Khó để nói Lê Ngọc Linh là ai tại Thưởng Trà - một quán trà trầm mặc lại hữu tình trên con phố Tông Đản của Hà Nội.
>>>Những khoảng lặng cần thiết
Gọi là Chủ quán cũng không hẳn đúng mà gọi là trà nương thì cũng đúng nhưng lại cũng chưa đủ.
Đôi khi, ghé quán trong những buổi sang sớm, tôi thích gọi cô là “người mời trà sớm mai”.
Năm 20 tuổi, công việc đầu tiên Linh làm là trở thành cô thu ngân tại một quán cà phê do ông anh chơi cùng mở ra tại Cửa Bắc, đối diện trường Phan Đình Phùng. Hồi ấy, giờ làm việc bắt đầu từ bảy giờ ba mươi phút hàng sáng các ngày trong tuần. Công việc mở đầu bằng lau bàn ghế, chạy rửa máy pha cà phê và đổ hạt vào máy rang.
10 năm trôi qua, Linh kể, cô chưa bao giờ quên được hương cà phê thơm ngọt lan khắp quán vào mỗi sớm mai, tiếng máy pha kêu “xì” thật lớn khi khởi động và giọng anh Hùng - chủ quán: “Cho anh một đúp nhé!”. Xong xuôi, cô đứng về phía quầy, chờ đợi vị khách đầu tiên bước vào để mở đầu một ngày mới bằng một - ly - latte.
10 năm trước, mỗi sáng của Linh bắt đầu như thế, thời gian tuy không dài nhưng luôn vậy, thanh xuân hay tuổi trẻ thường bằng những công việc đầy mùi hương cùng cảm xúc.
Rồi, Linh nghỉ làm ở quán cà phê, lại chăm đi uống cà phê buổi sáng. Có nhiều khi quán mới mở, bước vào trở thành vị khách đầu tiên, lúc nhân viên còn đang mải dọn dẹp liền chọn cho mình một chỗ ngồi nơi góc quán, gần cửa sổ, gọi lấy một tách… cacao nóng. Rồi đưa mắt nhìn ra ngoài phố phường còn chưa kịp đông, người chưa kịp vội, lặng lẽ mở cuốn sách mang theo đọc vài trang, lại gấp vào nhìn em nhân viên lau quét mà thấy mình thảnh thơi an lành tới lạ thường, thấy mình “sớm” quá, sống chậm quá.
Tới khi làm việc với trà, cùng người bạn chung nhà mở quán nhỏ vắng khách trên phố cổ có chút ồn ã của đô thị, công việc mỗi sáng vẫn thế: lau bàn ghế, quét dọn quán xá rồi làm một nghi thức giản đơn: đun một ấm nước lạnh trên bếp hồng, đặt tay vào quai cầm để cảm nhận độ rung nhẹ khi nước reo lên trong ấm, khi nước bốc hơi báo hiệu đã sôi, nghe tiếng bọt nước vỡ tan vào nhau rồi nhấc ấm ra khỏi bếp, lại nghe tiếng nước vỗ lên cánh trà để ngửi thấy mùi cốm non, mùi mật ngọt hay chút khói của Tà Xùa. “Nghi thức” ấy, Linh học lỏm của người thầy dạy tử vi, đỏ bếp hồng và đun ấm nước cho lễ nhập trạch. Với Linh, nó trở thành một hoạt động hàng ngày cho “buôn may bán đắt”.
Nhàn việc, Linh lại chờ đợi vị khách đầu tiên bước vào quán. Có khi, không phải là từ tám giờ sáng khi quán mở cửa, cũng không phải là muộn hơn một chút mà có khi là đến trưa mới thấy khách. Trước đây, khi Thưởng Trà còn ở Núi Trúc, chồng cô vẫn dậy dọn dẹp từ sáu giờ sáng hàng ngày rồi chờ vị khách sớm mai. Như bây giờ, Linh luôn chờ vị khách đầu tiên của buổi sáng, dù rằng ít khi gặp được.
Cái cảm giác đón vị khách đầu tiên khi quán còn chưa gọn gàng, cái thảnh thơi của đầu buổi sáng nhìn nàng tóc mai còn vương, lúi húi quét dọn cũng là một cái thú của bình an. Em cứ mở cửa nhé, để sáng hôm ấy, khi gặp vị khách đầu tiên của ngày đến sớm, vì có việc cần làm hay chỉ đơn giản là ngắm nhìn mọi thứ chậm lại và hưởng thụ chút không gian riêng trước khi gặp gỡ một ai đó, thì hãy để chính mình mở lời trước: Sớm nay, bạn muốn uống Trà gì?
Đợi mình một chút, mọi việc, xong ngay đấy thôi!
Câu chuyện tự nhiên lại đưa chúng tôi đến với khái niệm hay hay lạ lạ: “trà nương”.
“Chồng em gọi những cô gái phục vụ bên bàn Trà là “trà nương” – Linh kể. Sống với một người làm trà hơn chục năm như anh – nghệ nhân trà Nguyễn Việt Bắc, người vẫn được gọi là “chuyên gia”, Linh hiểu được khái niệm ấy, một cách rõ ràng và rành mạch, bằng những cô gái vẫn đi lại trên quán tôi ngày ngày pha trà rót nước, vẫn coi cô là “chị”.
Sinh ra trong một gia đình mà người bà ngoại học tại trường nữ sinh Đồng Khánh, Linh vẫn tự ám ảnh rằng, nét đẹp của người con gái nên là hòa thuận dịu dàng, tư thái như bồ liễu, vừa thoải mái lại ung dung, “tài hoa nhàn nhạt nào dám khoe khoang, chỉ mong mưa xuân vườn vắng, giữ mệnh an lòng”.
Trà nương, cũng có thể được mô tả y như vậy.
Thế nhưng, không giống như tưởng tượng của nhiều người, hoặc vô tình không giống như những gì chính bản thân Linh vẫn nghĩ, trà nương không phải là công việc thanh tao nhẹ nhàng. Nói đúng hơn, làm trà nương chỉ đơn giản làm một nhân viên phục vụ. Thay vì pha cà phê thì trà nương (tất nhiên là) pha trà. Người con gái ấy phải học thuộc hàng chục loại trà khác nhau có ở quán, đồng thời học cách rót nước, căn nhiệt độ để pha ra một ấm trà chuẩn - mực. Tuy vậy, việc ấy chẳng nhiều bằng những thứ khác, mà Linh vẫn hay nói vui, học làm trà nương thực tế là học làm “đàn bà”.
Linh bảo: Thật biết ơn thay, nhờ trà, cô đã gặp được các bạn - những cô Trà nương không mình hạc sương mai hay nhẹ nhàng tao nhã, mà là, những cô trà nương luôn đặt trọn trái tim vào việc chăm trà chiều khách tẩn mẩn yêu từng góc cái quán bé xinh, những người chú tâm vào việc làm một người “đàn bà” có trái tim thiện lương.
Một năm đã đi qua với thật nhiều gắng gượng. Rồi năm nay Xuân thì sớm mà duyên thì chưa chắc đã hanh thông, quán trà có còn mở, trà nương có còn được mong những người khách hữu ý ghé quán sớm đón một năm mới thật thong dong?
Linh cười nhè nhẹ…
Cô Trà Nương cười nhè nhẹ…
Gắng lắm chị à…
…mà tuỳ duyên…
Có thể bạn quan tâm