"Còn đó không ít những trăn trở, lo âu về tiếp cận tín dụng"

Nhóm PV 20/04/2018 16:35

Mặc dù chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam lọt top 30 thế giới, nhưng TS. Võ Trí Thành cho rằng, vẫn còn đó không ít nỗi trăn trở, lo âu về chính sách tiếp cận tín dụng.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2018), chỉ số Tiếp cận tín dụng năm 2018 của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. Cả về điểm số và thứ hạng, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của khu vực OECD và Đông Á - Thái Bình Dương.

TS Võ Trí Thành- Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

TS Võ Trí Thành- Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Nhiều vấn đề tồn tại

Theo TS. Võ Trí Thành- Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Rất hiếm có chỉ số nào của Việt Nam nằm trong top 40 của các nền kinh tế trên thế giới.  So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm, cải thiện 3 bậc. Cùng với 5 chỉ số tăng bậc khác, chỉ số Tiếp cận tín dụng đã giúp cho xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2017, đứng vị trí 68/190.

“Đây là kết quả của rất nhiều nỗ lực bền bỉ. Để đạt được xếp hạng này, từ 2008 đến nay chúng ta đã cải thiện liên tục, đặc biệt là những thay đổi tích cực trong khung khổ pháp lý liên quan đến việc mở rộng diện tài sản thế chấp và hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh và cho biết, Bộ luật Dân sự 2015 được Việt Nam áp dụng từ 1/1/2017 đã mở rộng phạm vi tài sản giao dịch đảm bảo, hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; TS Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI; Ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; TS Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI; Ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, kết quả về chỉ số Tiếp cận tín dụng và cả xếp hạng môi trường kinh doanh nói chung của Việt Nam là đáng mừng. “Tuy nhiên, nhìn rộng và sâu hơn, vẫn còn đó không ít nỗi trăn trở, lo âu và đằng sau là những vấn đề chính sách, thực thi. Nhìn riêng thị trường tài chính vẫn có nhiều vấn đề như về quyền của người cho vay”, TS. Võ Trí Thành nói.

Tuy điểm số Tiếp cận tín dụng đạt 75 điểm là khá tốt, song vẫn còn xa so với chuẩn 100, nhất là đối với tiêu chí về Độ phủ thông tin tín dụng của các cơ quan chính thức (Credit bureau coverage) chỉ đạt 19,7%.

Cùng với đó, chỉ số Tiếp cận tín dụng nêu trên rất nền tảng, song có thể chưa đầy đủ khi nhìn vào rào cản “cố hữu” trong tiếp cận tín dụng ở Việt Nam. “Ngay trong nghiên cứu của CIEM & Vietcombank (2006) đã chỉ ra nhiều trở ngại đối với DNNVV trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, bao gồm không có tài sản thế chấp, chuẩn mực kế toán thấp, chi phí thu thập thông tin và hành chính cao, dự án đầu tư kinh doanh không khả thi. Ngoài ra, định mức tín nhiệm và các khung khổ bảo lãnh cũng rất có ý nghĩa đối với việc tiếp cận tín dụng của khu vực DNNVV", TS. Võ Trí Thành cho biết.

Theo TS. Võ Trí Thành, hiện tỷ lệ DNNVV coi tiếp cận tín dụng là trở ngại lớn nhất còn cao. Nguyên nhân lớn nhất doanh nghiệp đã từng bị NHTM từ chối hoặc chỉ được giải ngân một phần do tài sản thế chấp không đủ điều kiện. Cơ cấu tài sản thế chấp được yêu cầu trong hồ sơ vay vẫn là đất, nhà (38,5%), máy móc thiết bị (26,5%)…

4 kiến nghị cải thiện

Vì vậy, vị chuyên gia này kiến nghị một số giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng: Thứ nhất, cần tập trung vào sự đa dạng của tài sản thế chấp. Trong đó, một loại tài sản gọi là tài sản bất động, một tài sản gọi là động, cái mà WB đánh giá rất cao là tài sản động.

Hội thảo
Hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính – Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng” chiều ngày 20/4.

Thứ hai, độ sâu thông tin còn tạm chấp nhận được, ở mức trung bình so với các nước. Tuy nhiên, độ phủ của thông tin tín dụng thấp. Do đó, cần mở rộng các công cụ định chế hỗ trợ, sự quan tâm đánh giá nhìn nhận phải rộng hơn để các đối tượng tiếp cận nguồn tài chính.

Thứ ba về góc độ sáng tạo khởi nghiệp, TS. Võ Trí Thành cho rằng, đây là vấn đề sống còn trong tương lai của năng suất lao động Việt Nam. “Tôi cho rằng đây là một cái mới và tôi biết NHNN đang làm, hoạt động hỗ trợ tiếp cận tín dụng khu vực này cần được gia tăng”, TS Võ Trí Thành nói và cho rằng, cần cả thích ứng và bắt nhịp với xu thế mới, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cách nhìn về tiếp cận tài chính/tiếp cận tín dụng cũng vậy. 

Thứ tư, về vấn đề chính sách, TS. Võ Trí Thành cho rằng nhiều chính sách đang làm theo chiều rộng. Do đó, cần xác định chúng ta muốn hỗ trợ nông nghiệp để đạt giá trị gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Còn đó không ít những trăn trở, lo âu về tiếp cận tín dụng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO