Công trình kênh đào cần được bổ sung vào Luật Tài nguyên nước

NGUYỄN VIỆT 26/10/2023 11:55

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần bổ sung điều luật về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ kênh đào.

>>Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh tại Quốc hội

Đây là đề xuất của đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định) trong phiên thảo luận về dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 Khoá XV, ngày 26/10.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định).

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định).

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, phạm vi điều chỉnh và một số điều luật cần được bổ sung về kênh đào, bởi đầm, hồ, nước đã được quy định và có điều luật điều chỉnh. Do đó, trong dự thảo Luật cần bổ sung điều luật về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ kênh đào...

Kênh đào mang lại nhiều lợi ích cho dân sinh

Đại biểu Vũ Trọng Kim đánh giá, tại Việt Nam loại hình công trình này mới xuất hiện tại tỉnh Nam Định. Đây là công trình đem lại nhiều lợi ích cho dân sinh, nông, ngư nghiệp cũng như giao thông vận tải.

Đặc biệt, là lợi ích từ mô hình này đem lại đối với việc giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm kinh phí cho nhân dân và doanh nghiệp bởi độ sinh lời khá lớn và ổn định. 

Đại biểu Vũ Trọng Kim Bên dẫn chứng, một số kênh đào nổi tiếng trên thế giới đã làm thay đổi cục diện giao thông vận tải và phát triển kinh tế năng động, thú vị. Công trình kênh đào tại tỉnh Nam Định cũng có tính chất hoạt động khoa học công nghệ như vậy.

“Do đó, mô hình này rất cần thiết được quy định trong Luật Tài nguyên nước. Chính phủ cần ban hành quy phạm pháp luật để quản lý, khai thác và sử dụng loại công trình này, kể cả việc phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước hoặc sự cố tại công trình này”, đại biểu Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

>>Quốc hội thông qua danh sách lấy phiếu tín nhiệm

>>Nghị quyết số 43/2022/QH15: Quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang).

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang).

Góp ý về dự thảo luật này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho rằng tại khoản 2 Điều 1 đề nghị bỏ cụm từ “dưới đáy biển” vì không cần thiết.

Về danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị chuyển khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 5 sang Chương 8 để quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước và kết cấu dự án luật sẽ phù hợp hơn.

Về phương án khai, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh tại Điều 20 quy định nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam đánh giá, nhiều nội dung quy hoạch các địa phương đã và đang trình Thủ tướng phê duyệt, do đó cần bổ sung quy định chuyển tiếp nội dung này để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với quy định.

Tại Điều 27 về Bảo vệ chất lượng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị bổ sung cụm từ “thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản” vào cụm từ “thuốc thú y” trong khoản 1.

Góp ý về kỹ thuật lập pháp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) đề cập đến phạm vi điều chỉnh và cho rằng nước biển, nước dưới đáy biển, nước nóng, nước khoảng thiên nhiên… không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM).

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM).

“Nếu người dân đọc thì sẽ hoang mang phạm vi điều chỉnh của luật ở đâu? Do đó, đại biểu cho rằng, nếu điều chỉnh bằng luật khác thì cần đề cập luôn và cụ thể hóa trong luật, tức là điều chỉnh bằng các luật khác như Luật Biển, Luật Khoáng sản…”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận thấy tại Điều 2 về định nghĩa đã có thuật ngữ để gom lại các nguồn nước, trong đó nguồn nước có tới 20 loại, tuy nhiên tại các hành vi bị nghiêm cấm, Ban soạn thảo lại dùng phương pháp liệt kê nên sẽ không đẩy đủ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu dẫn chứng, dự thảo luật có nêu các điều cấm tại Điều 5 như cấm lấn đất, sông, suối, kênh, mương, rạch… Tuy nhiên, nguồn nước của chúng ta còn có đầm, phá, hồ, ao, các tầng chứa nước dưới đất và nhân tạo như hồ thủy điện, thủy lợi… quy định các điều cấm như vậy là chưa đầy đủ.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo và các chuyên gia nghiên cứu làm rõ, rà soát về mặt kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật sao cho đầy đủ, chặt chẽ.

Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho rằng cần giải thích ý nghĩa rõ ràng đối với khái niệm “liên hồ chứa”, vì khái niệm này được nhắc đến tại nhiều điều khoản trong luật, nhưng chưa có giải thích cụ thể, đảm bảo tính pháp lý trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế).

"Liên hồ chứa có thể được hiểu là nhiều hồ chứa nước trên cùng một con sông, khi vận hành các hồ chứa phải đảm bảo an toàn cho nhân dân ở lưu vực sông", đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.

Về các hành vi cấm, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung để nghiêm cấm hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước làm suy giảm chức năng nguồn nước, gây sụt lún đất, suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước, để hạn chế tối đa nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng, làm suy thoái hay cạn kiệt nguồn nước. 

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị bổ sung vào khoản 8 Điều 24 chủ thể là chủ đầu tư dự án, để đảm bảo tính bao quát, đầy đủ, chặt chẽ trong quá trình thực hiện.

Đối với kê khai đăng ký cấp phép thăm dò khai thác sử dụng tài nguyên nước, đại biểu đề nghị nghiên cứu gộp các quy định chủ yếu liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ quy mô nhỏ lại để tránh trùng lắp, dàn trải.

Sẽ tiếp thu đầy đủ để trình Quốc hội

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ cặn kẽ để trình Quôc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rà soát 48 luật liên quan trong đó có vấn đề liên quan đến Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản… và sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm về quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản không đặt trong quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lý giải, Quy hoạch tài nguyên nước có 3 loại quy hoạch đã quy định rõ trong Luật là quy hoạch tài nguyên nước nói chung.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh và bảo vệ, khai thác, sử dụng các nguồn nước liên quốc gia. Trong đó, quy hoạch của tổng thể điều tra gắn rất chặt đối với các điều về điều tra cơ bản, còn các quy hoạch liên quan đến tài nguyên nước gắn với mục đích điều hòa, phân phối. 

Về liên quan đến kịch bản nguồn nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết nguồn nước của chúng ta có đặc trưng biến đổi theo không gian, thời gian các mùa trong một năm là khác nhau, các vùng khác nhau và phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước ở nước ngoài đến khoảng 60% - 70%

Chính vì thế trong thời gian vừa qua, trong đó có biến đổi khí hậu thì việc điều hòa, phân phối sử dụng các nguồn nước này để tối ưu hóa được nguồn lực là hết sức quan trọng. Do đó, việc dựa vào chiến lược quy hoạch nói chung thì việc có kịch bản về nguồn nước là hết sức quan trọng.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Về vấn đề cấp giấy phép, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thời đề nghị Quốc hội cho phép có những vấn đề có thể đưa vào trong các thông tư, nghị định.

Về dòng chảy tối thiểu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết đây không phải là quy định mới là đã có trong Luật từ năm 2012; Quốc hội khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 62 về về quản lý nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các công trình thủy điện cũng đã có quy định về vấn đề này.

Dự thảo Luật lần này tiếp thu theo hướng bám sát được các tình hình thực tiễn, từng vị trí cụ thể, có sự kết hợp của giữa các bộ, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với địa phương để có ứng xử linh hoạt và phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

  • Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh tại Quốc hội

    15:28, 25/10/2023

  • Quốc hội thông qua danh sách lấy phiếu tín nhiệm

    18:22, 24/10/2023

  • Nghị quyết số 43/2022/QH15: Quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội

    04:24, 24/10/2023

  • Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong phạm vi Quốc hội cho phép

    17:08, 23/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Công trình kênh đào cần được bổ sung vào Luật Tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO