Cơn sốt Game NFT: Nơi tạo ra thu nhập hay chỉ là trò lừa đảo?

DIỄM NGỌC 22/02/2022 05:02

Trong khi nhiều người hâm mộ cho rằng Game NFT như Axie Infinity là một cách tạo ra thu nhập mang tính cách mạng, thì một số khác lại ví nó như một kế hoạch lừa đảo do cường điệu hoá và đầu cơ giá cả.

>>Dự án game NFT Việt dùng chiêu trò chiếm đoạt 1,4 triệu USD rồi bỏ trốn

Nơi tạo ra thu nhập...

Philippines được xem là một thị trường “màu mỡ” mà giới GameFi đang nhắm vào, kể từ sự bùng nổ của game NFT Axie Infinity đến từ Việt Nam.

Một game thủ trình diễn cách chơi game Axie Infinity (ảnh: AFP)

Một game thủ trình diễn cách chơi game Axie Infinity (ảnh: AFP)

Theo chia sẻ, Dominic Lumabi, một thanh niên người Philippines cho biết, anh ngồi máy tính trong phòng ngủ của mình hàng giờ, chỉ để đánh các nhân vật hoạt hình NFT chống lại những người khác. Nhưng đây không chỉ là một trò chơi, mà Lumabi đang kiếm tiền điện tử để hỗ trợ gia đình mình trong thời kỳ đại dịch. Nguồn thu nhập của anh ấy là Axie Infinity, một trò chơi kiếm tiền dựa trên Blockchain, đã bùng nổ phổ biến ở các quốc gia đang phát triển như Philippines khi Covid-19 làm mất đi công ăn việc làm và buộc nhiều người phải ở nhà.

Trong Axie Infinity, người chơi tham gia vào các trận chiến bằng cách sử dụng Axies giống như đốm màu đầy màu sắc và chủ yếu được thưởng “Smooth Love Potion” (SLP) có thể đổi thành tiền điện tử hoặc tiền mặt, hoặc đầu tư trở lại thế giới ảo Lunacia của trò chơi. Lumabi chơi hai giờ mỗi ngày, kiếm 8.000-10.000 Peso (155-195 USD) mỗi tháng, bằng gần một nửa số tiền anh kiếm được ở công việc trước khi nghỉ vì COVID-19.

Những người hâm mộ, ủng hộ tài chính kỹ thuật số và những người sáng tạo Axie Infinity - Sky Mavis có trụ sở tại Việt Nam cho rằng, đây là một bước đi mang tính cách mạng đối với tương lai của Internet. Nhưng ngược lại, có những người chỉ trích và cảnh báo trò chơi là một “ngôi nhà của những quân bài” và xem đó như một kế hoạch gian lận do tính cường điệu và đầu cơ.

Leah Callon-Butler, một nhà tư vấn Blockchain có trụ sở tại Philippines cho biết: “Đại dịch là môi trường hoàn hảo để trò chơi này thu hút người chơi từ mọi tầng lớp xã hội. Họ có thể ngồi ở nhà, được bảo vệ khỏi virus và chơi một trò chơi dễ thương mà  có thể kiếm tiền từ nó.”

Nhưng có một nhược điểm, để chơi trò chơi, trước tiên người chơi phải mua ít nhất 3 Axies. Axie là một NFT giống như các tác phẩm nghệ thuật của NFT, chúng được lưu trữ trên Blockchain. Axies có thể được mua, bán hoặc cho người chơi khác thuê. Chủ sở hữu cũng có thể lai tạo chúng để tạo ra các Axies mới cung cấp nhiều giá trị hơn. Vào đỉnh điểm của sự phát triển của trò chơi vào năm ngoái, một đội Axies mới bắt đầu có thể trị giá hàng trăm USD, vượt xa tầm với của những người chơi ở các quốc gia nghèo hơn.

Luis Buenaventura, người điều hành Yield Guild Games (YGG) ở Philippines cho biết: “Chúng tôi cung cấp cho người chơi những tài sản mà họ cần để tạo thu nhập cho chính họ. Để đổi lấy điều đó, chúng tôi yêu cầu 10% từ thu nhập của họ”.

Riêng YGG đã có 8.000 người tham gia và khoảng 60.000 người xếp hàng chờ đợi được tham gia chương trình cung cấp đào tạo và cố vấn cho một số lượng người chơi giới hạn tại một thời điểm. Buenaventura cho biết thêm, nhiều người chơi ở độ tuổi ngoài 20 và từ các hộ gia đình đã kiếm được dưới 400 đô la Mỹ một tháng.

Khi số lượng người chơi hoạt động hàng ngày tăng vọt vào năm 2021, giá Axies và SLP cũng tăng cao, đặt ra câu hỏi về tính bền vững của trò chơi. Sky Mavis kiếm được doanh thu từ trò chơi chủ yếu thông qua các khoản phí và thị trường, còn Axie Infinity đã tạo ra doanh thu hơn 1,2 tỷ đô la Mỹ, đồng thời thu hút nhiều người ủng hộ bao gồm cả tỷ phú Mỹ Mark Cuban.

Hay chỉ là trò lừa đảo?

>>Trung Quốc sẽ “cấm cửa” game NFT?

