Dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng đưa ra mức thuế 45% đối với tài sản "bất minh". Nhưng vấn đề lớn nằm ở chỗ phải làm rõ thế nào là tài sản "bất minh"? Đánh thuế hay tịch thu tài sản “bất minh”?
Có thể bạn quan tâm
12:02, 19/03/2018
08:10, 10/03/2018
10:14, 23/11/2017
Nhiều người cho rằng, đánh thuế 45% tài sản bất minh đồng nghĩa với việc hợp thức hóa tài sản tham nhũng mà có. Điều này không thể chấp nhận được mà phải tịch thu toàn bộ các tài sản không giải trình được nguồn gốc trong quá trình kê khai tài sản của cán bộ, công chức nhà nước.
Luật phải đi vào cuộc sống
Thực tế, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành chỉ hướng về các quy tắc mang tính đạo đức công vụ hơn là các chế định và chế tài pháp lý. Nhưng Luật hiện hành quá chú trọng vào việc tăng cường đạo đức công vụ nên không còn ý nghĩa và tác dụng thực tế một khi nạn tham nhũng đã lan tràn khắp các lĩnh vực và bộ phận của cơ quan nhà nước. Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng cần xử lý và khắc phục được các bất cập cơ bản này.
Nhìn từ góc độ Luật Thuế thu nhập cá nhân, nếu mọi tài sản không chứng minh được nguồn gốc đều phải bị truy thu thuế thu nhập cá nhân, đây chắc chắn sẽ góp phần thu hồi đáng kể cho ngân sách. Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Phòng, Chống tham nhũng (sửa đổi) Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.
Luật Phóng, Chống tham nhũng hiện hành quá chú trọng vào việc tăng cường đạo đức công vụ nên không còn ý nghĩa và tác dụng trên thực tế.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tán thành với việc xử lý thông qua thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý ở mức 45% như quan điểm của Chính phủ. Tuy nhiên, luồng ý kiến này cũng đưa ra một quan điểm hợp lý đó là không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự hoặc tịch thu tài sản nếu sau đó lại chứng minh được tài sản là bất hợp pháp do phạm tội mà có.
Tách bạch hai loại tài sản "bất minh"
Một mục tiên lớn nhất cần đặt ra là quản lý được nguồn thu nhập của các cá nhân, cán bộ, công chức. Để kiểm soát được vấn đề tham nhũng, chúng ta không nên quá kỳ vọng Luật Phòng chống tham nhũng sẽ giải quyết được mọi thứ. Chúng ta cần có nhiều luật khác như Luật Quản lý thuế, đề án không sử dụng tiền mặt, cơ chế phát hiện và xử lý như thanh tra, kiểm toán, điều tra, rồi vai trò giám sát của người dân, cơ quan báo chí... Việc đánh thuế 45% đối với tài sản, thu nhập không kê khai hay "bất minh" cũng chỉ là một biện pháp phòng ngừa, răn đe.
Đặc biệt, dự luật sửa đổi cần tách bạch tài sản trốn thuế và tài sản do tham nhũng mà có. Thực tế hiện nay với nền kinh tế thị trường, nhiều cán bộ, công chức cũng tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực mà pháp luật cho phép. Do đó, có nhiều tài sản họ không kê khai nhưng được hình thành từ những khoản đầu tư hiệu quả.
Trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang đặt vấn đề cho phép cơ quan thuế được tham gia điều tra ban đầu. Thu nhập của cá nhân không chứng minh được cũng cần bổ sung cả những khối tài sản từ kinh doanh nhưng trốn thuế mà có. Bởi hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp hoặc cá nhân đầu tư vào những doanh nghiệp liên tục thua lỗ hay lãi không đáng kể những vẫn có những khoản tài sản khổng lồ.
Kinh nghiệm từ một số quốc gia phát triển như Mỹ, cơ quan thuế nếu phát hiện cá nhân kinh doanh có những khoản tài sản bất thường thì họ sẽ điều tra và buộc cá nhân phải chứng minh nếu không sẽ bị truy thu thuế rất nặng.