[Công dân toàn cầu] (Kỳ 2) “Xuất khẩu giáo dục” theo cách của IFI

Diendandoanhnghiep.vn TS Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) chia sẻ: Mơ ước và trí tưởng tượng cực kỳ quan trọng nhưng xuất khẩu giáo dục không chỉ là mơ.

- Tôi từng được nghe ông nói về ý tưởng xuất khẩu giáo dục đầy tham vọng của IFI. Xin ông cho biết ý tưởng đó được thực hiện đến đâu rồi?

Có thể nói là thành công. Năm 2016, năm đầu tiên triển khai chiến lược xuất khẩu giáo dục, IFI tuyển được 25 học viên quốc tế, đến từ 15 quốc gia khác nhau. Năm 2017, số học viên quốc tế tăng lên 64 và tiếp tục tăng lên. Năm 2019, chúng tôi tuyển được khoảng 100 học viên quốc tế đến từ hơn 20 quốc gia. Theo dự kiến, năm 2020, chúng tôi sẽ tuyển khoảng 150 học viên quốc tế đến từ 30 quốc gia. Hiện nay, IFI đang dẫn đầu các tổ chức đại học cả nước về chỉ số quốc tế hóa.

TS Ngô Tự lập (bìa trái) tại lễ khai giảng khóa học của Viện Quốc tế Pháp ngữ 2018 - 2019

TS Ngô Tự lập (bìa trái) tại lễ khai giảng khóa học của Viện Quốc tế Pháp ngữ 2018 - 2019

- Và thông qua xuất khẩu giáo dục, IFI đang mong muốn truyền tải văn hóa Việt Nam tới bè bạn năm châu?

Không, chúng tôi không dạy tiếng Pháp và cũng không dạy văn hóa Việt Nam, mà dạy công nghệ. Học viên nước ngoài đang theo học ba chương trình thạc sĩ, đó là: Hệ thống thông minh và đa phương tiện, Truyền dữ liệu và mạng máy tính và Truyền thông số và xuất bản, học hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Trong năm 2020 tới đây, chúng tôi bắt đầu tuyển sinh Thạc sĩ Công nghệ tài chính (Fintech), học bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, mọi học viên của chúng tôi đều được học tiếng Anh. Học viên quốc tế còn được học tiếng Việt như là công cụ giao tiếp.

- Nhưng ý tưởng xuất khẩu giáo dục có mang màu sắc thương mại quá không, thưa ông?

Màu sắc thương mại thì sao? Thương mại có gì là xấu? Còn về tính cách, mặc dù nhiều người biết tôi là nhà thơ, nhưng tôi xuất thân là dân khoa học - công nghệ. Bằng đại học đầu tiên của tôi là kỹ sư hàng hải. Sau khi trải qua rất nhiều nghề, tôi nhận thấy rằng chất thơ hiện hữu ở mọi nơi, kể cả trong khoa học và kinh doanh. Tôi luôn nói rằng ở IFI, trí tưởng tượng lên ngôi.

Trong khi xã hội vẫn không ngừng ồn ào về khủng khoảng giáo dục đại học và du học ngày càng nhiều, thì IFI nỗ lực làm một công việc tưởng chừng bất khả thi, đó là xuất khẩu giáo dục.

- Và ý tưởng xuất khẩu giáo dục đến với ông như thế nào?

Xuất khẩu giáo dục còn khá mới mẻ đối với Việt Nam, nhưng không mới đối với thế giới. Chúng ta đã từng có một nền giáo dục phát triển hơn nhiều so với Malaysia, Singapore. Trường đại học hiện đại đầu tiên của Việt Nam thành lập năm 1906, trong khi đến năm 1961, khi Singapore rời khỏi Liên hiệp Malaysia, họ mới có chung một trường cao đẳng gồm hai phân hiệu ở Kuala Lumpur và Singapore. Hai phân hiệu này về sau phát triển thành hai trường Đại học Quốc gia. Năm 1975, Malaysia chỉ có 5 trường đại học, trong khi miền Bắc Việt Nam có 36 trường, miền Nam có hơn một chục trường đại học đa ngành kiểu Mỹ. Nhưng đến năm 2000, Malaysia có 700 trường đại học và cao đẳng. Đến đầu những năm 2000, chúng ta bắt đầu nhập khẩu giáo dục từ Malaysia.

