Mặc dù, vẫn còn một số băn khoăn về tính thực chất và kỳ vọng hơn nữa về tính cải cách, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực trong xây dựng chính sách, tạo lập thể chế...
>> Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Thống nhất cơ chế thử nghiệm sandbox
Đây là chia sẻ của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Phạm Tấn Công tại Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2023 do VCCI tổ chức ngày 25/4. Đây là một sản phẩm thường niên của VCCI từ năm 2018 nhằm điểm lại những vấn đề quan trọng, đáng chú ý trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật về kinh doanh trong năm.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết, năm 2023 là một năm mà thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp và khó lường đối với cộng đồng kinh doanh. Trên thế giới, các cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn; cuộc chiến giữa Isarel và Hamas ở giải Gaza bùng nổ; khủng hoảng lan rộng ra Biển Đỏ đe dọa vận tải biển quốc tế, khiến giá cước vận chuyển Á- Âu tăng cao và biến động kinh tế vĩ mô tại các nền kinh tế lớn đặt ra nhiều vấn đề thách thức.
Ở trong nước, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức (tình trạng suy giảm đơn hàng; thiếu vốn kinh doanh; …). Mặc dù số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng so với năm 2022 (tăng 4,5%) nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại rất lớn (tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất kể từ năm 2017 đến nay).
“Trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều thách thức như trên, năm vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã có những nỗ lực to lớn trong xây dựng chính sách, tạo lập thể chế cho các hoạt động kinh doanh. Nhiều đạo luật quan trọng, có tính chất nền tảng với nền kinh tế như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi… đã được thông qua”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.
Theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, quá trình tham gia và theo sát quá trình xây dựng chính sách, pháp luật trong năm vừa qua, VCCI nhận thấy có một số “dòng chảy” đáng lưu ý như:
Thứ nhất, các hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa chi phí cho doanh nghiệp tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Cụ thể, trong năm qua, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án để cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Chính phủ và Quốc hội cùng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15.
“Năm 2023, VCCI tập hợp và gửi gần 100 vướng mắc, bất cập từ quy định và thực thi do doanh nghiệp phản ánh tới các cơ quan hữu quan và phần lớn những kiến nghị này đã được phản hồi, trong đó, có nhiều ghi nhận và sẽ có kế hoạch sửa trong thời gian tới. Mặc dù, vẫn còn một số băn khoăn về tính thực chất và kỳ vọng hơn nữa về tính cải cách, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực này, đặc biệt là nhận thấy rõ về sự thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.
Thứ hai, đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, gây khó cho doanh nghiệp
Cụ thể, trong năm 2023, VCCI nhận được khá nhiều phản ánh vướng mắc liên quan đến các quy định gây tác động đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp như: quy chuẩn xây dựng về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra hàng vận chuyển quá cảnh; trần chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết với ngân hàng; hợp quy thuốc thú y…
Cơ quan Nhà nước đã tìm hiểu, lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, như tiến hành rà soát và sửa đổi các quy định gây vướng (như sửa quy chuẩn xây dựng về phòng cháy chữa cháy, đề xuất sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Phòng cháy, chữa cháy; Dự thảo nghị định sửa Nghị định 132/2020/NĐ-CP về giao dịch liên kết; …), tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để giải đáp các vướng mắc và tìm hướng giải quyết.
Mặc dù một số vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, một số vấn đề chưa thống nhất trong quan điểm giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, nhưng việc các cơ quan Nhà nước tiếp nhận và tìm cách xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp, cho thấy tinh thần cầu thị của các cơ quan soạn chính sách. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh các nỗ lực này.
Thứ ba, vẫn còn có một số chính sách chưa phù hợp, cần phải tiếp tục thay đổi mạnh mẽ về tư duy quản lý
Với sự vận động không ngừng của các hoạt động kinh tế, một số chính sách đã không còn phù hợp và cần phải có những thay đổi đột phá, chuyển đổi theo hướng thị trường mạnh mẽ hơn.
Chính sách quản lý xăng dầu là một ví dụ (hiện tại Nhà nước đang can thiệp trực tiếp vào giá thành, quy định rất chặt chẽ về phương thức kinh doanh, tổ chức hệ thống phân phối, yêu cầu doanh nghiệp xăng đầu đầu mối phải dự trữ lưu thông, phải nhập khẩu số lượng tối thiểu; quy định số lượng đầu mối mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được nhập…) hay thủ tục trong lĩnh vực quản lý giá (Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình về lý do điều chỉnh giá khi làm thủ tục kê khai giá). Các chính sách quản lý này đã làm giảm khá nhiều sự năng động, cạnh tranh trên thị trường và tác động khá lớn đến doanh nghiệp khi có những biến động trên thị trường.
Nét tích cực là Chính phủ đang có kế hoạch để sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì sửa đổi căn bản Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Chúng tôi hy vọng sẽ được nhìn thấy những chuyển biến lớn về tư duy quản lý trong Nghị định mới này.
Thứ tư, các chính sách chuyển đổi xanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng vẫn có nhiều băn khoăn từ phía doanh nghiệp
Trước yêu cầu chuyển đổi xanh, thời gian gần dây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và quy định pháp luật dành cho lĩnh vực này. Đây là xu hướng không thể đảo ngược, tuy nhiên, vì là những chính sách mới nên trong quá trình xây dựng và đề xuất, một số chính sách hiện hành đưa đến nhiều băn khoăn cho doanh nghiệp về tính hiệu quả của các chính sách liên quan đến chế định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); sự chồng lấn về quản lý khiến doanh nghiệp phải gia tăng về nghĩa vụ thực hiện trong các quy định liên quan đến giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng;…
“Mặc dù còn rất nhiều kỳ vọng, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao đối với những nỗ lực của các cơ quan Nhà nước trong xây dựng và thực thi chính sách trong suốt một năm qua. Chúng tôi muốn ghi nhận lại những chính sách, vấn đề pháp lý dưới góc nhìn của đối tượng thực thi, để gửi gắm vào đó những kỳ vọng tới các cơ quan quản lý.
Chúng tôi tin rằng báo cáo này sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho cơ quan Quốc hội, cho các bộ ngành, cho các hiệp hội doanh nghiệp, cho các chuyên gia pháp luật tham khảo trong quá trình xây dựng, góp ý phản biện các quy định pháp luật. Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và phản hồi từ quý vị”, Chủ tịch Phạm Tấn Công bày tỏ.
Tại Hội thảo, cùng với phần trình bày chi tiết của Ban soạn thảo về Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2023, Hội thảo cũng nghe những ý kiến đánh giá, góp ý từ các chuyên gia, các hiệp hội và các doanh nghiệp xoay quanh vấn đề xây dựng chính sách, tạo lập thể chế.
Có thể bạn quan tâm
Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022: Doanh nghiệp cần môi trường pháp lý ổn định
15:48, 04/04/2023
Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Thống nhất cơ chế thử nghiệm sandbox
15:36, 29/03/2022
Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Có tình trạng phép vua thua lệ làng trong chống dịch
14:51, 29/03/2022
Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Phản ánh chân thực "góc nhìn" của người dân và doanh nghiệp
12:07, 29/03/2022
Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: "Công cụ" để hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh
11:36, 29/03/2022