Thời gian qua, cùng với các biện pháp hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường, nên sản xuất công nghiệp Quảng Ninh tiếp tục là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế.
Tạo đà tăng trưởng
Theo Cục Thống kê, việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, giảm bớt tầng nấc trung gian, giảm bớt các thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái được thực hiện quyết liệt trong thời gian qua sẽ kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất.
Bên cạnh đó, cùng với việc tăng tốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư công, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành kinh doanh bất động sản tăng cao sẽ tạo thuận lợi cho các ngành sản xuất vật liệu phục vụ cho xây dựng như: xi-măng, bê-tông, sắt thép... tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Các ngành sản xuất phục vụ nhu cầu xuất khẩu như: điện tử, dệt, may, da giày vẫn đang có lợi thế tương đối do đã đạt được thỏa thuận khung với Mỹ về thuế xuất khẩu thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Thu hút FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu hút FDI 6 tháng đầu năm với các ngành điện tử, máy tính… đóng vai trò chủ lực cho thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính cho tăng trưởng công nghiệp 6 tháng cuối năm.
Theo Sở Công Thương Quảng Ninh: 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã ghi nhận những bước tăng trưởng ấn tượng với GRDP đạt 11,03%. Trong đó, động lực phát triển chính tiếp tục đến từ ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo báo cáo kinh tế-xã hội của Chi cục Thống kê tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Quảng Ninh đã tăng 15,07% so với cùng kỳ năm trước.
Chi cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực nổi bật nhất trong lĩnh vực nông nghiệp với chỉ số sản xuất tăng 29,87% so với cùng kỳ, đóng góp đáng kể vào tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế tỉnh. Nhiều sản phẩm trong lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng ấn tượng: Sản xuất xe có động cơ tăng 262,04%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 117,96%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 59,58%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 80,09%; sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 37,74%; sản xuất thiết bị điện tăng 26,38%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 13,95%; dệt tăng 13,63%. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2024, đáng chú ý là tấm sàn nhựa PVC tăng 604,2%, loa, tai nghe tăng 69,1%, và ti vi tăng 48,7%.
Bên cạnh đó, ngành khai khoáng tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng với chỉ số sản xuất tăng 5,18% so với cùng kỳ. Sản lượng than sạch sản xuất ước đạt 23,05 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí cũng có đóng góp đáng kể với chỉ số sản xuất tăng 4,16% và sản lượng điện sản xuất đạt 20,7 tỷ Kwh, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải có chỉ số sản xuất tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn còn nhiều thách thức
Điểm nổi bật của sản xuất công nghiệp quý II/2025 là sản xuất tăng trưởng khá cao trên nền tăng trưởng cao của cùng kỳ năm 2024 (quý II/2024 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,9%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,6%). Kết quả này làm cho sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2021-2025, đạt 9,2%.
Ông Nguyễn Việt Hưng – Công ty TNHH Công nghiệp Việt Hưng cho biết: “Trải qua 10 năm phát triển, trong giai đoạn 2011 – 2020 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có bước phát triển khá ấn tượng. Thành quả này trước hết là nhờ sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt năm 2011 trên diễn đàn của Quốc hội đã đề cập “nóng” về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp công nghiệp.
Nhờ đó, ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp -UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.
Ngành công nghiệp còn có những đóng góp quan trọng trong sự ổn định kinh tế, xã hội, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Trong tiến trình phát triển công nghiệp, nhất là đối với một quốc gia đang dịch chuyển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam hiện nay, công nghiệp có vai trò nền tảng đối với các cả nền kinh tế. Trước hết, công nghiệp giúp tăng sức cạnh tranh và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá”.
Bên cạnh các kết quả tích cực, vẫn còn một số điểm đáng lưu ý đối với sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025. Theo Sở Công thương Quảng Ninh: Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, hoạt động sản xuất công nghiệp của Quảng Ninh cũng phải đối mặt với những thách thức từ tình hình kinh tế thế giới. Bước sang đầu quý II/2025, diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại và chính sách thuế của Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khiến một số khách hàng thông báo hoãn hoặc hủy đơn đặt hàng.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời chỉ đạo nắm bắt thông tin và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Than và điện vượt kế hoạch đề ra. Nhờ những nỗ lực này, khu vực công nghiệp tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành Than, bằng cách tổ chức đối thoại để giải quyết các vướng mắc về quy hoạch, đất đai và cấp phép hoạt động khoáng sản.
Đồng thời, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng trọng điểm như nhà máy điện khí LNG, các dự án điện gió và điện năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ khí gắn với sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và phát triển hệ thống đường sắt. Việc khánh thành Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng là một minh chứng rõ nét cho định hướng này.
Tỉnh Quảng Ninh cũng quyết liệt giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch, đất đai để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm, qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Có thể thấy, Quảng Ninh đang cho thấy sự chủ động và linh hoạt trong điều hành kinh tế, biến công nghiệp trở thành trụ cột vững chắc cho tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.