Ô tô - Xe máy

Công nghiệp ô tô: Xuất hiện thêm “sếu đầu đàn” mới

TRẦN THỦY 03/04/2025 00:27

Những doanh nghiệp nội địa có tiềm lực mạnh, làm chủ công nghệ và nắm vai trò dẫn dắt, sẽ đưa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiến lên.

“Sếu đầu đàn” mới

Tập đoàn Thành Công đã chính thức khánh thành và đưa vào vận hành Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng, tại Quảng Ninh sau hơn 2 năm đầu tư xây dựng. Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng được trang bị các dây chuyền hàn, sơn và lắp ráp hoàn thiện hiện đại, mức độ tự động hóa cao, với công suất 120.000 xe/năm. Skoda là thương hiệu ô tô đầu tiên được sản xuất lắp ráp tại đây.

Bên cạnh việc hoàn thành đầu tư nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô, Tập đoàn Thành Công cũng đầu tư lớn vào hạ tầng công nghiệp hỗ trợ, để thu hút các nhà đầu tư sản xuất linh kiện ô tô, tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện ô tô chất lượng cao cho thị trường Việt Nam và quốc tế. Định hướng là xây dựng một tổ hợp công nghiệp ô tô quy mô lớn, hiện đại của Việt Nam tại Quảng Ninh, với đa dạng chủng loại sản phẩm trong tương lai.

Sự kiện này hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hàn khung xe tại Nhà máy Ô tô Thành Công Việt Hưng (Quảng Niinh).
Hàn khung xe tại Nhà máy Ô tô Thành Công Việt Hưng (Quảng Ninh).

Dự báo của Bộ Công Thương cho biết, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô từ 1-1,1 triệu xe vào năm 2030 và đến 2045 sẽ đạt khoảng 5 -5,7 triệu xe/năm. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1,5 triệu xe vào năm 2035, sau đó tăng trưởng theo cấp số nhân, đạt 6,8 triệu xe vào năm 2050. Trong giai đoạn 2035-2050 tổng doanh số bán ô tô toàn thị trường đạt gần 54 triệu xe các loại. Với quy mô thị trường ô tô tiềm năng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để phát triển.

Tuy nhiên, đầu tư vào sản xuất ô tô trong thời điểm này chịu rủi ro cao. Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%. Từ 2018, Việt Nam đã đưa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi ô tô về 0%, dành cho các nước thành viên Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Việt Nam sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% vào năm 2030, cho các nước thuộc Liên minh châu Âu, theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và các nước như Nhật Bản, Canada, Mexico… theo cam kết tại Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Sản xuất ô tô luôn cần tới quy mô lớn để phát triển, nhưng đến nay các tổ hợp công nghiệp ô tô trong nước vẫn chỉ đạt quy mô nhỏ, với sản lượng hạn chế. Đã thế, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc giá rẻ đang tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều, cạnh tranh giành thị phần, khiến cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước bị giảm sản lượng.

Với ô tô Thành Công Việt Hưng còn khó khăn hơn. Theo quy định về ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô của Chính phủ, ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu từ 9 chỗ ngồi trở xuống, tham gia chương trình, phải đạt sản lượng tối thiểu 4.500 xe cho kỳ xét ưu đãi 6 tháng, hoặc 9.000 xe cho kỳ xét ưu đãi 12 tháng. Nếu đạt được sản lượng theo quy định, sẽ được hoàn thuế, giúp giảm chi phí, hạ giá thành. Tuy nhiên, Skoda lại là thương hiệu mới, còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam, nên không dễ gì đạt được ngay sản lượng theo quy định, để được hưởng ưu đãi thuế. Vì vậy, sẽ gặp bất lợi lớn.

Ứng xử của Nhà nước

Theo ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Công nghệ Đức- Việt (TP Hồ Chí Minh), làm ô tô không phải là một “cuộc dạo chơi”. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, không ít doanh nghiệp ô tô phải chịu lỗ từ 5-10 năm, thậm chí tại Malaysia có doanh nghiệp lỗ liên tục trong 20 năm.

xe4.jpg
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng.

Phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên nhận định, sự kiện này không chỉ khẳng định năng lực và uy tín của Tập đoàn Thành Công mà còn cho thấy Việt Nam đã và đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Tuy nhiên, muốn điều này trở thành hiện thực thì vai trò ứng xử của Nhà nước là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công chia sẻ, sản xuất ô tô là ngành kỹ thuật công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có những chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù để tạo cơ hội phát triển.

GS, TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển, rất cần vai trò của “sếu đầu đàn”. Khi đã có “sếu đầu đàn” dẫn dắt, các doanh nghiệp sẽ đứng trước cơ hội lớn mạnh. Với sự tiên phong của những “sếu đầu đàn” như: Trường Hải, VinFast, Thành Công… sẽ mở ra hệ sinh thái công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Để công nghiệp ô tô vươn lên, “bệ đỡ” quan trọng nhất hiện nay là chính sách. Các doanh nghiệp đang chờ đợi Chính phủ ban hành hệ thống chính sách phát triển ngành ô tô với tầm nhìn dài hạn, thông qua những giải pháp hỗ trợ đủ mạnh và đảm bảo thực thi có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Công nghiệp ô tô: Xuất hiện thêm “sếu đầu đàn” mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO