Chứng khoán

Cổ phiếu VPB trước thềm chia cổ tức

Dương Thuỳ 10/05/2025 04:29

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu VPB - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng vẫn giao dịch sát nền giá đáy 01 năm...

Các cổ đông dự họp được phát tài liệu
ĐHĐCĐ ngân hàng VPBank vừa tổ chức ngày 28/4 tại Hà Nội đã thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông

Phiên giao dịch ngày ngày 9/5, cổ phiếu VPB khớp lệnh 17 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại cũng tiếp tục mua vào VPB.

Ngân hàng này vừa có lịch về việc chia cổ tức. Cụ thể theo thông báo, 16/5/2025 là ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt. Cổ tức sẽ được thanh toán vào ngày 23/5. Như vậy, với tỷ lệ chi trả là 5%/mệnh giá (500 đồng/cp), số tiền mà ngân hàng dự kiến dùng để chia cổ tức là 3.967 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp ngân hàng trả cổ tức tiền mặt. Trước đó, năm 2024, VPB đã chi tới 7.934 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Tổng cộng ba năm, ngân sách dành cho cổ tức tiền mặt đã đạt gần 20.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, với mức giá này nhà đầu tư khi nắm giữ cổ phiếu VPB đươc nhận cổ tức vẫn lãi so với gửi tiền tiết kiệm ở các nhà băng hiện nay.

VPB vừa công bố báo cáo tài chính kết thúc quý I/2025 với các chỉ tiêu tích cực: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 5.015 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, tổng tài sản vượt 994.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng và huy động đồng bộ ở mức cao, vượt trội so với bình quân toàn ngành.

Hiện, tổng tài sản hợp nhất của Ngân hàng đạt hơn 994.000 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này đến từ quy mô tín dụng hợp nhất từ ngân hàng mẹ và các công ty con, vượt 747.000 tỷ đồng, tăng 5,2% so với đầu năm hay 21,9% so với cùng kỳ. Trong đó, tín dụng ngân hàng theo báo cáo riêng lẻ đạt hơn 663.000 tỷ đồng, đi lên 5,4% so với đầu năm và cao hơn đáng kể so với trung bình ngành là 3,93%. Tăng trưởng huy động khách hàng và giấy tờ có giá của VPBank tăng 14,2% so với cuối năm 2024, giúp đảm bảo thanh khoản và chuẩn bị nguồn lực cho những kế hoạch bứt phá trong tương lai.

Các tỷ lệ an toàn thanh khoản theo báo cáo riêng lẻ đều tuân thủ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, với tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) và vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lần lượt ở mức 79,2% và 24,3%. Tương tự, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng hợp nhất tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu toàn ngành, đạt khoảng 15%.

Tính đến cuối quý I/2025, tỷ lệ nợ xấu (NPL) riêng lẻ của VPBank tiếp tục được duy trì dưới 3% nhờ cải thiện chất lượng tín dụng, sử dụng đa dạng và tích cực các biện pháp xử lý nợ xấu.

Nhận định về VPB, các chuyên gia phân tích của KBSV cho rằng, triển vọng tích cực cho NIM của VPB nhờ tỷ trọng cho vay bán lẻ cao, đóng góp từ FE Credit và cải thiện chất lượng tài sản. Sự hồi phục NIM của VPB trong bối cảnh chung ngành ngân hàng vẫn đang chịu áp lực suy giảm NIM tương đối lớn, chủ yếu đến từ định hướng duy trì lãi suất cho vay thấp của Chính phủ. Động lực để VPB tiếp tục duy trì tỷ lệ NIM ở mức cao bao gồm: Phát huy lợi thế của ngân hàng cho vay bán lẻ (phân khúc cho lợi suất cao hơn); FE Credit mang lại kết quả tích cực sau quá tình tái cấu trúc toàn diện, bắt đầu đóng góp lợi nhuận cho ngân hàng mẹ với tỷ lệ NIM cải thiện từ 17% lên 20,3% …

Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và tín dụng của VPB năm 2025 từ 20-25% tương đối khả thi gần 24.000 tỷ đồng. KBSV lạc quan với triển vọng tăng trưởng của ngân hàng đang được hỗ trợ bởi những điều kiện bên ngoài tương đối thuận lợi và từ chính nguồn lực nội tại của VPB nhờ: Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng dẫn dắt từ sự hồi phục của kinh tế chung, đặc biệt là lĩnh vực BĐS và tiêu dùng nhóm cá nhân. Đây đều là những lĩnh vực VPB đẩy mạnh cho vay với tỷ trọng cho vay BĐS là 26%, cho vay khách hàng cá nhân và SME là 56%...

Cuối cùng, việc tiếp nhận GPBank giúp VPB có thêm lợi thế về mở rộng tệp khách hàng tiềm năng, hạn mức tín dụng cao hơn toàn ngành… Và thu nhập từ xử lý nợ xấu dự kiến tăng mạnh trong giai đoạn tới khi chính thức luật hoá Nghị quyết 42 "2.0", từ đó đóng góp vào tổng thu nhập hoạt động cho ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phiếu VPB trước thềm chia cổ tức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO