Cộng đồng doanh nghiệp nhớ mãi hình ảnh đẹp về cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Nguyễn Việt - Ngọc Hà - Thy Hằng 17/03/2018 09:57

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người đứng đầu Chính phủ từ năm 1997 đến năm 2006 đã qua đời tại TP.HCM ngày 17/3/2018, hưởng thọ 85 tuổi. Ông ra đi nhưng giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp sẽ còn nhớ mãi hình ảnh đẹp của ông.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - người đứng đầu Chính phủ từ năm 1997 đến năm 2006 đã qua đời tại TP.HCM ngày 17/3/2018, hưởng thọ 85 tuổi.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - người đứng đầu Chính phủ từ năm 1997 đến năm 2006 đã qua đời tại TP.HCM ngày 17/3/2018, hưởng thọ 85 tuổi.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT): Gặp doanh nghiệp không ồn ào "đao to búa lớn"

Cả chục năm làm việc cùng cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ông luôn là người thận trọng, không bao giờ đưa ra những quyết định vội vàng, sốc nổi, cảm tính.

Chẳng hạn khi thảo luận về giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Phan Văn Khải, vì hiểu được vấn đề, nên không bao giờ cho phép làm quá giới hạn, nhất là đối với lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Chính vì vậy, suốt hai nhiệm kỳ của ông, lạm phát không bùng phát. Bởi lạm phát chỉ bùng phát khi duy ý chí làm sai quy luật, nguyên tắc của thị trường và vai trò của nhà nước…

Ngay cả với việc gặp doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng không “ồn ào, đao to búa lớn. Những cuộc gặp của Thủ tướng Phan Văn Khải với doanh nghiệp rất thiết thực. Thủ tướng gặp để biết được yêu cầu của doanh nghiệp, thực tế sản xuất kinh doanh, những rào cản vô lý và để có chương trình, kế hoạch thực hiện đổi mới cho bằng được.

Có thể nói, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là vị Thủ tướng sau đổi mới có nền tảng kiến thức kinh tế cơ bản theo cả hai mô hình kinh tế kế hoạch và kinh tế thị trường. Ở ông hội được ba yếu tố là nền tảng kiến thức kinh tế, biết dùng tham mưu thật sự, nói nhiều hơn làm và làm tốt. Đó là một Thủ tướng rất bình dân nhưng rất rành mạch công việc là công việc, rất kiên quyết nhưng lại rất tình cảm, nhẹ nhàng.

Bà Phạm Chi Lan - Nguyên Phó Chủ tịch VCCI: Có doanh nghiệp đã khóc khi gặp Thủ tướng

Là một chính khách trưởng thành từ Ủy ban Kế hoạch TP HCM, rồi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Khải có nhiều cơ hội tiếp xúc và có sự thấu hiểu đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cũng như các vấn đề kinh doanh. Sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp - doanh nhân và môi trường kinh doanh chính là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của vị tân Thủ tướng.

Ngay sau khi lên làm Thủ tướng (năm 1997), ông Phan Văn Khải đã nói với Tổ tư vấn là có 3 nhóm đối tượng ông muốn gặp và làm việc ngay từ đầu.

Một là gặp gỡ các doanh nghiệp để trao đổi về môi trường kinh doanh; Hai là gặp gỡ nông dân, bởi ông Khải rất quan tâm đến số phận nông dân; Ba là trao đổi với đội ngũ trí thức, những người làm khoa học công nghệ.

Thực tế, cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đã được tổ chức ngay sau đó, là cuộc đối thoại đầu tiên của ông Khải sau khi lên nắm quyền. Tinh thần của cuộc gặp cũng được vị Thủ tướng tuyên bố rõ: Đây là cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp. Doanh nghiệp đến để đối thoại, trao đổi với Thủ tướng, chứ không phải đến nghe chỉ thị này nọ.

Tại cuộc đối thoại chưa có tiền lệ này, lần đầu tiên gặp Thủ tướng mà có doanh nghiệp khóc. Họ khóc vì những bức xúc, tủi khổ bị đè nén bao năm. Và cũng khóc vì được nói, được lắng nghe, được chia sẻ, giải quyết – bởi chính người đứng đầu Chính phủ.

Những cuộc đối thoại như vậy đã được Thủ tướng Khải duy trì suốt 9 năm tại nhiệm. Nó cũng giống như cuộc gặp đơn sơ mà thân tình năm nào tại căn phòng nhỏ ở triển lãm Giảng Võ, từ khi ông còn là một Phó Thủ tướng. Một con người gần gũi và biết lắng nghe!

Tổng kết về sự nghiệp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, sẽ là một thiếu sót nếu không đề cập đến Luật doanh nghiệp 1999, một bộ luật cho đến bây giờ vẫn là bước cải cách mạnh nhất, cơ bản nhất của Việt Nam, tạo nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển của nền kinh tế về lâu về dài.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: 4 điều đặc biệt của Thủ tướng Phan Văn Khải

Điều thứ nhất, cố Thủ tướng Phan Văn Khải có cống hiến lịch sử là trình Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra Quốc hội.

Đấy là luật giải phóng cho kinh tế tư nhân. Trước kia theo Luật Công ty 1990 thì doanh nghiệp muốn thành lập phải có chữ ký của Chủ tịch tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Hồi đấy ông Đinh Hạnh làm Phó Chủ tịch Hà Nội thường dành riêng chiều thứ 7 để họp. Mỗi chiều, ông thông qua được 2 doanh nghiệp. Như vậy mỗi năm, Hà Nội chỉ cho ra đời được 104 doanh nghiệp tư nhân.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải, theo kiến nghị của chúng tôi, đã cho thực hiện quyền tự do kinh doanh, tức là người công dân được quyền đăng ký và theo đúng quy định thì người ta đương nhiên được kinh doanh, tức là bỏ quyền của Chủ tịch tỉnh.

Thế nhưng, Luật này khi được ban hành thì các Bộ chẳng ai thực hiện cả. Ban Nghiên cứu, lúc đó Trưởng ban là ông Trần Đức Nguyên, đã trình với ông Khải cho lập Tổ công tác của Thủ tướng và giao cho Tổ ấy đi đôn đốc, kiểm tra các Bộ, làm rõ lý do vì sao lại không thực hiện. Tổ công tác đấy do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá làm tổ trưởng, tôi làm Tổ phó thường trực.

Chúng tôi đi khảo sát và phát hiện ra trong nền kinh tế có 560 - 580 giấy phép con. Chúng tôi trình lên và ông Khải đã ký quyết định giấy hủy 268 giấy phép đấy, bằng khoảng 50% tổng số giấy phép. Như vậy là anh Khải đã cắt nguồn thu bất chính của các Bộ rất nhiều.

Điều đó làm cho kinh tế tư nhân được giải phóng, khuyến khích sự sáng tạo và sự năng động của người dân. Và kinh tế lúc bấy giờ đã có bước phát triển mạnh, người dân cảm thấy thoải mái, họ cảm thấy được tự giải phóng. Như vậy có thể thấy rõ ông Khải là người cải cách, tin vào người dân và biết được thực tế cuộc sống.

Điều thứ hai, ông Khải hết sức coi trọng và rất muốn là thực hiện kinh tế thị trường, kiểm soát độc quyền.

Anh lập Ban nghiên cứu và khác với anh Kiệt (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - PV) chỉ tham khảo một số việc, ông Khải trước khi ký một nghị định, một quyết định nào cũng đều gửi cho Ban nghiên cứu xem trước.

Cái phẩm chất của một vị vua sáng suốt là nghe cận thần can gián mình. Việc nghe theo các ý kiến sáng suốt thì dễ nhưng mà nghe cấp dưới can mình thì đấy có thể nói là can đảm, cầu thị.

