Theo chuyên gia Phạm Xuân Hòe, thách thức đặt ra đối với nhân lực Fintech là làm sao đáp ứng được yêu cầu 3 trong 1.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Việt Nam đang là quốc gia đi đầu, tiên phong tại khu vực Đông Nam Á trong việc tiếp cận nhiều xu hướng mới nổi trên thế giới, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực tài chính. Đối với những xu hướng, mô hình kinh doanh mới nổi như Fintech, Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động gồm cả về nghiên cứu, phát triển, đào tạo và ứng dụng.
Những thay đổi này tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường, và những thách thức đối với các tổ chức quản lý nhà nước về tài chính, tiền tệ và các tổ chức kinh doanh.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa việc ứng dụng công nghệ vào tài chính, từ đó hình thành nên các doanh nghiệp mới chuyên về Fintech.
Theo chuyên gia Phạm Xuân Hòe, cơ hội của ngành tài chính Việt Nam trong thời kì chuyển đổi số là rất lớn. Hiện Việt Nam có 84% dân số dùng điện thoại thông minh. Quá trình chuyển đổi số và thiết kế phần mềm trên nền tảng di động sẽ rất lớn. Hiện nay các ngân hàng và công ty fintech có chiến lược hợp tác lớn. Dựa trên cơ sở những công nghệ mới như big data, AI, ... tích hợp công nghệ, phân tích các cơ sở dữ liệu khách hàng, đánh giá các nhóm nhu cầu khách hàng khác nhau như đối tượng ở nông thôn, sinh viên từ đó đánh giá nhu cầu khách hàng và tiếp thị đúng theo nhu cầu. Như vậy, người ta sẽ thiết kế các gói sản phẩm theo các phân khúc khách hàng khác nhau và khá phù hợp.
Vĩ mô hơn, nếu các quốc gia nào ứng dụng tốt về công nghệ tài chính để tăng tiếp cận tài chính của người dân có cơ hội tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu từ Mexico cho thấy, nếu gia tăng trên 1% tiếp cận tài chính của người dân sẽ tăng 0,5 - 1% GDP.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Phạm Xuân Hòe đối với Fintech, nhân lực ngành này cũng đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức. "Cơ hội cho chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam rất tốt khi các cơ sở đào tạo có thể đào tạo ra kĩ sư IT có am hiểu về chuyên môn tài chính, hay nói cách khác là sở hữu kĩ năng 2 trong 1. Và thêm kĩ năng ngoại ngữ là 3 trong 1. Thứ hai, đây sẽ là cơ hội cho thế hệ trẻ phát triển và kiếm được nhiều tiền. Cơ hội lập nghiệp và thành mô hình kinh doanh mới sẽ rất lớn. Thứ ba là mang đến sinh khí mới về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực về fintech ở Việt Nam" - ông Phạm Xuân Hòe cho biết.
Thuận lợi người Việt Nam học toán rất tốt, tư duy hệ thống tốt sẽ có lợi thế khi học về IT, cùng việc bổ sung những kiến thức tài chính, ngoại ngữ thì sẽ là cơ hội tốt để thôi bùng lên mô hình phát triển kinh doanh mới của Việt Nam. Đây chính là mong muốn của Đảng và Nhà nước để gia tăng đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế trên cơ sở tăng năng suất lao động và có mô hình đổi mới sáng tạo.
Về thách thức, hiện trạng nguồn nhân lực Việt Nam hiện để đạt được kĩ năng 3 trong 1 vẫn tương đối khó. Từ thực tế, giỏi IT thì không thông thạo kiến thức tài chính. Nếu như hệ thống ngân hàng được số hóa, rõ ràng câu chuyện nhân viên tư vấn sẽ quan trọng. Khách hàng sẽ trải nghiệm trên các nền tảng platform nhiều hơn, nên nếu nhân viên không có kĩ năng sẽ bị đào thải. Câu chuyện này trên thế giới đã diễn ra.
Bên cạnh đó, thách thức về quản trị nguồn nhân lực cũng đáng chú ý khi hiện nay nhân lực đang thiếu hụt, tỷ lệ bỏ việc của hệ thống ngân hàng khá cao. Điều tra của Việt Nam Banker có tới 22% bỏ việc, 21% thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong 3 kĩ năng trên. Theo mô hình của Jack Ma dự báo, khoảng 30 năm tới công ty fintech ra đời rất nhiều. Nguồn nhân lực sẽ không quá 30 người trong 1 công ty và không quá 30 tuổi. Thách thức cho nguồn nhân lực rất lớn.
"Tôi nghĩ rằng giải pháp đào tạo từ các trường đại học, viện nghiên cứu, viện quốc tế sẽ là cơ hội tốt để trang bị lại kiến thức cho những cán bộ đang làm. Thậm chí, theo một số chuyên gia bản thân các cán bộ quản lý nhà nước cũng cần phải được đào tạo lại kiến thức" - chuyên gia Phạm Xuân Hòe cho biết.