Nhưng ý tưởng xuất khẩu giáo dục Việt Nam không phải là của riêng tôi. Quốc hội và Chính phủ đã từng bàn đến. Là người từng học tập, nghiên cứu và giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới, tôi nhận thấy rằng mặc dù đang có nhiều vấn đề, nhưng cũng không thể phủ nhận nhiều thành tựu vĩ đại của nền giáo dục nước nhà trong mấy chục năm.

- Để triển khai ý tưởng của mình, việc đầu tiên ông thực hiện là gì?

Là thay đổi cách truyền thông. Nhưng để hiệu quả, cần làm rõ được thế mạnh của mình và phải hiểu rõ nhu cầu của các đối tượng tuyển sinh. Vì các chương trình của IFI khi đó đều giảng dạy bằng tiếng Pháp, tôi nhận định các quốc gia Pháp ngữ châu Phi và châu Mỹ là một thị trường tiềm năng. Chúng tôi có may mắn lớn là tình cảm của nhân dân các nước này với chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi hay nói đùa rằng họ là hai chuyên gia truyền thông xuất sắc của IFI.

Xin nói thêm rằng IFI được thành lập chính là nhờ tầm nhìn của đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông giữ chức Phó thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Ngoài ra, những thành tựu kinh tế của Việt Nam thời kỳ Đổi mới và sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ Việt Nam như Viettel, PFT... ở nước ngoài cũng gián tiếp tạo thuận lợi cho chúng tôi.

- Trở lại câu chuyện thương mại, theo ông điểm hấp dẫn của giáo dục Việt Nam của IFI có phải là giá rẻ?

Tôi không nghĩ vậy! Học phí của IFI nói chung là không quá cao: với hai chương trình công nghệ thông tin là 85 triệu cho 2 năm, còn với chương trình Truyền thông số là 108 triệu. Như vậy chưa hẳn đã thấp đối với học viên nước ngoài, bởi còn phải tính các chi phí sinh hoạt. Vì thế, chúng tôi có chính sách trợ giúp họ về ăn ở. Nhưng chi phí cao hay thấp còn nằm trong mối tương quan với chất lượng. Điều quan trọng nhất là tấm bằng, kiến thức và cơ hội mà người học nhận được. Hơn 80% học viên của chúng tôi được thực tập có trả lương tại châu Âu. Khoảng 40% tiếp tục học lên tiến sĩ tại các nước phát triển và nhiều cựu học viên của chúng tôi trở thành các nhà lãnh đạo, chuyên gia cao cấp, doanh nhân... hoặc giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam và trên thế giới.

- Và kế hoạch tương lai của IFI?

Hiện nay IFI đã có một cấu trúc hoàn chỉnh để hoạt động hiệu quả với tư cách một trung tâm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao của khu vực và thế giới. Các hoạt động của chúng tôi dựa trên ba trục chính là đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng, có sự hỗ trợ của 6 phòng thí nghiệm, Trung tâm đại học Pháp ngữ, Trung tâm chuyển giao tri thức, ấn phẩm khoa học và Vườn ươm thông minh (IFI-3i). Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu giáo dục, chúng tôi tập trung đẩy mạnh thu hút sinh viên từ châu Âu và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản và các nước ASEAN.

Với châu Phi, chúng tôi dự kiến sẽ khai trương một phân hiệu tại Đại học Kinshasa (Congo). Một lần nữa, IFI lại đi tiên phong.

- Xin cảm ơn ông. Chúc IFI tiếp tục thành công!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [Công dân toàn cầu] (Kỳ 2) “Xuất khẩu giáo dục” theo cách của IFI tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714038429 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714038429 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10