Trong khi đại dịch COVID-19 phức tạp đã tác động đến một số ngành, lĩnh vực, thì cổ phiếu nhóm ngành hoá chất, điển hình là CSV và DGC lại nổi sóng trên thị trường chứng khoán.
Hai gương mặt “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong những phiên gần đây được giới đầu tư đánh giá, là những cổ phiếu có nhiều tiềm năng được định giá tăng trưởng trong dài hạn nhờ sản xuất hóa chất khử khuẩn Chloramine B; Đó là cổ phiếu CSV - Công ty Hoá chất cơ bản miền Nam và DGC - Công ty CP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang.
Từ vùng giá đáy, CSV đã cán mốc 30.800 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 30/7 với khối lượng lớn được nhà đầu ngoại liên tục mua vào. Cổ phiếu DGC cũng cán mốc 96.500 đồng/cổ phiếu, là vùng giá cao nhất của DGC trong nhiều năm qua. Vì sao nhóm cổ phiếu này có mức tănng trưởng cao như vậy?
CSV được biết là một trong những doanh nghiệp sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản tại Việt Nam, có danh mục sản phẩm đa dạng với hơn 40 hóa chất sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như thực phẩm, phân bón, dệt nhuộm, giấy và hàng tiêu dùng.
CSV hiện đang sở hữu 4 nhà máy sản xuất hóa chất và 1 công ty con (Công ty CP Phốt Pho Việt Nam). Trong đó, nhà máy hóa chất Biên Hòa, Đồng Nai, và Tân Bình 2 đảm nhận từng mảng hoạt động kinh doanh chính của CSV gồm mảng Xút –Clo, phốt pho và lưu huỳnh. Ngoài ra, CSV còn sở hữu 65% vốn điều lệ của CTCP Phốt Pho Việt Nam với hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh sản phẩm phốt pho vàng.
Đặc biệt sẽ sản xuất 2 sản phẩm gốc Clo mới là Chloramine B và Trichloroisocyanuric acid (TCCA), kỳ vọng sẽ giúp tiêu thụ lượng Clo tăng thêm từ việc mở rộng công suất sản xuất Xút –Clo thêm 10 nghìn tấn/năm. Riêng đối với Chloramin B5, việc tiêu thụ sản phẩm này vô cùng khả quan nhờ nhu cầu rất lớn trong việc phun khử khuẩn phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay...
Trong nước chỉ có CSV và DGC sản xuất được Chloramine B là CSV và DGC với giá thành rẻ hơn so với nhập khẩu. Có thể nói trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành, chế phẩm Chloramine B ra đời góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu từ EU, Trung Quốc phục vụ cho nhu cầu trong nước. Chloramine B là một trong những hóa chất đặc biệt được WHO và Bộ Y tế tại Việt Nam khuyên dùng để sát khuẩn bệnh viện và những nơi công cộng khác như trường học, mầm non hoặc ngay tại gia đình.
Tại Việt Nam, Chloramine B nhập khẩu đều hoàn toàn từ EU và Trung Quốc. Song, nguồn nhập khẩu thường xuyên bị đứt gãy do giãn cách xã hội, dẫn đến tình trạng khan hiếm cục bộ, đẩy giá hợp chất này lên mức cao hơn từ 3-5 lần do dịch bệnh COVID 19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.
Báo cáo tài chính quí 2/2021 ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất của CSV tăng 18% lên 401,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái do doanh thu từ Công ty mẹ tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm, CSV đạt hơn 697 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế giảm 6% về mức 118,9 tỷ đồng nên lợi nhuận ròng giảm nhẹ 4%, còn gần 95 tỷ đồng.
Năm 2021, CSV đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.436 tỷ đồng, tăng 7,24% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 220 tỷ đồng, giảm 2,65%. Như vậy, 6 tháng đầu năm, Công ty đã hoàn thành lần lượt 48,5% và 54% kế hoạch năm. Tính đến ngày 30/06/2021, tổng tài sản của CSV tăng 2% so với đầu năm, đạt hơn 1.328 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 25%, lên hơn 219 tỷ đồng và hàng tồn kho chủ yếu là nguyên vật liệu tăng 9%, lên hơn 255 tỷ đồng.
Trong khi đó, DGC có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 lần lượt doanh thu thuần và lãi ròng đạt 3.988 tỷ và 625 tỷ đồng, tăng 29% và 33%.
DGC dẫn đầu lĩnh vực hóa chất với sản phẩm nổi bật phốt pho vàng. Phốt pho vàng chiếm 41% tỷ lệ doanh thu của DGC. Phốt pho vàng DGC sản xuất có chất lượng cao (hàm lượng asen, lưu huỳnh thấp) chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,... Công suất sản xuất phốt pho vàng của công ty hiện là 60,000 tấn/năm với 3 nhà máy đặt tại Lào Cai (chiếm khoảng 50% công suất cả nước). Phốt pho vàng là nguyên liệu quan trọng trong các ngành công nghiệp ứng dụng.
Có thể nói, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 thì CSV và DGC nổi lên là 02 doanh nghiệp được hưởng lợi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, nhà đầu tư khi đầu tư vào CSV và DGC cần cân nhắc đến yếu tố, rủi ro chính sách do việc sản xuất hóa chất gây tác động xấu đến môi trường. Thời gian gần đây, với ngành đặc thù này, Nhà nước luôn đề xuất về việc điều chỉnh thuế suất mặt hàng hóa chất.
Nhìn chung, đặc thù của ngành công nghiệp hóa chất gây độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người nên các doanh nghiệp hóa chất luôn cần tuân thủ những quy định chặt chẽ về hệ thống, công nghệ xử lý thải và đảm bảo môi trường làm việc cho người lao động. Những rủi ro chính sách là luôn hiện hữu và có khả năng gây tác động mạnh đến các doanh nghiệp và cổ phiếu của ngành hóa chất, bao gồm cả với CSV và DGC…
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội bắt đầu triển khai phun khử khuẩn toàn thành phố
10:12, 26/07/2021
Hà Nội lần đầu tiên phun khử khuẩn diện rộng để phòng dịch bệnh lây lan
08:30, 26/07/2021
TP HCM khởi động chuỗi 7 ngày khử khuẩn toàn bộ thành phố
11:00, 23/07/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xuất cấp hóa chất khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19 cho Bắc Giang, Bắc Ninh
20:31, 27/05/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xuất cấp hóa chất khử khuẩn phòng, chống dịch COVID -19
19:30, 08/02/2021