Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam trong thời gian tới.
Theo EVFTA, các ngân hàng Châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room chung.
Vắng bóng cổ đông Châu Âu
Trong số các nhà đầu tư ngoại đã, đang rót vốn vào ngân hàng Việt, dễ thấy sự gắn bó qua giá trị đầu tư lớn và cam kết lâu dài, có sự nổi bật của các nhà đầu tư Nhật Bản. Các nhà đầu tư Nhật đang đầu tư tại Vietcombank, Vietinbank và Eximbank. Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng khá quan tâm đến các ngân hàng Việt. Còn nhớ cuối năm 2019, KEB Hana Bank đã bắt tay trở thành đối tác chiến lược của BIDV, giúp ngân hàng này thoát áp lực đáp ứng trụ cột cơ bản của Basel II.
Ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, các định chế từ Singapore, Hồng Kong (Trung Quốc)… cũng là những nhà đầu tư có sự quan tâm sâu tới thị trường ngân hàng Việt. Ví dụ Standard Chartered (Hồng Kong) trong nhiều năm đã đầu tư vào ACB (đã thoái vốn 2018), vừa lập ngân hàng 100% vốn ngoại tại Việt Nam; OCBC (Singapore) từng là cổ đông lớn của VPBank; UOB (Singapore) từng đầu tư vào Ngân hàng Phương Nam…
Nhiều chuyên gia cho rằng, rất có thể các tổ chức tài chính Châu Âu sẽ tiếp tục rót vốn vào các doanh nghiệp đầu ngành sản xuất của Việt Nam, trước khi quan tâm đến đầu tư vào các ngân hàng.
Một số ngân hàng Châu Âu, tuy ít, nhưng cũng từng có thời gian hào hứng với thị trường ngân hàng Việt. Điển hình như BNP Paribas đã đầu tư vào OCB từ 2007 và đã thoái vốn vào 2018. Gần đây nhất, với vụ thoái vốn 20% khỏi SeaBank năm 2019 của Societe Générale, ngành ngân hàng Việt đã “vắng bóng” cổ đông lớn Châu Âu.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, sở dĩ các nhà đầu tư Châu Âu ít mặn mà với ngân hàng Việt do họ không thực sự thỏa mãn với room sở hữu thấp trong lĩnh vực theo quy định. Cùng với đó, quy mô, năng lực các ngân hàng Việt đa phần còn hạn chế. Điều này khiến nhiều tổ chức khó tìm được đối tác chiến lược, thậm chí tìm cửa M&A…
Có thể bạn quan tâm
11:05, 20/02/2020
04:00, 20/02/2020
05:00, 14/02/2020
Vốn FDI, FII đi trước vốn ngân hàng
Vậy EVFTA hẳn sẽ là “chìa khóa” tháo gỡ những vướng mắc trên, giúp khơi thông thông vốn EU trở lại các ngân hàng Việt Nam?
Thực tế vẫn chưa hẳn. Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính, cho rằng nhìn trên bình diện chung, khu vực ngân hàng Châu Âu cũng đang có những biến động nhất định. Brexit là một trong số các vấn đề đó và là nguyên nhân cơ bản khiến các ngân hàng Châu Âu sẽ chưa thực sự quan tâm quay lại thị trường Việt Nam. Song đây cũng chính là cơ hội để các ngân hàng tư nhân top đầu (xét trên lợi nhuận 2019 gồm Techcombank, ABC, VPBank, HDBank và VIB – trừ MBBank do có sở hữu của Viettel) có đủ thời gian để “nâng cấp”, thay đổi nhằm đáp ứng tiêu chuẩn/quy định đón room mới theo EVFTA.
“Các ngân hàng Việt cần lưu ý rằng khu vực Châu Âu đã áp dụng Basel III và đang tiến đến Basel IV. Đây sẽ là rào cản lớn ngay cả với “cửa hẹp” cho chỉ 2 TCTD có khả năng hướng đến đủ điều kiện”, ông Hoàn lưu ý.
Ở chiều ngược lại, các chuyên gia đánh giá, ngân hàng Việt khó có cơ hội tiến vào thị trường Châu Âu với quy mô và năng lực hiện tại. Mặc dù một số ngân hàng Việt đã hiện diện tại Châu Âu, như Vietinbank tại Đức, BIDV tại Séc, Nga, MBBank tại Nga…, nhưng chưa gặt hái được nhiều kết quả.
EVIPA, chương đầu tư của EVFTA với các quy định tạo khuôn khổ pháp lý nâng cao bảo hộ đầu tư sẽ góp phần giúp nhà đầu tư Châu Âu tin tưởng hơn vào Việt Nam. Do đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng các tổ chức tài chính Châu Âu sẽ trở lại thị trường 100 triệu dân trong trung và dài hạn. Trước mắt, nhiều tổ chức tài chính Châu Âu đã bắt đầu quan tâm đến những doanh nghiệp đầu ngành sản xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực cung ứng hàng hóa phù hợp Châu Âu. Chẳng hạn như tập đoàn DEG (Đức) đã đầu tư chiến lược vào Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa 28 triệu USD dưới dạng cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông vào 2019. Đây sẽ là xu hướng mà các tổ chức tài chính Châu Âu tiếp tục lựa chọn và có thể đi trước cả dòng vốn EU vào các ngân hàng Việt Nam.