"Nếu có ít tiền, tôi sẽ nấu nồi thịt kho cho 3 ngày Tết, một nồi canh khổ qua ăn tất niên. Mong khổ cực vơi đi, năm mới có việc làm để nuôi con".
>>CẢM XÚC XUÂN: Phiên chợ giáp Tết xưa
Một nữ công nhân hiện đang thuê trọ trên đường TL16, phường Thạnh Lộc, quận 12 (TP.HCM) chia sẻ về nỗi lo khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang kề cận.
Vốn là công nhân công ty chuyên về đồ nhựa nhưng thất nghiệp gần năm qua do nhà máy đóng cửa. Mất việc đúng lúc mang bầu nên chị không thể tìm việc mới.
Nữ công nhân nói rằng, lúc đó chồng còn việc làm, có thu nhập nên gia đình vẫn xoay xở được. Chị dự định con 6 tháng sẽ kiếm việc mới, nhưng không ngờ đợt dịch thứ 4 ập đến công ty của chồng cũng dừng hoạt động.
Theo TS. Vũ Thị Minh Huyền, công tác tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, nếu như mọi năm, đây là dịp mà hầu như mọi người đều mong chờ sau một năm học tập và làm việc xa nhà, là dịp để người ta có thể đoàn viên cùng gia đình, nghỉ ngơi sau một năm vất vả. Tuy nhiên, năm nay bầu không khí đón Tết lại dường như rất khác.
Năm vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh kéo dài. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất hoặc phá sản, hàng nghìn người lao động vì thế cũng lâm vào cảnh thất nghiệp. Vì những ổ dịch, F0, vì phong tỏa, cách ly, mà dù không hề muốn, họ vẫn phải nghỉ việc, ở yên trong nhà rất lâu.
Thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán Nhâm Dần kề cận, câu hỏi Tết này sẽ ra sao; về quê đoàn viên với gia đình hay ở lại thành phố; lương, thưởng thế nào... có lẽ là những nỗi trăn trở của phần đông người lao động, nhất là với những người xa quê.
Dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhiều ngành nghề gấp rút chạy đua cuối năm sau thời gian dài bị đình trệ. Điều này khiến người lao động vui mừng khi được trở lại với công việc.
Tuy nhiên, một phần lớn lao động tự do lại như "ngồi trên đống lửa" khi không có việc làm ổn định. Một cái Tết viên mãn, đủ đầy, vì thế càng trở nên xa vời hơn với họ.
“Tôi biết có những người đã không ngần ngại tăng ca, làm việc từ 10-12 tiếng một ngày, thậm chí có người làm 15 giờ liên tục với mong muốn có thêm tấm áo mới cho con khi Tết đang cận kề. Có người lại chỉ đơn giản là để chạy cơm từng bữa”, TS. Vũ Thị Minh Huyền bày tỏ.
>>“Số hóa” Tết!
Bên cạnh những niềm vui, hy vọng, còn là bao nỗi lo của cuộc sống đời thường đè nặng mỗi khi Tết đến. Có nhiều người, để chuẩn bị về quê sum họp cùng gia đình, đã chủ động tìm kiếm việc làm thêm để có chút tiền dư dả trang trải cho ngày Tết.
Mặc dù đã rất cố gắng, chăm chỉ làm việc nhưng họ cũng chỉ nhận được mức lương tạm đủ sống, khoảng 4-5 triệu đồng một tháng. Số tiền ấy dường như chẳng thấm tháp vào đâu, bởi trừ đi các khoản chi phí như tiền phòng, tiền sinh hoạt, tiền gửi về quê... hầu như tháng nào họ cũng "âm tiền".
Theo khảo sát của NielsenIQ Vietnam, có 66% người tiêu dùng đã thay đổi cách chi tiêu, và đến 88% tiếp tục cơ cấu lại chi tiêu trong năm 2021 và thời gian tới. Trong năm 2021, tất cả mọi người - từ thu nhập thấp đến cao - ai cũng lo mất việc.
Những người tạm thời bị ngưng việc do dịch bệnh lại lo lắng không biết tương lai mình có việc làm hay không. Còn những người có việc làm thì lại đang mong đợi ít nhất “tháng lương thứ 13” trọn vẹn. Khi mức thưởng thấp hơn đồng nghĩa những áp lực tài chính đối với họ ngày càng gia tăng.
Tết là dịp chi tiêu nhiều nhất của người Việt trong một năm. Nhưng Tết năm nay tình hình sẽ khác với năm trước. Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Media, nói rằng Tết 2022 này người tiêu dùng sẽ có khuynh hướng mua sắm trễ hơn dịp Tết các năm trước. Phần lớn có thể là do các doanh nghiệp chi thưởng cuối năm trễ.
“Mọi chuyện có thể thay đổi vào giờ chót. Người tiêu dùng sẽ mua sắm cận Tết, thậm chí có thể vào ngày tất niên và trong những ngày Tết. Chính vì thế, doanh nghiệp phải chuẩn bị bán hàng xuyên Tết”, bà Nga nhận xét.
Có thể bạn quan tâm
15:24, 26/01/2022
10:28, 26/01/2022