Việc Bộ VH, TT & DL tổ chức đấu giá phần vốn còn lại tại CTCP In Trần Phú được kỳ vọng sẽ là cơ hội để Cty này tái cơ cấu toàn diện, thoát khỏi tình trạng kinh doanh trì trệ trong nhiều năm qua.
Công ty In Trần Phú được thành lập năm 1947, là một trong những Cty in hàng đầu Việt Nam về nhãn hàng, lịch block, sách báo, tạp chí... Cty này có hệ thống trang thiết bị hiện đại, từ khâu chế bản, in ấn đến thành phẩm, được nhập khẩu từ các hãng thiết bị của Đức, Nhật cho chất lượng sản phẩm cao và tốc độ in nhanh.
Thua lỗ do bị cạnh tranh gay gắt
Dù có lợi thế riêng nhưng In Trần Phú lại có kết quả kinh doanh khá mờ nhạt trong những năm gần đây. Doanh thu năm 2015 của Cty từ mức 409 tỷ đồng đã giảm liên tục, xuống còn hơn 320 tỷ đồng năm 2017. Mức lợi nhuận ít ỏi gần 9 tỷ đồng năm 2015 đã tụt về mức lỗ gần 28 tỷ đồng năm 2017. Kết quả này đi ngược với xu hướng phát triển của ngành in.
Báo cáo tài chính năm 2017 của In Trần Phú ghi nhận, cạnh tranh về giá gay gắt, khiến Cty bị trượt nhiều gói thầu lớn. Với sản phẩm truyền thống là lịch block và tờ rơi siêu thị, một số Cty tư nhân đầu tư máy Heatset cuộn làm gia tăng thêm sức ép cạnh tranh về giá.
Quan trọng nhất là các Cty in có vốn đầu tư nước ngoài tìm mọi cách để gia tăng thị phần ở các sản phẩm tem nhãn hàng hóa, vốn là thế mạnh của In Trần Phú. Chi phí nguyên vật liệu tăng cao cũng khiến lợi nhuận Cty bị ảnh hưởng mạnh, chẳng hạn năm 2016, hoạt động kinh doanh chính của In Trần Phú bị lỗ gần 200 triệu đồng. Dù nhận ra tình hình, nhưng đến cuối năm 2017 In Trần Phú mới bắt đầu chuyển đổi cơ cấu kinh doanh là tập trung phát triển sản phẩm tem nhãn, thay vì in sách báo.
Một vấn đề khác là việc di dời nhà máy cần đến 70% vốn vay ngân hàng, tạo thêm gánh nặng lên lợi nhuận. Nhà xưởng mới có giá trị lớn nên việc khấu hao tài sản cố định cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm, làm giảm lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, In Trần Phú lo khi di dời nhà xưởng về Thủ Đức, nhiều lao động sẽ nghỉ việc. Trong bối cảnh ngành in đang thiếu nhân lực lành nghề và bị cạnh tranh lôi kéo nhân công trầm trọng, đây sẽ là thách thức lớn nhất mà Công ty phải đối mặt.
Sức hút từ đất vàng
Bộ Văn hóa ,Thể thao và Du lịch sẽ đấu giá gần 5,7 triệu cổ phần (tương ứng 20%) tại In Trần Phú. Giá khởi điểm chào bán là 11.800 đồng/cổ phần, dự kiến mang về cho nhà nước gần 67 tỷ đồng. Hiện có 8 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá với lượng chào mua gấp đôi lượng chào bán. Sức hấp dẫn của một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ như In Trần Phú nằm ở các lô “đất vàng” mà Cty đang quản lý.
Theo phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, In Trần Phú vẫn tiếp quản và sử dụng 6 lô đất theo hình thức thuê trả tiền hàng năm tại TP.HCM với tổng diện tích trên 19.200 m2. Trong đó có 4 lô “đất vàng” ở trung tâm thành phố. Các lô này gồm tòa nhà ở số 71-75 Hai Bà Trưng (475 m2), số 6 Thi Sách (hơn 5.000 m2), 31-33 Lê Thánh Tôn (2.832 m2), 35-39 Lý Tự Trọng (hơn 840 m2). Ngoài ra còn lô đất 410 m2 tại 442-446 Nguyễn Tất Thành (Quận 4) và 9.569 m2 tại số 6A Đường số 1 (Khu phố 2, Quận Thủ Đức).
