Sáng sớm lướt báo mạng, bắt gặp bài viết về nam công chức ngành văn hóa Huế mặc áo dài đến công sở, chợt thấy khá thú vị với ý tưởng này.
Cán bộ ngành văn hóa Thừa Thiên Huế ngày đầu tiên mặc áo dài ngũ thân đi làm. Ảnh: Thanh Phong/VnE.
Lục lại những hình ảnh gắn liền với chiếc áo dài của các bạn nam, nữ trong cơ quan đăng trên trang cá nhân facebook nhân dịp chào Xuân Canh Tý 2020 với dòng trạng thái: “Tự hào lắm áo dài Việt Nam” với những lượt like, thả tim, chia sẻ của bạn bè, lại thấy như được tiếp thêm năng lượng cho một ngày làm việc mới.
Rồi lại nhớ đến những sự kiện đặc biệt tại cơ quan, thầm cảm ơn vị lãnh đạo cao nhất cơ quan bởi ông luôn khuyến khích cán bộ nữ mặc áo dài trong những dịp đặc biệt. Những hình ảnh duyên dáng, thướt tha trong tà áo dài không chỉ góp phần tôn lên sắc vóc của người phụ nữ, mà còn góp phần thể hiện trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa áo dài Việt; cùng góp sức giữ gìn cho người Việt tấm áo của quê hương, đất nước.
Điểm lại trong một năm, người phụ nữ có rất nhiều dịp để diện áo dài: Lễ tết, cưới hỏi, các sự kiện quan trọng của đơn vị nơi mình làm việc, các chương trình ngoại giao, hội họp, du lịch trong và ngoài nước… Tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp, áo dài đã được chọn là trang phục công sở để mặc trong các hội nghị, sự kiện lớn.
Cùng với những diễn biến của quá trình lịch sử, tà áo dài Việt Nam luôn tồn tại theo dòng thời gian và là quốc hồn Việt. Qua thời gian, áo dài cũng có nhiều thiết kế cách tân. Tuy nhiên, áo dài vẫn luôn giữ được nét đẹp, vẫn là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt ngàn năm văn hiến.
Đấy là chuyện mặc áo dài đối với phụ nữ, còn nam giới thì sao? Câu chuyện “nam công chức ngành văn hóa Huế mặc áo dài đến công sở” đang gây tranh cãi trên nhiều mặt báo cũng như mạng xã hội.
Theo đó, trong buổi lễ chào cờ hằng tháng của Sở Văn hóa và Thể thao (VH -TT) tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn ra hôm 7/9 vừa qua, các cán bộ, nhân viên của đơn vị này đã mặc trang phục áo dài truyền thống. Không chỉ nữ giới, cả nam giới từ nhân viên đến lãnh đạo tham gia buổi lễ đều mặc áo dài ngũ thân, khăn đóng và đi giày Tây.
Đại diện Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ "quốc phục" từ bao đời nay của dân tộc, góp phần khẳng định "Huế - Kinh đô áo dài" của Việt Nam". Đơn vị này sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai đầu mỗi tháng nhưng không áp dụng đối với những người thường đi ra ngoài làm việc. Đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị.
Ngay sau khi những hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, bên cạnh nhiều ý kiến tán dương hoạt động này của Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng có không ít ý kiến cho rằng “công chức đi làm mặc áo ngũ thân giống như những liền anh đi hát quan họ”, hay "mặc áo dài mà đi giày Tây, sao không đi guốc mộc", rồi “mặc như vậy sẽ ảnh hưởng đến công việc”…
Theo giải thích của ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc cán bộ ngành văn hóa tiên phong mặc áo dài vào ngày thứ hai mỗi đầu tháng và các ngày lễ truyền thống của ngành, các lễ hội... là cần thiết nhằm khuyến khích cộng đồng phục hồi di sản này. "Dĩ nhiên, ban đầu sẽ gặp khó khăn như khi phụ nữ mặc lại áo dài cách đây vài chục năm nhưng tôi tin rằng dần dần cộng đồng sẽ chấp nhận" - ông Hải kỳ vọng.
Thực tế, việc mặc áo dài truyền thống đối với nữ giới đã có từ lâu. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa khi “truy tìm” nguồn gốc của chiếc áo dài, nhưng dựa trên bối cảnh lịch sử của dân tộc. Và cuối cùng đều đi tới kết luận chung rằng: Theo thời gian, chiếc áo dài đã trở nên đa dạng về kiểu cách để phù hợp với phong cách thời trang của từng giai đoạn và trở thành chiếc áo dài truyền thống với hình hài chuẩn mực như ngày nay.
Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, dẫu biến đổi thế nào đi chăng nữa cũng là để chiếc áo dài ngày càng hoàn thiện hơn, trở thành một tác phẩm mỹ thuật tuyệt vời và là biểu tượng của nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt.
Đối với nam giới, thì áo dài ngũ thân ra đời tại Huế từ năm 1744, thời Nguyễn đã đưa lên làm quốc phục, nghĩa là nó đã hoàn chỉnh và có hàng trăm năm lịch sử. Theo Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, áo dài ngũ thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và một thân con (nhỏ nhất, nằm trong) tượng trưng cho người mặc. Áo luôn có 5 cúc cài thể hiện đạo lý của người đàn ông nhân - nghĩa - lễ - trí - tín, nên có ý nghĩa phải tự răn mình cần giữ tư cách đàng hoàng, sống đúng đạo lý của người quân tử. Từ thời vua Khải Định đã có sự kết hợp mang loại giày Tây màu đen với áo ngũ thân nên cũng khá phù hợp.
Bình luận về vấn đề này, họa sĩ Nguyễn Đức Bình - chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống cho rằng, đây là một ý tưởng hay, một sự cố gắng lớn và rất thiết thực để tôn vinh di sản áo dài mà khó nơi nào làm được, một nỗ lực để đưa Huế thành kinh đô của áo dài.
Họa sĩ Bình khẳng định, áo dài ngũ thân đúng nghĩa áo dài truyền thống từ thời Nguyễn của dần ông Việt, rất đẹp và tiện lợi chứ không bất tiện như nhiều người nghĩ. Và, trong bối cảnh chiếc áo dài nam hiện đang bị làm sai lệch quá xa tà áo của người Việt thì nỗ lực đưa tà áo ngũ thân trở lại đời sống của Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế càng nhiều ý nghĩa.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã nhiều năm nghiên cứu về áo dài truyền thống Huế cũng cho rằng, việc làm của Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế rất đáng khuyến khích. Đây không phải là bộ trang phục làm việc hằng ngày của công chức nhà nước mà là lễ phục trong dịp lễ, được mặc trong ngày làm lễ chào cờ đầu tiên của tháng.
Theo ông Hoa, áo dài mà nam công chức ngành văn hóa Huế mặc là áo dài ngũ thân kế thừa từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và được vua Minh Mạng đưa thành quốc phục sau chuyến tuần du ra Bắc; trang phục này vừa được sử dụng trong các sự kiện quan trọng vừa để mặc hàng ngày.
"Lâu nay mọi người quen với việc phụ nữ mặc áo dài mà quên mất đàn ông Việt Nam từng có áo dài riêng. Gần đây chiếc áo dài đã đại diện cho bản sắc văn hóa của Việt Nam ra với bạn bè quốc tế. Một số đại sứ Việt Nam ở nước ngoài như đại sứ Phạm Sanh Châu đã nhận nhiều lời khen từ lãnh đạo các nước khi mặc áo dài truyền thống trong hoạt động ngoại giao" ông Hoa nói.
Là một công chức, bản thân người viết cũng rất tự hào mỗi khi có dịp diện chiếc áo dài truyền thống. Do đó, việc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế thí điểm cho toàn thể cán bộ công chức, người lao động của sở này mặc áo dài trong ngày thứ hai đầu mỗi tháng thiết nghĩ là một việc làm rất đáng hoan nghênh.
Phụ nữ mặc áo dài, cớ sao nam giới không thể mặc, nhất lại là chỉ mặc vào một ngày thứ hai đầu tuần mỗi tháng khi tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị. Việc khen, chê là ý kiến riêng của mỗi người, song không thể phủ nhận được đây là nỗ lực rất lớn của Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc khôi phục hình ảnh của chiếc áo dài nam, trong bối cảnh áo dài ngày càng bị biến tướng về hình thức.
Hãy nhớ, từ xưa đến nay, áo dài đã là trang phục truyền thống là nét văn hóa đặc trưng người dân Việt Nam. Khi khoác lên mình chiếc áo dài, mỗi người dân Việt Nam đều thêm yêu và tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc mình, một trang phục mà không lẫn với bất cứ trang phục của quốc gia nào khác trên thế giới.
Hơn nữa, Huế là Kinh đô áo dài, do đó, việc quy định công chức mặc áo dài vào ngày đầu tuần trong tháng, trong dịp lễ cần thiết và rất cần nhận được sự động viên, ủng hộ của nhiều chuyên gia văn hóa cũng như người dân cả nước. Đây cũng là một cách làm rất thiết thực để khôi phục, gìn giữ nét văn hóa riêng biệt đã bị mai một theo thời gian.
Có thể bạn quan tâm
06:06, 08/03/2020
05:00, 19/01/2020
11:30, 29/11/2019
04:27, 13/02/2019