Đề xuất điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là hợp lý nhưng điều quan trọng là phải công khai, minh bạch các chi phí đầu ra, đầu vào.
>>EVN trước áp lực tăng giá điện
Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng, năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Theo Bộ Công Thương, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 của EVN tương ứng khoảng 1.859,90 đồng/ kWh, tăng hơn 33,68 đồng (tương ứng khoảng 1,84% so với giá thành sản xuất điện/kWh năm 2020 (1.826,22 đồng). Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% (tương ứng khoảng 172,36 đồng/ kWh) so với năm 2021.
Đáng chú ý, các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên).
Về doanh thu sản xuất và phân phối điện, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, hai năm liền 2021 và 2022, EVN đang chịu lỗ, trong đó năm 2021 lỗ hơn 975,31 tỷ đồng và năm 2022, lỗ hơn 36.294,15 tỷ đồng (sau khi trừ hơn 10.058,53 tỷ đồng tiền lãi kinh doah), lỗ năm 2022 của EVN liên quan đến sản xuất điện là hơn 26.235,78 tỷ đồng (tương ứng hơn 1,1 tỷ USD). Tổng lỗ 2 năm của EVN là hơn 27.211,09 tỷ đồng (tương đương 1.2 tỷ USD), áp lực ngày càng lớn nếu năm 2023 giá điện không được tăng.
Như vậy, với giá bán lẻ điện bình quân duy trì ở mức 1.864,44 đồng một kWh từ tháng 3/2019 đến nay, EVN lỗ gần 168 đồng mỗi kWh điện bán ra. Cả năm ngoái, tập đoàn này lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm còn 26.236 tỷ đồng.
Đây là cơ sở để Bộ và EVN đã tính toán, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện. Các phương án tăng giá điện bán lẻ bình quân đã được đưa lên Chính phủ xem xét và quyết định, đại diện EVN cũng khẳng định chắc chắn sẽ phải tăng giá điện thời gian tới.
Thực tế, việc điều chỉnh khung giá điện bình quân sẽ là một trong những căn cứ để quyết định giá bán lẻ điện bình quân cho từng thời điểm trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá điện sẽ không điều chỉnh ngay và nếu có tăng, giá điện cũng sẽ không được thấp hơn hoặc cao hơn trong khung giá vừa ban hành.
>>Tăng giá điện: Khó chồng khó!
>>Thận trọng tăng giá điện
>>Liệu giá điện có tăng đến 10%?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, tăng giá điện là lộ trình cần thiết nhưng việc tăng giá bao nhiêu, thời gian thế nào, mức độ ra sao thì cần phải được tính toán một cách rất cẩn trọng, để từ đó không gây nên sự xáo trộn trong mặt bằng giá cả của nền kinh tế cũng như đảm bảo nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Trên cơ sở đó tiếp tục giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế và giúp cho việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhưng tăng trưởng GDP có thể đạt cao nhất.
"Chắc chắn khi giá bán điện tăng sẽ gây áp lực lên người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do đó khi xem xét giá bán điện cần cẩn trọng tất cả các chi phí liên quan như phát điện, truyền tải, bán buôn, bán lẻ... để có mức tăng hợp lý", TS Thịnh nói.
Tương tự, TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia về năng lượng điện cho rằng, vấn đề không phải ở các mức điều chỉnh tăng báo nhiêu mà quan trọng là xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn độc quyền ở khâu bán lẻ điện, người dân sẽ được mua điện của nhiều nhà cung cấp với giá đàm phán.
“Nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng. Đề xuất điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là hợp lý nhưng điều quan trọng là phải công khai, minh bạch các chi phí đầu ra, đầu vào”. – TS Ngô Đức Lâm nói.
Thực tế cho thấy, giá điện có tăng cao thế nào chăng nữa, người tiêu dùng cũng phải chấp nhận vì không có sự lựa chọn khác. EVN đến nay vẫn độc quyền kinh doanh phân phối mua bán điện, ai có nhu cầu cung cấp đều bán cho EVN, ai sử dụng cũng đều phải mua ở EVN.
Cứ mỗi lần kiến nghị tăng giá điện, các thông tin nêu ra chỉ mang tính chất chung với phần lớn là những quy định, văn bản hay thông báo số tiền kinh doanh bù lỗ, hiếm khi thấy những thông số cụ thể để chứng minh.
Do vậy, việc công khai, minh bạch giá điện là việc làm rất cần thiết, người sử dụng luôn muốn biết chênh lệch giữa chi phí sản xuất, hình thành giá điện cùng thông số đầu vào cho các khâu truyền tải, phân phối, bán lẻ, chi phí quản lý, lời lỗ khâu nào với từng dự án để chấp nhận giá điện.
Thông tin về giá điện không phải là tài liệu mật, không có trong danh mục bảo vệ bí mật theo quy định. Đặc biệt với ngành điện không có sự cạnh tranh truyền tải, giá mua bán điện cũng là hình thức độc quyền càng phải kịp thời công khai minh bạch thông tin. Nếu công khai minh bạch, rõ ràng, tin rằng, người sử dụng sẽ rất vui vẻ khi chấp nhận mức giá điện mới.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 09/04/2023
03:00, 07/04/2023
05:05, 06/04/2023
12:00, 04/04/2023
00:01, 04/04/2023