LS Nguyễn Minh Long, Công ty Luật Dragon khẳng định: nếu nguyên nhân thuộc lỗi trực tiếp của Công ty Yazaki, công nhân bị tổn hại sức khỏe sẽ được đền bù theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
20:34, 10/07/2018
11:15, 09/07/2018
16:00, 07/07/2018
15:56, 06/07/2018
Theo LS Long, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã kết luận, vào thời điểm hàng chục công nhân nhà máy Yazaki đang làm việc thì bị đau đầu, khó thở, choáng váng và ngất, tại một số khu vực của nhà máy, nồng độ khí formaldehyde đo được cao quá mức cho phép.Tuy nhiên, cần phải có căn cứ để chứng minh khí đó từ đâu ra.
- Vậy theo ông, những nạn nhân là công nhân Nhà máy Yazaki sẽ phải được phía Công ty bồi thường như thế nào?
Trong trường hợp có đầy đủ các căn cứ để chứng minh được những công nhân bị khó thở, buồn nôn, đầu óc choáng váng, bị ngất và phải đi cấp cứu tại bệnh viện có lỗi trực tiếp từ phía Chi nhánh công ty Yazaki (ví dụ: nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên là do hít phải khí formaldehyde vượt quá mức cho phép, khí này được sinh ra từ các hoạt động sản xuất của công ty gây ra…) thì công ty Yazaki phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho những nạn nhân bị tổn hại về sức khỏe.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được quy định cụ thể tại Điều 590 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; d) Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định".
- Thế còn trách nhiệm của Công ty Yazaki trước pháp luật, thưa ông?
Trong trường hợp nguyên nhân dẫn đến hàng loạt công nhân công ty Yazaki bị ngất xỉu trong giờ làm việc do hít phải khí formaldehyde vượt quá mức cho phép. Nếu chứng minh khí formaldehyde được sinh ra do hoạt động sản xuất của nhà máy thì tùy thuộc vào mức độ vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, công ty Yazaki có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
- Vậy còn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ra sao, thưa ông?
UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, Sở Lao động Thương binh & Xã hội có trách nhiệm giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu quan trắc môi trường tại Công ty Yazaki để đảm bảo tối đa sự an toàn cho người lao động và những người dân khu vực lân cận Công ty Yazaki.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh nếu phát hiện thấy hành vi vi phạm có thẩm quyền xử phạt công ty Yazaki trong trường hợp công ty Yazaki vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
- Xin cảm ơn ông!