Cơ hội đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản

Nham Biền 27/09/2018 02:42

Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục cầm quyền ở nhiệm kỳ thứ 3 sẽ là cơ hội cho các đối tác kinh tế, thương mại tăng cường quan hệ hợp tác với quốc gia này.

Đương kim Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa được đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền bầu lại giữ chức Chủ tịch đảng. Kết quả này giúp ông Abe có thể tại vị thêm nhiệm kỳ cầm quyền thứ 3 và trở thành Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.

p/Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa được đảng Dân chủ tự do cầm quyền bầu lại giữ chức Chủ tịch đảng này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa được đảng Dân chủ tự do cầm quyền bầu lại giữ chức Chủ tịch đảng này.

Thành công của Abenomics

Kết quả nói trên sẽ tiếp tục khích lệ ông Abe kiên định thực hiện tham vọng sửa đổi hoặc thay thế hiến pháp hiện hành mà cho tới nay ông Abe chưa làm được nhiều và sẽ tiếp tục thực hiện chủ thuyết Abenomics.
Nếu như trong 2 nhiệm kỳ qua, Abenomics vẫn thường bị phê phán là sai lầm và hoài nghi là không thể thành công, thì ở nhiệm kỳ thứ ba này, mọi chỉ trích đó có thể sẽ bị tiêu tan. Bởi thành quả cầm quyền của ông Abe với Abenomics đã chứng minh được rằng ở cả trong phe cầm quyền lẫn trên chính trường, ông Abe không có đối thủ nào, và Nhật Bản hiện không có sự lựa chọn nào khác cho chính sách phát triển kinh tế ngoài Abenomics.

Abenomics là chủ thuyết của ông Abe bao gồm 3 bộ phận mà ông gọi là "ba mũi tên": Thứ nhất, duy trì lãi suất cơ bản rất thấp, khối lượng tiền tệ rất dồi dào trên thị trường và đồng Yên yếu. Thứ hai, thực hiện chương trình tài chính quy mô lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, cải cách cơ cấu kinh tế và thực thi một số cải cách xã hội như thị trường lao động và lương hưu.

Đối với mũi tên thứ ba, ông Abe chưa làm được nhiều, nhưng hai mũi tên đầu xem ra đã được bắn trúng đích. Đến nay, kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại, với mức bình quân hàng năm 1,3%, tuy còn thấp nhưng đã khá ổn định. Abenomics đã tạo ra 2,5 triệu việc làm mới. Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp ở Nhật Bản tăng mạnh. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã mua lại khối lượng lớn trái phiếu chính phủ, giúp nợ công giảm đi đáng kể.

Ông Abe đã "mở cửa Nhật Bản" bằng chủ trương tiếp nhận người lao động nước ngoài, và chủ động mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các đối tác trên thế giới. Ngoài ra, ông Abe cũng đóng vai trò rất tích cực trong việc duy trì Hiệp định CPTPP, cũng như thúc đẩy ý tưởng về “Khu vực Ấn độ- Thái Bình Dương".

Cơ hội cho các đối tác

Ông Abe hiện rất thuận lợi để bước vào nhiệm kỳ thứ 3. Chỉ cần so sánh việc ông Abe lập kỷ lục mới về thời gian cầm quyền lâu dài với sự thay đổi chính phủ như chong chóng ở thời kỳ trước năm 2012 cũng đủ thấy nước Nhật Bản đã thay đổi như thế nào, và vị thế quyền lực của ông Abe ở Nhật Bản hiện vững chãi ra sao.

Ở nhiệm kỳ thứ 3 của ông Abe, chủ thuyết Abenomics sẽ được thực hiện nhiều hơn chứ không phải bị ít hơn, và sẽ được tiếp tục hoàn thiện chứ không bị thay thế. Các đối tác kinh tế của Nhật Bản có thể tận dụng được lợi thế từ sự ổn định chính trị ở nước này khi chính sách kinh tế, an ninh, đối ngoại của ông Abe sẽ không thay đổi đáng kể, từ việc "mở cửa" đất nước và thị trường cho tới hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư, du lịch và xuất khẩu lao động. Ông Abe tiếp tục cầm quyền và Abenomics tiếp tục được thực hiện đồng nghĩa với việc Nhật Bản tiếp tục tìm kiếm đối tác kinh tế và thương mại để hình thành những khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương trên thế giới. Các đối tác trên thế giới có cơ hội thuận lợi để thiết lập và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác và đối tác với Nhật Bản, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, nếu ông Abe tận dụng nhiệm kỳ cầm quyền thứ 3 này để ráo riết thực hiện tham vọng lớn về sửa đổi hoặc thay thế hiến pháp hiện hành - có hiệu lực từ năm 1947 và do Mỹ soạn thảo - thì các đối tác bên ngoài cũng sẽ gặp khó xử nhất định bởi việc này rất nhạy cảm cả về đối nội lẫn đối ngoại ở Nhật Bản. Nó liên quan đến hoạt động quân sự của Nhật Bản ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ Nhật Bản, đến vai trò và vị thế chính trị, an ninh khu vực, châu lục và thế giới của Nhật Bản mà mỗi đối tác nhìn nhận và đánh giá theo giác độ lợi ích riêng.

Nhật Bản- đối tác quan trọng của Việt Nam

Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào tháng 10/2011. Đến nay, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác lớn thứ ba về du lịch của Việt Nam. Ngoài ra, Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản gồm: hàng dệt may, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, hàng thủy sản, giầy dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện,…Trong khi các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, linh kiện, phụ tùng ô tô, sản phẩm từ chất dẻo, vải các loại...

Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào tháng 10/2011. Đến nay, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác lớn thứ ba về du lịch của Việt Nam. Ngoài ra, Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản gồm: hàng dệt may, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, hàng thủy sản, giầy dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện,…Trong khi các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, linh kiện, phụ tùng ô tô, sản phẩm từ chất dẻo, vải các loại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO