Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việc thành lập tổ công tác nhằm giải quyết ách tắc thể chế, thủ tục hành chính để "cởi trói" cho doanh nghiệp, người dân.
Thủ tướng đánh giá cao kết quả của Tổ công tác, trong 5 năm qua, đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. “Nhìn chung, Tổ công tác hoàn thành khá toàn diện cả 6 nhiệm vụ được giao trong Quyết định 1642 và 1289”, với tinh thần quyết liệt, không ngại va chạm.
Đặt ra yêu cầu giải phóng nguồn lực đất nước thì trước hết phải giải phóng con người thông qua thể chế, chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những gì mang lại quyền lợi người dân, dân giàu nước mạnh để tạo niềm tin rất quan trọng.
Đặc biệt đặt trong bối cảnh từ đầu nhiệm kỳ, việc kỷ luật hành chính, xử lý công việc của người dân, doanh nghiệp còn chậm, nhiều cơ chế chính sách chậm đi vào cuộc sống, nhiều tầng nấc trung gian gây cản trở phát triển, khiến niềm tin của người dân bị ảnh hưởng.
"Không được 'bắn chỉ thiên', bắn mà không trúng ai, không có giải pháp kiểm tra, xử lý. Phải tháo gỡ ách tắc, chỉ rõ địa chỉ gây khó khăn cho cơ quan, doanh nghiệp và khắc phục tình trạng này", Thủ tướng nói và khẳng định việc thành lập tổ công tác nhằm giải quyết ách tắc thể chế, thủ tục hành chính để cởi trói cho doanh nghiệp, người dân.
Về việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chuyển biến rất tích cực, đặc biệt tình trạng nợ đọng nhiệm vụ được chấn chỉnh. Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 1,8%, giảm gần 25% so với thời điểm Tổ công tác thành lập. Cả nhiệm kỳ Chính phủ, số đề án chưa trình chỉ chiếm 0,5%, chỉ bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước.
Thủ tướng nhắc lại, tháp tùng Thủ tướng đi công tác, làm việc với các bộ, địa phương, thì trong nội dung đầu tiên khi phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) đều nêu “nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao anh đã được làm được đến đâu, còn những tồn tại nào”.
Hoạt động của Tổ công tác đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đánh giá: “Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng là cần thiết, Tổ hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm đem lại hiệu quả tích cực. Đây là điểm sáng nhất cần phải đánh giá rõ và nhấn mạnh hơn…”.
Chính công tác kiểm tra đã góp phần ngày càng hoàn thiện thể chế, chính sách, khắc phục một phần quan trọng tình trạng “tham nhũng chính sách”, tư tưởng “cài cắm”, tạo rào cản, giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Nói như Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, trong nhiệm kỳ Chính phủ này có rất nhiều "đặc sản", trong đó Tổ công tác của Thủ tướng chính là một "đặc sản" quan trọng nhằm vào giải quyết điểm nghẽn của quá trình cải cách là thực thi quyết định của Thủ tướng.
TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng là điều hợp lý, dẫn chứng bằng con số nhức nhối ở đầu nhiệm kỳ có 25% nhiệm vụ Thủ tướng giao cho Bộ, ngành, địa phương quá hạn; Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng khắc phục điểm nghẽn này. "Sau 5 năm hoạt động, số nhiệm vụ chưa thực hiện chỉ còn 1,8%, đây là con số biết nói", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cũng nêu trong nhiệm kỳ Chính phủ này có 3 đợt sóng cải cách và đều có dấu ấn của Tổ công tác: Đầu tiên là thực hiện Luật Đầu tư và và Luật Doanh nghiệp mới đã xóa bỏ hàng nghìn giấy phép con; thứ hai là cắt giảm gần 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; thứ 3 là năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Trong nhiệm kỳ này không chỉ cải cách hành chính mà xây dựng Chính phủ điện tử cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, trong đó, Tổ công tác đóng vai trò tích cực.
"Tổ công tác góp phần truyền lửa và thông điệp cải cách của Thủ tướng đến các Bộ, ngành, địa phương. Hoạt động của Tổ công tác có tác động lan tỏa quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người dân", TS Vũ Tiến Lộc nhận định.
Điều đáng mừng nữa được Người đứng đầu Chính phủ nhắc tới là tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết được khắc phục. Đến 13/3/2021, chỉ còn nợ đọng 14 văn bản của năm 2020 (trong khi đó, cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Chính phủ nợ 58 văn bản; cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chính phủ nợ 39 văn bản).
“Và chúng tôi đang phấn đấu không còn văn bản quy định chi tiết nợ đọng trước khi khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV vào ngày 24/3/2021”, Thủ tướng nhấn mạnh. Hoạt động của Tổ công tác đã lan tỏa hiệu ứng tích cực đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương khác trong việc thực hiện nhiệm vụ giao.
Cho rằng càng làm thủ công, càng tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp thì càng dễ xảy ra tiêu cực, Thủ tướng đánh giá cao Tổ công tác đã áp dụng công nghệ trong quá trình xử lý. “Chốt” lại phần đánh giá, Thủ tướng tặng Tổ công tác “8 chữ” là “Quyết liệt, Kịp thời, Hiệu quả, Thực chất”.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý một số việc. Nhiệm vụ quan trọng nhất của VPCP là xây dựng, đôn đốc, kiểm tra thực hiện chương trình hành động, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm việc có tốt không, có hiệu quả không là do triển khai công tác. Mọi việc cần chủ động, khoa học, phù hợp với thực tiễn diễn ra, ứng phó kịp thời với thay đổi của đời sống xã hội, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, quyết tâm cao. Tổ công tác phải tập trung vào nhiệm vụ quan trọng, chính yếu này.
“Thời gian qua các đồng chí đã dành nhiều thời gian triển khai khá rộng, nhiều hoạt động khác nhau. Thậm chí có những việc còn chồng lấn với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành. Các đồng chí phải chú ý tập trung một số việc trọng điểm chứ không phải tập trung nhiều quá vào cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Tổ công tác tại nhiều bộ, cơ quan, địa phương chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra theo đầu việc, kiểm đếm công việc, theo dõi tiến độ mà chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng, kết quả thực hiện theo yêu cầu đề ra. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp vẫn còn hình thức, chưa thực chất, đối phó.
Tổ công tác không phải là cấp trên của các bộ, ngành, địa phương mà chỉ được ủy quyền của Thủ tướng trong việc kiểm tra, đôn đốc, phát hiện. Vì thế, Tổ công tác không làm thay chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Trong quá trình này, cần hợp tác thân thiện, thẳng thắn, cùng phối hợp xử lý công việc chung.
Thủ tướng nêu rõ, cần tăng cường phương thức lãnh đạo, có chủ trương đúng, việc tổ chức thực hiện là quan trọng nhưng nếu thiếu kiểm tra, đôn đốc thì kết quả chưa tốt. Bác Hồ từng nói: “Không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo”. Do đó, kiểm tra, đôn đốc là nhiệm vụ rất quan trọng, cần được phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới của mọi cấp, mọi ngành. “Chủ trương 1, biện pháp 10 thì kiểm tra, đôn đốc 20 thì mới thành công”.
Thành quả của chúng ta chỉ là bước đầu quan trọng, chứ không phải say mê với thành tích mà chưa thấy những bất cập, tồn tại của đất nước, của xã hội, kể cả Tổ công tác, Thủ tướng lấy ví dụ vẫn còn tình trạng trì trệ trong công việc, sự lạc hậu của một số thể chế chính sách.
Thủ tướng đề nghị các bộ, các cơ quan, địa phương không được chủ quan, không được sớm bằng lòng với kết quả đạt được, phải tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, không để nợ đọng nhiệm vụ.
Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm, có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản pháp luật để không nợ đọng. Không để tình trạng chồng chéo, vướng mắc trong thể chế hiện hành, không để ban hành sai những thể chế kìm hãm sự phát triển.
Tất cả các bộ, cơ quan, địa phương trên cả nước có những giải pháp cụ thể thúc đẩy và nâng cao hoạt động của Tổ công tác của Bộ, cơ quan, địa phương trong đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục đổi mới phương thức.
Có thể bạn quan tâm
12:15, 15/03/2021
16:56, 13/03/2021
19:08, 11/03/2021
03:34, 11/03/2021
22:10, 10/03/2021
20:39, 07/03/2021