Đề xuất bổ sung nước giải khát có đường với hàm lượng từ 5g/100ml vào đối tượng chịu Thuế Tiêu thụ đặc biệt (10%) hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Đến nay, Bộ Tài chính đề nghị vẫn giữ nguyên đề xuất chỉ áp dụng mức thuế suất 10% để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại đồ uống có lượng đường thấp, nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi người tiêu dùng.
Nhiều nghiên cứu trái chiều
Theo ý kiến của Bộ Tài chính, “việc mở rộng phạm vi để bao trùm đầy đủ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên bằng chứng, lý lẽ thuyết phục phù hợp với điều kiện Việt Nam”. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế cho rằng mức thuế 10% là chưa đủ để làm thay đổi hành vi tiêu dùng, giảm tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm và đề xuất cần áp mức thuế cao hơn (40%).
Trong khi đó, nghiên cứu được Tổ chức HealthBridge Canada thực hiện nếu áp dụng mức thuế nêu trên thì sẽ thu ngân sách được khoảng 17,4 nghìn tỉ đồng.
Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về tác động kinh tế của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát (NGK) đã chỉ ra rằng nếu áp dụng mức thuế TTĐB 10% đối với NGK thì thu ngân sách từ thuế gián thu (thuế TTĐB) năm đầu tiên (2026) sẽ tăng khoảng 8.507 tỉ đồng. Thế nhưng, thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2,152 tỉ đồng.
Từ những năm tiếp theo (tức từ năm 2027 trở đi), thu ngân sách cả từ cả thuế gián thu và thuế trực thu đều sẽ bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận, kéo theo làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở các chu kỳ sau.
Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá việc áp dụng chính sách thuế TTĐB này sẽ không những tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm khoảng 0,448% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Do vậy, CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng cả kỳ vọng tăng doanh thu thuế hay nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi người tiêu dùng đều không đạt được vì nhiều lý do. Do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng nên cần xem xét lại xem có nên bổ sung mặt hàng này vào dự thảo Luật Thuế TTĐB hay không.
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng để đưa ra một chính sách thuế có tính khả thi, đảm bảo tính rõ ràng minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và khuyến khích các đơn vị làm ăn chính đáng. Riêng nước giải khát có đường, bà Cúc nhận định có chuỗi cung ứng rất sâu dài liên tục từ khâu nguyên liệu tới khâu sản xuất sau đó liên quan tới khâu dịch vụ, bán lẻ rồi ăn uống.
“Vì vậy sẽ ảnh hưởng cả doanh thu, người lao động, công ăn việc làm nên cần phải cất nhắc”, bà Cúc nói.
Tương tự, PGS-TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cũng đề cập đến nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Cụ thể, nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng.
“Thực hiện nguyên tắc này, Nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp, nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng”, PGS-TS Long cảnh báo.
PGS-TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính nhận định, việc cải cách chính sách thuế giai đoạn 2025 - 2026 cần phải khuyến khích tiêu dùng nội địa, tính tới rủi ro của doanh nghiệp và rủi ro lạm phát trong ngắn hạn. Theo ông Cường, từ tháng 1/2023 đến tháng 8/2024, tốc độ sản xuất công nghiệp chỉ tăng 5%, thấp hơn mức tăng GDP quý.
“Muốn thay đổi cơ cấu kinh tế phải khuyến khích tiêu dùng nội địa. Do đó, các chính sách thuế đối với tiêu dùng nội địa như thuế VAT, TTĐB cần phải tính toán cụ thể”, vị này nêu quan điểm.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng chính sách thuế TTĐB đối với mặt hàng NGK có đường có thể không làm thay đổi hành vi người tiêu dùng và chưa chứng minh được hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác. Việc áp mức thuế suất cao, đối với NGK có đường sẽ làm giá bán lẻ của sản phẩm này tăng lên một cách đáng kể.
Việc tăng giá bán lẻ có thể làm giảm tiêu thụ mặt hàng này tuy nhiên sẽ không có gì có thể đảm bảo rằng tỷ lệ thừa cân béo phì sẽ giảm, do người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ các loại thực phẩm khác có chứa đường khác mà không bị chịu thuế TTĐB. Ngoài ra, người tiêu dùng vẫn có thể chuyển sang các loại đồ uống có đường khác mà không bị chịu thuế như các loại nước uống đường phố, các đồ uống tự pha chế,...
VBA lên tiếng
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) dẫn chứng các nghiên cứu khoa học bởi các chuyên gia dinh dưỡng đều chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Theo VBA, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân, béo phì như thiếu cân bằng dinh dưỡng, tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calorie cao, bệnh di truyền, và thiếu vận động thể chất.
Mặt khác, lượng đường và calo từ nước giải khát thấp hơn nhiều so với các sản phẩm có đường khác. Lượng đường trung bình trong nước giải khát là 11g/100 ml, thấp hơn mức trung bình trong các sản phẩm bánh kẹo phổ thông (từ 29g/100g, một số loại vượt ngưỡng 40g/100g.
Hiệp hội cũng dẫn chứng một số quốc gia đã áp dụng chính sách thuế tương tự nhưng không kiểm soát được tình trạng trên. Cụ thể, Thái Lan áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2017, hai năm sau áp thuế (2018-2019), mặc dù mức tiêu thụ đồ uống có đường trung bình hàng ngày đã giảm từ 474,0 ml trong năm 2018 xuống còn 453,8 ml vào năm 2019, tương đương mức giảm 2,5%. Tuy nhiên, tỉ lệ thừa cân béo phì ở Thái Lan vẫn tăng từ 28,7% năm 2014 lên 33,2% vào năm 2019.
Tương tự, Mexico bắt đầu áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2012. Trong hai năm đầu mức độ tiêu thụ đồ uống có đường có giảm, tuy nhiên tỉ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể là tỷ lệ béo phì ở nam giới đã tăng từ là 26,8% năm 2012 lên 31,8% năm 2021 và tỉ lệ béo phì ở nữ giới tăng từ 37,5% năm 2012 lên 41,1% năm 2021.
Ông Đỗ Thái Vương - Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đề nghị chưa bổ sung NGK theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu Thuế TTĐB. Vị này cho rằng thực tế chưa có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và toàn diện tác động của sắc thuế đối với các đối tượng trực tiếp và gián tiếp về mặt kinh tế, xã hội.
“Đây là ý kiến nhất quán của ngành NGK gửi tới bộ ngành liên quan trong các văn bản gửi tới góp ý về dự thảo luật”, ông Vương cho biết.
Cũng theo vị này, trong dự thảo luật hiện tại thì việc căn cứ theo TCVN để xác định đối tượng chịu TTĐB theo quy định tại điểm L khoản 1 Điều 2 của dự thảo luật là chưa đầy đủ và toàn diện, vì TCVN không phải là cơ sở trong công tác xây dựng pháp luật. Trong khi đó, bản thân TCVN đang bao gồm cả các đồ uống có lợi cho sức khỏe, nước uống thể thao, dự kiến bị áp thuế, trong khi các loại đồ uống và thực phẩm khác chứa lượng đường thậm chí còn cao hơn lại không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
“Điều này dẫn đến việc phân biệt đối xử và không công bằng trong việc xây dựng các quy định về pháp luật của Nhà nước”, ông Vương nói thêm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành cũng cho rằng quá trình phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh đang chịu ảnh hưởng tiêu cực, không chỉ từ các yếu tố về kinh tế - xã hội mà còn từ các chính sách mới ban hành. Cụ thể, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 cho phép công bố bảng giá đất mới sát với giá thị trường, áp dụng từ ngày 1/1/2026 và sẽ được điều chỉnh hàng năm sẽ khiến cho bảng giá đất mới tại các địa phương có thể tăng từ 2 đến 7 lần so với bảng giá đất hiện tại, dẫn đến chi phí thuê đất hàng năm của các doanh nghiệp sẽ tăng lên tương ứng.
Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn luật Trách nhiệm tái chế, kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính, cùng với các loại phí môi trường sẽ làm chi phí tuân thủ, chi phí hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát tăng lên đáng kể. Trong đó, giá mặt hàng đường – nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất nước giải khát tăng do thuế GTGT đối với mặt hàng đường tăng từ 5% lên 10%.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đề xuất loại bỏ các ưu đãi thuế đối với nhóm mặt hàng chịu thuế TTĐB. Doanh nghiệp đánh giá khi các luật này được thông qua và có hiệu lực từ năm 2026 thì các doanh nghiệp ngành nước giải khát cũng sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế nếu mặt hàng nước giải khát có đường thuộc diện chịu thuế TTĐB.
Với sự gia tăng chi phí sản xuất và chi phí hoạt động do những thay đổi về chính sách như nêu trên, các doanh nghiệp trong ngành NGK cho rằng sẽ buộc phải tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo cân đối doanh thu và chi phí. Điều này có thể khiến cho lạm phát gia tăng khi mặt hàng đồ uống cũng nằm trong nhóm hàng hóa và dịch vụ được dùng để tính chỉ số CPI.