Một số nhà phân tích trong ngành công nghiệp game cho rằng, mô hình kinh doanh này không bền vững. Jonathan Teplitsky đến từ công ty Blockchain Horizen Labs cảnh báo: “Hầu hết các trò chơi chơi để kiếm tiền là một ngôi nhà của những quân bài, được thúc đẩy bởi sự cường điệu  hoá và đầu cơ giá cả. Toàn bộ hệ thống này hoạt động tốt, trong khi công ty Axie rủng rỉnh tiền mặt và sẵn sàng cung cấp năng lượng cho một cỗ máy tiếp thị khổng lồ. Nếu Axie muốn sống sót sau sự sụp đổ thị trường tiếp theo, họ sẽ cần phải xây dựng một số tiện ích trong thế giới thực vào trò chơi của họ mà không phụ thuộc vào tâm trạng của thị trường”.

Dự án dự án game NFT Cryptobike tại Việt Nam bị cho là dùng chiêu cho chiếm đoạt 1,4 tỷ USD rồi bỏ trốn (ảnh minh hoạ)

Dự án dự án game NFT Cryptobike tại Việt Nam bị cho là dùng chiêu cho chiếm đoạt 1,4 triệu USD rồi bỏ trốn (ảnh minh hoạ)

Rõ ràng trong nhiều tháng, trò chơi này đã gặp phải vấn đề khi thị giá của SLP và AXS đã trải qua biến động cùng nhiều tài sản tiền điện tử khác. Nhà cung cấp dữ liệu tiền điện tử CoinGecko cho thấy, năm ngoái, khi trò chơi được nâng cấp để cho phép giao dịch dễ dàng hơn và rẻ hơn, giá trị của SLP đã tăng vọt hơn 900% trong vòng chưa đầy một tuần. Nhưng vào cuối tháng 1 năm nay, nó đã giảm xuống đáng kể, tác động rất lớn đến số tiền mà người chơi có thể kiếm được.

Được biết, Sky Mavis đã thực hiện một số chỉnh sửa đối với trò chơi để giới hạn số lượng SLP mà người chơi có thể tạo ra, khi thừa nhận những lo ngại về lạm phát và tính không bền vững của thị trường. Đồng tiền này kể từ đó đã phục hồi nhẹ nhưng vẫn còn xa so với mức đỉnh của cơn sốt vào năm 2021.

Buenaventura của YGG nói: “Mọi người bắt đầu hiểu rằng không phải tiền miễn phí từ trên trời rơi xuống, bạn phải hiểu cách chơi tốt trò chơi này”.

Tại Việt Nam, mới đây, một dự án game NFT Việt bị cho là dùng chiêu cho chiếm đoạt 1,4 triệu USD rồi bỏ trốn. Được phát triển trên nền tảng Binance Smart Chain bởi một nhóm phát triển ẩn danh, CryptoBike thuộc thể loại Click-to- Earn (click chuột để nhận token) với lối chơi khá đơn điệu. Theo đó, CryptoBike cũng sử dụng cơ chế loot box, vốn yêu cầu người chơi phải đầu tư một số tiền ban đầu để mua những hộp quà có chứa vật phẩm NFT (xe đạp) trong game. Người chơi sau đó dùng chính vật phẩm NFT này tham gia trò chơi và nhận về phần thưởng là token của game.

Theo số liệu từ Coinmaketcap, khối lượng giao dịch trong ngày của CryptoBike đã có thời điểm đạt mốc 41,6 triệu USD, dù mới chỉ ra mắt từ 25/12/2021. Mặc dù không được chăm chút về gameplay và đồ họa, CryptoBike vẫn thu hút được một lượng lớn các nhà đầu tư tham gia nhờ ROI (tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư) lớn, khả năng hồi vốn nhanh.

Tuy nhiên, vào thời điểm trưa ngày 1/1/2022, giá trị của CB (token của CryptoBike) bất ngờ giảm tới 42 lần, từ mức 0,81 USD/ xuống 0,019 USD chỉ trong vài phút. Nguyên nhân chính của đà lao dốc này là từ việc một số địa chỉ ví đã đặt lệnh bán ra thị trường 6 triệu token CB (tương đương 60% tổng cung dự án), với giá trị lên tới gần 1,4 triệu USD.

Hiện có rất nhiều dự án game blockchain hay NFT nở rộ trên thị trường Việt và thế giới, cũng có rất nhiều chuyên gia từng đưa ra lời cảnh báo cho các nhà đầu tư khi tham gia “sân chơi này”. Để có thể lựa chọn các dự án tốt và tránh được các dự án lừa đảo, nhà đầu tư được khuyến nghị cần phải có kiến thức về crypto. Ít nhất phải biết cách mở ví, thêm hợp đồng hay địa chỉ… vì chơi crypto sai thông tin là mất luôn.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án game NFT Việt dùng chiêu trò chiếm đoạt 1,4 triệu USD rồi bỏ trốn

    05:23, 10/01/2022

  • Trung Quốc sẽ “cấm cửa” game NFT?

    17:00, 21/12/2021

  • Tìm chỗ đứng cho Game NFT

    05:15, 06/12/2021

  • Game NFT Việt Nam (Kỳ 3): Tương lai đi về đâu?

    05:00, 05/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơn sốt Game NFT: Nơi tạo ra thu nhập hay chỉ là trò lừa đảo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO