Cơ hội đặc biệt của báo chí

THY HẰNG thực hiện 21/06/2021 13:00

Truyền thông xã hội đã thực sự làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng, thách thức chức năng thông tin của báo chí hiện nay.

Tuy nhiên, báo chí có thể tận dụng ưu thế để “lật lại thế cờ”. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group of Companies nhận định khi chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Cụ thể các phương thức truyền thông mới này gây ảnh hưởng thế nào tới các cơ quan báo chí hiện nay, thưa ông?

Câu chuyện bạn đọc tin tưởng truyền thông xã hội mà xa rời báo chí là câu chuyện chung của báo chí toàn cầu, không riêng Việt Nam. Nhưng tại Việt Nam, mức độ ảnh hưởng và nguy hiểm lại lớn hơn do một thời gian dài báo chí bị suy giảm niềm tin từ bạn đọc, đi kèm là ảnh hưởng kinh tế báo chí. Đây là nguy cơ tiềm ẩn lớn.

Tại sao nói báo chí Việt suy giảm niềm tin của bạn đọc? Bởi báo chí ở Việt Nam có nhiều ràng buộc khiến tốc độ thông tin chậm hơn so với mạng xã hội, cộng thêm một phần không lớn nhưng nguy hại là hình ảnh báo chí “đếm tầng”, doanh nghiệp tố “đánh đấm”,… làm hình ảnh báo chí méo mó, mất đi tính khách quan và độc lập.

Việc ký thoả thuận hợp tác giữa báo chí với doanh nghiệp cũng là điều đáng bàn dù đây là xu hướng trong thời gian tới. Bởi nếu không cẩn trọng báo chí không còn được khách quan, bạn đọc và doanh nghiệp sẽ nhìn nhận báo chí chỉ là công cụ quảng cáo, không còn là nguồn tin độc lập và đáng tin cậy nữa.

Nói cho cùng, sức mạnh của báo chí không nằm ở các thoả thuận mà nằm ở giá trị thông tin báo chí mang lại.
Chính vì vậy, một cơ quan báo chí gia tăng giá trị cao hơn khi tính độc lập mạnh mẽ, đảm báo tính khách quan cả hai bên là bạn đọc và doanh nghiệp.

- Vậy làm sao để các cơ quan báo chí có thể không lạc hướng, đảm bảo thích ứng, chuyển đổi trong giai đoạn cạnh tranh như ông vừa nói?

Có thể báo chí sẽ chấp nhận chậm hơn mạng xã hội về tốc độ, nhưng báo chí phải giữ vị thế của mình bằng sự xác tín. Nếu mạng xã hội nhanh chóng thông tin về một toà nhà phong toả do phát hiện ca nghi nhiễm COVID-19 thì báo chí bên cạnh xác minh phải kèm theo thông tin nhận định về mức độ nguy hiểm, các biện pháp kiểm soát từ cơ quan y tế địa phương… Nhà báo có kỹ năng được đào tạo, có mối quan hệ với giới chuyên môn, có quan hệ với các cơ quan chức năng để có được những thông tin sâu này.

 Phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại khu cách ly Hạ Lôi - Vĩnh Phúc.br class=

Phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại khu cách ly Hạ Lôi - Vĩnh Phúc. Ảnh: Quốc Tuấn

Báo chí cần tận dụng lợi thế, phát huy tối đa nghiệp vụ được đào tạo để gia tăng thế mạnh của mình, nhà báo mới có nghiệp vụ phỏng vấn điều tra đủ quan hệ để “xộc” vào lấy các nguồn tin đa chiều. Một câu chuyện doanh nghiệp báo chí có thể vừa phỏng vấn lấy thông tin từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý… mặc dù có thể chậm nhưng đảm bảo độc lập khách quan. Còn nếu chạy theo tốc độ của mạng xã hội thì báo chí sẽ thua luôn về tốc độ và thua luôn độ xác tín, uy tín vị thế của báo chí sẽ vì thế mà mất đi.

- Nhưng cũng đến lúc các cơ quan báo chí cần sử dụng mạng xã hội là công cụ, là thành phần trong hệ thống của mình, thưa ông?

Đúng vậy, mỗi cơ quan báo chí cần thích nghi và phải hoạt động được như là một KOL trên mạng xã hội. Mục đích là để xây dựng cộng đồng xung quanh cơ quan báo chí, sử dụng nội dung từ đó dẫn dắt cộng đồng - bạn đọc quan tâm vào cơ quan báo chí của mình, đó là sự kết hợp của trang báo điện tử, hay báo in bản điện tử với mạng xã hội.

Báo chí còn có thể sử dụng mạng xã hội là công cụ tạo ra các kênh đối thoại trực tiếp, chủ động, báo chí có thể biết được quan điểm của công chúng, cộng đồng của mình, định hướng quan điểm của họ, hay gây mối quan tâm để bạn đọc “theo đuổi” cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí của chúng ta hiện nửa vời trong việc sử dụng mạng xã hội. Mạng xã hội không chỉ là công cụ mà nó là phương thức để chuyển đổi số.

- Vậy theo ông, làm sao để cơ quan báo chí sử dụng mạng xã hội để chuyển đổi số?

Chuyển đổi số là câu chuyện lớn, không chỉ là đưa công nghệ vào trong báo, không chỉ là truyền tải thông tin trên nền tảng số, mà chuyển đổi số là tư duy kinh doanh báo chí trên nền tảng số. Chuyển đổi số là thay đổi tư duy vận hành để khai thác tối đa khả năng tiếp cận các đối tượng khác nhau, tối ưu hoá năng lực kinh doanh.

Chuyển đổi số của các cơ quan báo chí là khai thác được thông tin bạn đọc, khách hàng của báo chí sẽ sử dụng dữ liệu nền tảng đó. Nói cách khác, báo chí sẽ có giải pháp kinh doanh nền tảng của mình. Cụ thể, báo chí sử dụng mạng xã hội hay các nền tảng công nghệ như giải pháp để thấu hiểu bạn đọc. Từ đó doanh nghiệp có thể sử dụng data thông tin này, giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tượng mục tiêu một cách chính xác, từ đó sẽ đưa quảng cáo gì vào để hiệu quả nhất.

Nếu trước kia cơ quan báo chí hiểu chuyển đổi số là làm ra một website, một trang mạng xã hội, thì ngày nay, chuyển đổi số phải là tối ưu hoá các giải pháp số để phục vụ mục tiêu kinh doanh và phát triển tờ báo đó.

Khi thời đại cookie sắp sửa sụp đổ, các chuyên gia quảng cáo cho rằng các tòa soạn báo chính là “mắt xích” của hệ sinh thái quảng cáo mới, nhờ cơ sở dữ liệu độc giả và nhờ những bài viết, nội dung chất lượng, tòa soạn có thể nâng cao mối tương tác với độc giả, từ đó phục vụ họ với những quảng cáo nhắm mục tiêu phù hợp, và mang lại mối quan hệ “win-win-win” cho cả ba bên, tòa soạn - người tiêu dùng (độc giả) - nhà quảng cáo.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc chiến báo chí và mạng xã hội

    23:05, 17/06/2021

  • Cơ hội đặc biệt của báo chí

    22:05, 17/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội đặc biệt của báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO