Sau khi tăng trần 6 phiên liên tiếp, cổ phiếu AFX của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UPCoM: AFX ) đã sập sàn, trắng bên mua trong phiên giao dịch ngày 18/8.
Sau một thời gian nằm sâu dưới vùng giá 4.000 – 6.000 đồng/cp, cổ phiếu AFX đã có những phiên "nổi sóng" và cán mốc 12.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu AFX đã tăng vọt, từ lèo tèo mấy chục ngàn cổ phiếu đã tăng vọt lên hàng trăm ngàn cổ phiếu giao dịch mỗi phiên. Điều gì khiến giá cổ phiếu AFX tăng mạnh như vậy?
Ông Nguyễn Văn Bảo- Nhà đầu tư trên sàn VPBS, cho biết, sở dĩ cổ phiếu AFX tăng mạnh trong thời gian qua do thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã đăng ký bán trọn lô 17,85 triệu cổ phiếu AFX, tương đương 51% vốn của doanh nghiệp này, với giá khởi điểm 18.900 đồng/cp, cao hơn nhiều so với thị giá.
AFX hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gạo và chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, AFX mở rộng thêm nuôi lợn, thủy sản và dịch vụ giao nhận hàng hóa.
Sau hơn 4 năm tái cơ cấu, "sức khỏe" tài chính của AFX đã tốt hơn khi nợ phải trả tính đến cuối quý II/2020 chỉ còn 29 tỷ đồng, giảm mạnh so với kỳ trước là hơn 150 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu tăng lên mức 370 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng tài sản của AFX tại ngày 30/6 đạt 399,6 tỷ đồng, giảm 45% so với cuối năm 2015, phân bổ chủ yếu ở hàng tồn kho, chiếm tỷ lệ 36,5%.
Hiện AFX có tổng vốn điều lệ 350 tỷ đồng, và có 3 cổ đông lớn gồm SCIC nắm 51% vốn, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) nắm 20,52% và Công ty Xổ số Kiến thiết An Giang nắm giữ 8,63% vốn.
Được biết, Vinafood 2 từng chào bán toàn bộ số cổ phần AFX với giá 10.200 đồng/cổ phần, nhưng không thành công. Tuy nhiên, đợt chào bán cổ phiếu AFX lần này của SCIC được giới đầu tư đánh giá là hấp dẫn hơn nhiều, bởi tỷ lệ chào bán lên tới 51%, tức là nhà đầu tư trúng thầu sẽ nắm quyền chi phối phần lớn hoạt động tại AFX. Trong khi đó, tỷ lệ của 2 nhà đầu tư tổ chức chưa tới 36%.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng- Công ty Chứng khoán SSI, thời điểm hiện nay còn quá sớm để đưa ra đánh giá về khả năng thành công của phiên đấu giá cổ phiếu AFX. Bởi cuối tháng 8 mới là thời điểm cuối cùng nhận hồ sơ năng lực tham gia đấu giá. Tuy nhiên, thông tin về đợt chào bán này đã khiến các nhà đầu tư trên sàn lao vào cổ phiếu AFX như con thiêu thân. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Đáng chú ý sau 6 phiên tăng trần, cổ phiếu AFX đã giảm tới hơn 14% trong phiên giao dịch ngày 18/8 xuống tới mức 10.600đ/cp và còn dư bán sàn tới 170.000 đơn vị. Diễn biến này không hề làm giới đầu tư có kinh nghiệm ngạc nhiên, nếu nhìn lại lịch sử những cổ phiếu tăng giá theo thoái vốn trước đây. Việc nhà đầu tư gom cổ phiếu theo hoạt động thoái vốn có thể đem lại lợi nhuận lớn, nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Có thể bạn quan tâm