Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố quyết định bán đấu giá 4,2 triệu cổ phiếu CTCP Cao su Sao Vàng (SRC).
4,2 triệu cổ phiếu CTCP Cao su Sao Vàng (SRC) tương đương với 15% vốn điều lệ vào ngày 4/6, với giá 46.452 đồng/cp, cao hơn 2 lần thị giá. Trong khi đó, SRC chỉ sử dụng quỹ đất lớn, còn hoạt động sản xuất kinh doanh đang ngày càng xấu đi so với các doanh nghiệp cùng ngành. Trên thị trường, cổ phiếu SRC chốt phiên giao dịch ngày 14/5 tại mức 23.500 đồng/cp, chỉ bằng phân nửa so với giá khởi điểm mà Vinachem đưa ra.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 15/05/2019
11:06, 29/03/2019
17:08, 27/03/2019
06:00, 19/02/2019
Hoạt động kinh doanh của SRC vẫn khá ảm đảm. Năm 2018, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ 12,2 tỷ đồng, giảm đến 64% so với 2017 và là năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận giảm. Trong quý I/2019, công ty cũng chỉ có lãi 2,5 tỷ đồng, bằng phân nửa cùng kỳ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cổ phiếu SRC tăng giá... vì quỹ đất. Báo cáo tài chính quý I/2019 cho biết, tổng tài sản của doanh nghiệp là 827 tỷ đồng, trong đó SRC không ghi nhận giá trị đất đai trong cả tài sản cố định hữu hình và thuê tài chính. Còn theo bản công bố thông tin chào bán cổ phần, Cao su Sao Vàng hiện có quỹ đất sản xuất kinh doanh, thương mại, khu công nghiệp khá lớn.
Cụ thể, đất trả tiền một lần, SRC có 43m2 đất thương mại văn phòng tại Quận 1, TP HCM; đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại Đà Nẵng có diện tích 2.475m2 và có đến 212.538m2 đất khu công nghiệp tại KCN Châu Sơn, Hà Nam. Đất trả tiền thuê hàng năm, SRC sở hữu gần 31.644m2 đất làm trụ sở và kinh doanh tại Thái Bình; nắm giữ tổng cộng 84.735m2 đất sản xuất kinh doanh tại 3 khu vực tỉnh Vĩnh Phúc; và gần 2.700m2 đất văn phòng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Đáng chú ý, SRC đang có khu "đất vàng" 62.438m2 tại số 231 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là khu đất sử dụng làm trụ sở văn phòng và đã có chủ trương xây dựng dự án “Tổ hợp thương mại và Nhà ở Sao Vàng Hoành Sơn”.
Câu chuyện kinh doanh khó khăn, lợi nhuận tiếp tục ghi nhận đà suy giảm năm thứ 3 liên tiếp, kể từ 2016 của SRC cũng như các doanh nghiệp ngành săm lốp đã gây khá nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư trong năm 2018. Bởi lẽ, việc giá cao su tự nhiên - chiếm khoảng 35% chi phí nguyên liệu sản xuất săm lốp tăng mạnh (từ đầu tháng 9/2016 và đạt đỉnh vào cuối tháng 1/2017) từng được xem là nguyên nhân kéo giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành trong năm 2017 thì từ tháng 2/2017 đã giảm trở lại và đến cuối tháng 11/2018 trở lại vùng đáy 5 năm.
Chi phí nguyên liệu chính giảm, nhưng biên lợi nhuận không được cải thiện dù SRC đang áp dụng phương pháp kế toán bình quân gia quyền đối với hàng tồn kho khi xuất kho, tức biến động giá nguyên vật liệu sẽ phần nào phản ánh ngay vào giá vốn hàng bán, nhiều dấu hỏi về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận với SRC đang được đặt ra trước thềm năm 2019 khi mà giá cao su đang trong đà tăng trở lại. Giá cao su tự nhiên trên sàn hàng hóa Tokyo đến phiên 11/1/2019 đã tăng 20,3% so với vùng đáy cuối tháng 11/2018.
Tính đến cuối tháng 9/2018, SRC có 286 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm 31,1% tổng tài sản. Trong đó, có 160 tỷ đồng nguyên vật liệu và 111 tỷ đồng thành phẩm. Giá cao su tăng, SRC có thể hưởng lợi nếu tăng được giá bán các sản phẩm, giúp cải thiện biên lợi nhuận nhờ tồn kho giá thấp. Tuy nhiên, thực tế cạnh tranh từ các sản phẩm săm lốp nhập khẩu lại khiến việc tăng giá bán gặp nhiều khó khăn. Ðiều này đã thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh năm 2017 của SRC.