Và ông Khải là người sẵn sàng nghe, sẵn sàng thảo luận, sẵn sàng chấp nhận. Anh ấy từng chủ trì cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch 5 năm trong suốt 2 ngày, thảo luận từng tí một. Đó là vì anh ấy được đào tạo, nắm vững thực tế và không lùi bước.

Điều thứ 3,ông Khải có công thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Ông Khải là người đã trình và đã thực hiện việc ký kết hiệp định song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. Năm 2000, ông Khải sang họp thượng đỉnh APEC ở New Zealand đã định ký hiệp định đó, tuy nhiên vào phút chót thì Bộ Chính trị lại có ý kiến khác nên lại không ký được. Năm 2006, ông Khải đã sang Mỹ và gặp Tổng thống Mỹ bấy giờ là G.Bush.

Bây giờ nhìn lại, có thể thấy rằng ông Khải có công rất lớn, đã nhìn ra tương quan và điều kiện phát triển là như thế nào. Dưới thời anh Khải, ngân sách không bội chi nhiều, nợ công không tăng lên, lạm phát được kiểm soát, ngân hàng không được thành lập quá nhiều, dự trữ ngoại hối tăng lên và nền kinh tế tăng trưởng mạnh

Đặc biệt, ông Khải nhất định không chịu lập các tập đoàn kinh tế.

GS.TSKH Nguyễn Mại - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư: Nhớ mãi người kiến tạo Luật doanh nghiệp năm 1999

Ông Khải là người luôn vì công việc. Hầu như người ta không thể tìm thấy những động cơ cá nhân của một người đứng đầu Chính phủ khi ông làm Thủ tướng. Ông Khải cũng là người rất biết lắng nghe khi đã thành lập hẳn hai cơ quan tư vấn là Ban Nghiên cứu Kinh tế lo tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô trong nước và Tổ Nghiên cứu Kinh tế đối ngoại và thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp năm 1999”.

Nếu không có tổ này thì Luật doanh nghiệp khó có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống hiệu quả như vậy. Việc thúc đẩy kinh tế tư nhân là dấu ấn lớn nhất, là “cứ cánh” trong thời kỳ Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế khu vực.

Giáo sư Dame Leonie Kramer AC - Nguyên Hiệu trưởng Đại học Sydney (Úc): Kiến trúc sư của hội nhập

Cố thủ tướng Phan Văn Khải góp phần quan trọng thúc đẩy dân chủ hóa đời sống kinh tế và chính trị Việt Nam. Cuộc đời ông phản chiếu sự lớn mạnh của Việt Nam hiện đại và các quyết sách của ông đưa đến những thay đổi tích cực chuyển biến đất nước.

Nguyên thủ tướng Việt Nam là một trong những kiến trúc sư chính của sự hội nhập khu vực và quốc tế của dải đất hình chữ S. Năm 1999, Đại học Sydney đã trao bằng Tiến sĩ danh dự về kinh tế cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Nhận định này bắt nguồn từ những quan sát khách quan về sự phát triển kinh tế trong 9 năm cầm quyền của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thời đó (1997-2006). Thời kỳ này, kinh tế trong nước phát triển nhanh, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7%, dù có khủng hoảng kinh tế khu vực năm 1997 - 1998.

Từ khi nhậm chức năm 1997, cố Thủ tướng Phan Văn Khải tập trung cải cách kinh tế theo hướng mở. Chương trình cải cách của ông có năm điểm chính: gỡ bỏ các rào cản trong sản xuất, đặc biệt nông nghiệp; tiếp tục tư nhân hóa các công ty nhà nước; đầu tư chiến lược vào các dự án điểm quốc gia, duy trì nguyên tắc tài chính và đơn giản hóa hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cộng đồng doanh nghiệp nhớ mãi hình ảnh đẹp về cố Thủ tướng Phan Văn Khải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO