Những tưởng xe điện sẽ giải quyết được ô nhiễm môi trường, nhưng câu chuyện đằng sau nó còn phức tạp hơn nhiều.
Khi xu hướng xe điện bùng nổ, thì cuộc đua sản xuất pin cho loại xe này cũng bắt đầu nóng lên. Nhiều chuyên gia cảnh báo, hệ lụy đến môi trường từ sản xuất pin không kém nhiên liệu hóa thạch.
“Cuộc chiến” pin xe điện
Khi Toyota, Honda, Mitsubishi, Tesla, Ford... chạy đua sản xuất xe điện thì Tianqi Lithium (Trung Quốc) đã thực hiện thương vụ M&A trị giá 4,1 tỉ USD để sở hữu 24% cổ phần của nhà sản xuất pin Lithium hàng đầu thế giới SQM (Chile).
Trên thực tế, cuộc chiến về pin xe điện đã âm thầm diễn ra, giá mỗi tấn quặng Lithium tăng từ 6.500 USD năm 2015 lên đến 25.000 USD năm 2020. Bạo loạn chính trị xảy ra ở Chile và Bolivia trong năm 2019 có nguyên nhân từ việc giành giật quyền kiểm soát quặng Lithium giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tại Australia, Công ty Talison Lithium của Trung Quốc đã từng giành được quyền khai thác và sở hữu trữ lượng Lithium ở thị trấn Greenbushes, gần thành phố Perth. Canbera bắt đầu thấy bất an về việc này.
Bớt một thêm hai!
Khi ngành công nghiệp xe ô tô điện bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, người ta hy vọng giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường, giảm áp lực lên nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt. Nhưng đằng sau đó lại nảy sinh vấn đề khác, đó là ngành công nghiệp sản xuất pin Lithium cũng phải tăng tốc để đáp ứng nhu cầu, nhất là ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Châu Âu.
Xe hơi chạy pin thật ra không “sạch” như nhiều người tưởng. Các nguyên liệu cần thiết cho sản xuất pin như Lithium, Cobalt, Nickel, Asen và Antimon, khi khai thác đều gây hại cho đất đai, nguồn nước, hệ sinh thái và cả con người.
Đơn cử, dự án khai thác quặng Lithium ở bang Nevada, Mỹ bị người dân, tổ chức bảo vệ môi trường nước này phản đối dữ dội do làm mất hàng tỷ mét khối nước ngầm, nguy cơ biến vùng đồng bằng này thành bãi chất thải khổng lồ.
Từ trước tới nay, Trung Quốc chấp nhận ô nhiễm môi trường để sản xuất pin Lithium cho cả thế giới. Từ khi xung đột Trung - Mỹ trở nên gay gắt, Mỹ phải tự tìm nguồn cung bằng cách mua nguyên liệu từ Chile, Bolivia, Úc và khuyến khích nhiều nước mở nhà máy sản xuất, tham chuỗi cung ứng này.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature cho biết, cứ 1 triệu xe điện được sản xuất, sẽ đi kèm với 250 nghìn tấn pin thải. Đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp khả dĩ nào để xử lý loại chất thải “cứng đầu” này.
Congo là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất do khai thác quặng Cobal phục vụ sản xuất pin Lithium. Người dân quốc gia này đã và đang đối mặt nhiều căn bệnh quái ác.
Cũng giống như màn chạy đua khai thác dầu mỏ, đất hiếm và kim loại quý trong thế kỷ trước, nhiều chuyên gia dự báo các cường quốc sẽ bỏ qua các cảnh báo ô nhiễm môi trường để đạt được lợi thế cạnh tranh, dẫn đầu so với đối thủ.
Kỳ II: Ứng phó thảm họa môi trường
Có thể bạn quan tâm