ống hút này có thể bảo quản trong môi trường bình thường khoảng 18 tháng, giữ nguyên dạng trong môi trường nước nhiệt độ bình thường và nước lạnh trong khoảng 30 phút đến 2 tiếng.
Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra môi trường. Vì vậy giải pháp căn cơ để thay đổi, tạo thói quen tiều dùng và bảo vệ môi trường rất cần sự sáng tạo của doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần. Sẽ có nhiều áp lực cho những doanh nghiệp ngành nhựa trong nước thời gian tới nhưng cũng tạo ra cơ hội cho các ý tưởng, các startup mới xuất hiện.