Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Tầm nhìn từ Luật Doanh nghiệp

Quang Minh 17/03/2018 13:31

Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 1999 và có hiệu lực từ 1/1/2000 – dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải là một trong những đột phá lớn về đổi mới thể chế và thay đổi cung cách điều hành phát triển đất nước, cho thấy tầm nhìn của ông trước các vấn đề đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

abc

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự hội thảo: "TP HCM: 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập" năm 2015

Ngay đầu nhiệm kỳ Thủ tướng, năm 1997, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đề ra mục tiêu đến năm 2010 chúng ta phải có một triệu doanh nghiệp. Nhưng muốn phát triển phải có luật. 

Lần đầu tiên đại diện doanh nghiệp được Chính phủ mời tham gia soạn thảo Luật

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một trong những nội dung lớn được Thủ tướng tập trung chỉ đạo là nghiên cứu, sửa đổi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty (ban hành từ 1990-1991) nhằm thể chế hóa quan điểm đổi mới của Hội nghị Trung ương 4, đồng thời đáp ứng yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp.

Tổ soạn thảo được thành lập, gồm những người có tư duy đổi mới mạnh mẽ, đứng đầu là ông Trần Xuân Giá, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cùng một số cán bộ chủ chốt của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổ Chuyên gia tư vấn của Thủ tướng (PMRC) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đây cũng là lần đầu tiên đại diện cộng đồng doanh nghiệp được Chính phủ mời tham gia soạn thảo luật cho chính mình.

Từ quan điểm đổi mới và niềm tin vào giới kinh doanh, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo việc xây dựng Luật Doanh nghiệp phải đảm bảo hai nội dung quan trọng nhất:

Thứ nhất: nguyên tắc mọi tổ chức và công dân có quyền tự do kinh doanh theo pháp luật

Thứ hai: Nhà nước chuyển cách quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", tổ chức sự quản lý, giám sát theo nguyên tắc công khai, minh bạch.

“Quá trình xây dựng Luật rất công phu. Ngoài việc trực tiếp nghiên cứu luật doanh nghiệp của 16 nước, Thủ tướng còn cho mời các chuyên gia nước ngoài đến góp ý kiến và đưa dự thảo ra hỏi ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia trong nước qua nhiều cuộc hội thảo ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam” - bà Lan cho biết.

Kỷ lục 1 tháng 28 ngày đã đầy đủ văn bản hướng dẫn Luật

Luật Doanh nghiệp 1999 được thông qua, Thủ tướng Phan Văn Khải là người trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thi hành Luật.

Chỉ trong một tháng 28 ngày sau khi Luật có hiệu lực thi hành, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành đủ các văn bản hướng dẫn. Đây thực sự là một kỷ lục mà cho đến nay chưa có trường hợp nào vượt qua.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng ký quyết định thành lập Tổ thi hành Luật, do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá đứng đầu, ông Lê Đăng Doanh - Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương làm Tổ phó.

“Thông qua hoạt động của Tổ này chúng tôi phát hiện ra quá nhiều điều kỳ quặc, hành dân là chính trong quản lý hành chính. Chẳng hạn, muốn hành nghề bán báo lẻ, đánh máy chữ phải có giấy phép có hiệu lực trong 3 tháng, tức 3 tháng phải tốn thời gian cho một lần xin phép. Nhặt kim loại, giấy vụn, vẽ tranh truyền thần cũng phải xin phép; hay doanh nghiệp tư nhân không được đóng sà lan 20 tấn...” - Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá nhớ lại.

Và ngay khi Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp rà soát, đề xuất danh sách giấy phép con vô lý thì Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý ban hành quyết định cắt ngay chứ không giao các bộ làm. Điều đó lý giải vì sao năm đó, chúng ta cắt ngay được 40% điều kiện kinh doanh, cởi trói cho doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần kinh doanh rất mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Tầm nhìn từ Luật Doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO