Cổ phiếu APS của Công ty CP Chứng khoán Châu Á -Thái Bình Dương (APEC) được ví như cổ phiếu “tàu lượn” khi diễn biến cổ phiếu không dựa vào nền tảng hoạt động của Công ty.
>> “Mập mờ” trái phiếu của Apec Group
APS từng được nhắc khi nhận án phạt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đầu năm 2022, cùng với Công ty CP Chứng khoán Trí Việt.
Công ty CP Chứng khoán Trí Việt trước đây đã bị phạt do vi phạm các quy định của SSC. APS cùng thời điểm nhận án phạt còn nặng hơn Trí Việt cũng vì các lỗi vi phạm quy định. Trong đó, đáng chú ý là lỗi vi phạm quy định về hạn chế giao dịch ký quỹ khi tại một số ngày giao dịch trong năm 2021, Công ty giải ngân cho vay đối với cổ phiếu của chính Công ty phát hành (APS) và cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ đối với mã chứng khoán không thuộc danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ (IDJ) trong 2021… Cùng với đó là nhiều lỗi vi phạm bị phạt khác.
Trong mối liên quan trong hệ sinh thái APEC Group, năm 2021, Tập đoàn APEC cũng đã bị SSC phạt khi phát hành trái phiếu tổng giá trị 499,707 tỷ đồng trong giai đoạn từ 18/01/2021 đến 06/8/2021 ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định, nhưng không nộp hồ sơ đăng ký theo quy định.
Trước đó 1 tháng, là án phạt dành cho Công ty CP Đầu tư BG Group (nay là APEC Group), tổ chức có liên quan của ông Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc IDJ đã thực hiện giao dịch mua 1.660.300 cổ phiếu IDJ từ ngày 26/7/2019 đến ngày 15/8/2019 nhưng không báo cáo SSC.
>> Áp dụng “tiền phòng - hậu kiểm” chặt chẽ với thị trường chứng khoán
73% là mức giảm của cổ phiếu APS sau khi đã leo lên đỉnh 59.900đ/cp vào trung tuần tháng 11/2021.
Năm 2021, APS khởi điểm là cổ phiếu “trà đá” với giá 4.200đ/cp nhưng sau “cơn điên loạn” của TTCK, APS đã tăng gấp 14 lần lên tới 59.900 đồng/cp vào trung tuần tháng 11/2021.
Không có nền tảng nào để giải thích cho đà tăng trưởng của cổ phiếu APS, bởi giá của APS vượt xa mức cổ phiếu của các công ty chứng khoán cùng quy mô. Đến nay, cổ phiếu APS đã giảm khoảng 73% về thị giá so với giá đỉnh, hiện giao dịch quanh 16.000đ/cp.
Năm 2022 khi cơ quan quản lý mạnh tay với thao túng giá chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu đầu cơ đã bốc hơi đáng kể. APS (cùng với Công ty Chứng khoán APG, từng được nhóm Louis Holdings đầu tư) và cả APEC Group đều khẳng định Tập đoàn không có bất kỳ giao dịch gì với CTCP Chứng khoán Trí Việt và ông Đỗ Đức Nam cũng như các công ty của nhóm doanh nghiệp Louis và ông Đỗ Thành Nhân, song khó tránh khỏi những tác động mạnh mẽ. Lãnh đạo các doanh nghiệp này cho rằng, diễn biến thị trường chung và những thông tin chưa được kiểm chứng đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư, cổ đông nắm giữ cổ phiếu và thương hiệu doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhận định, trong những luồng thông tin tiêu cực với các doanh nghiệp có vi phạm pháp luật, nhà đầu tư sẽ dần tiếp nhận các tác động và nhìn thấy giá trị to lớn của các quyết sách “gạn lọc” thị trường, nhận cho mình những bài học “đu đỉnh, bắt đáy” theo dòng tiền đầu cơ và nguy cơ bị cuốn vào dòng nước xoáy thao túng giá, để xây dựng niềm tin vững vàng vào cơ quan quản lý. Theo đó, bước qua giai đoạn hoảng loạn, thị trường sẽ bước vào một giai đoạn tăng trưởng và hồi phục mạnh, những doanh nghiệp làm ăn thực, có cơ sở nền tảng, giá trị thực, sẽ được chú ý.
Có thể bạn quan tâm