Dễ thấy rằng, sức hút từ các khu đất vàng sẽ giúp đợt đấu giá sắp tới thành công nhanh chóng, giúp nhà nước thu về khoản vốn thậm chí cao hơn mức khởi điểm. Hồi năm 2015, khi In Trần Phú cổ phần hóa lần đầu (IPO), các nhà đầu tư đã đặt giá cao hơn giá chào bán tới 30% và đặt mua gấp 3 lần lượng chào bán.
Ai sẽ mua cổ phần nhà nước thoái vốn?
Hiện tại, ngoài cổ đông nhà nước còn giữ 20% vốn, cổ đông chiến lược là Cty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Cường đang nắm 38,7%. Người mua trong đợt đấu giá sắp tới được dự đoán có khả năng hơn cả là Phú Cường. Đây cũng là Cty con của BRG Group, chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Nga, vốn nổi danh với những thương vụ lớn như đầu tư chiến lược vào Thăng Long GTC, Intimex…
Bà Nguyễn Thị Nga vốn là nữ doanh nhân dám mạnh tay chi tiền triệu đô để thâu tóm khách sạn từ các Cty và quỹ đầu tư nước ngoài. Bà từng bỏ ra 31,5 triệu USD để mua lại khách sạn Sedona Suites Hanoi (nay là Diamond Westlake Suit) từ Keppel Land Ltđ của Singapore năm 2016. Trước đó, vào năm 2012, bà mua lại Hilton Hanoi Opera - một khách sạn có vị trí vàng ngay cạnh Nhà hát Lớn và gần hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ Quỹ đầu tư Vina Capital. Giữa năm 2017, BRG cũng ký thỏa tuận hợp tác với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) để phát triển dự án đô thị Nhật Tân – Nội Bài có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các chuyên gia cho rằng, In Trần Phú sẽ có cơ hội tỏa sáng khi cổ đông nhà nước rút hết vốn. Nếu Phú Cường gia tăng tỷ lệ sở hữu tại In Trần phú, thì cơ cấu hoạt động của In Trần Phú có thể chuyển sang mảng bất động sản là chính, thay vì tập trung vào ngành in đang bị các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh gay gắt.
Công nghệ ngành in lạc hậu
Theo số liệu của Hiệp hội Chế tạo Máy của Đức (VDMA), ngành bao bì phục vụ cho thực phẩm chế biến tại Việt Nam sẽ phát triển 38% trong giai đoạn 2015 – 2020. Đồng thời, nhu cầu về máy móc và vật liệu để phục vụ cho sự phát triển ngành này cũng sẽ tăng 25%.
Trong khi đó, theo Hiệp hội In Việt Nam, ngành công nghiệp in ấn tại Việt Nam đã và đang có mức tăng trưởng khoảng 10%/năm. Ngành này được chia thành 4 phân ngành chính là sản phẩm sách, báo và tạp chí; in nhãn; in bao bì; in ấn tài liệu. Tuy nhiên, sự bùng nổ của internet và truyền thông kỹ thuật số đã trở thành mối đe dọa lớn nhất cho ngành in.
Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về chi phí lao động thấp và nhu cầu nội địa cao, nhưng đa phần các doanh nghiệp lại có công nghệ lạc hậu, nhất là thiết kế chưa sáng tạo. Thực tế, hiện chỉ có vài Cty trong nước đủ khả năng đầu tư công nghệ để phát triển sản xuất bao bì cao cấp vì chi phí đầu tư cao. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành bao bì và in ấn trong nước bị cạnh tranh khá khốc liệt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần có một cơ chế hỗ trợ về tài chính nhằm giúp đầu tư công nghệ hiện đại để theo kịp với xu hướng toàn cầu, cũng như tăng cường bảo vệ môi trường.