3.116 cán bộ nghiên cứu mà 1 năm chỉ công bố 20 công trình khoa học. Số công trình này có tương xứng với gần 141 tỷ đồng mà tỉnh Thanh Hoá đã chi cho sự nghiệp khoa học công nghệ trong năm 2019?
Con số không thể “bất ngờ” hơn này vừa được công bố tại báo cáo số 213 về tình hình thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020 tại tỉnh Thanh Hoá.
Báo cáo do ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa ký thể hiện rõ: Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN gần 141 tỷ đồng. Trong đó, chi sự nghiệp khoa học hơn 115 tỷ đồng. Chi đầu tư phát triển KH&CN là hơn 23 tỷ đồng; Trung ương hỗ trợ, bổ sung 1,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 0,47% trong tổng chi ngân sách tỉnh Thanh Hóa năm 2019.
Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo, đó là, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (có 18 phó giáo sư, 149 tiến sĩ, 1.067 thạc sĩ…), quy đổi sẽ là 1.229 cán bộ nghiên cứu toàn thời gian tương đương (tăng 8% so với năm 2015 là 1.131 cán bộ), đạt tỷ lệ 3,5 người/1 vạn dân.
Nhưng với 3.116 cán bộ này, trong năm 2019, số lượng công trình khoa học công bố trong nước chỉ là 19 công trình gồm: Sách, 15 bài viết đăng tạp chí, 3 bài viết tham dự hội thảo; 1 bài giảng và có 1 công trình khoa học (bài viết hội thảo) công bố quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
05:02, 28/11/2019
15:38, 09/05/2019
03:00, 09/05/2019
13:24, 21/09/2018
01:00, 21/09/2018
Thực tế cho thấy, Thanh Hóa là một tỉnh chưa giàu. Năm 2018, Thanh Hóa gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào về bức tranh kinh tế xã hội, với dấu son tổng thu ngân sách đạt 23.276 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP 15,16%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tự hào: “Thanh Hóa là tỉnh thuộc trong nhóm các các địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất của cả nước, xứng đáng là tỉnh đầu tàu về phát triển kinh tế xã hội khu vực Bắc Trung bộ”.
Và, dù ngân sách địa phương này mới “lần đầu” vượt lên mức trên 20 nghìn tỷ đồng, nhưng tỉnh Thanh Hoá đã rất "mạnh tay” để chi cho sự nghiệp khoa học 115 tỷ đồng/141 tỷ đồng đầu tư – cao gấp 2,3 lần trung ương phân bổ.
Nhấn mạnh con số trên để thấy, đúng là tỉnh Thanh Hóa đã rất chú trọng, rất đầu tư và đặc biệt coi trọng vai trò của khoa học công nghệ. Thế nhưng đáng buồn là kết quả “nghiên cứu khoa học” trong suốt 1 năm lại rất “khiêm tốn”: 3.116 cán bộ chỉ công bố được 20 công trình khoa học.
Đã vậy, hầu hết những công trình này đều là công trình công bố trong nước: 15 bài viết đăng tạp chí, 3 bài viết tham dự hội thảo; 1 bài giảng. Chỉ duy nhất có một bài viết hội thảo được công bố quốc tế.
Trong số 20 công trình này, có bao nhiêu công trình được ứng dụng, góp phần phát triển kinh tế đất nước?
Còn nhớ, trong một bài báo đăng trên VnExpress hồi tháng 8/2018, Giáo sư Vũ Ngọc Hải - Trường Đại học Myongji - Hàn Quốc từng so sánh rất thú vị: “Giá một bài báo quốc tế trung bình cỡ 10 tờ giấy A4 trọng lượng 40 gram khoảng 70-100 triệu đồng - tương đương 2 cây vàng. Như vậy, giấy đắt gấp đôi vàng”.
Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định rất nghiêm ngặt về bài báo quốc tế đối với học hàm và học vị. Ứng viên phải có 2 bài báo quốc tế mới được bảo vệ luận án tiến sĩ. “Đây chắc chắn là một quy định đúng, góp phần đưa học hàm học vị trở về đúng giá trị của nó. Tuy nhiên, đối với những người muốn dùng bằng cấp vào mục đích khác, việc mua bán đã xảy ra như tôi từng gặp”. - Giáo sư Vũ Ngọc Hải nói.
Theo vị Giáo sư này, "tại Việt Nam, có hiện tượng sử dụng quan hệ để xin - cho các bài báo khoa học, ví dụ cấp trên nhờ cấp dưới đang làm việc tại nước ngoài "gài" tên mình vào bài báo, bạn bè nhờ vả nhau để được "đứng tên ké" trong bài".
“Với những người mua đã leo được lên ghế cao nhờ cách làm này, một bài báo có giá 2 cây vàng vẫn còn quá rẻ. Với người bán, giả sử trung bình tôi có 4-5 bài báo mỗi năm, chỉ cần động tác nhỏ là thêm tên tác giả khác, tôi đã có thể thu nhập 300-400 triệu đồng. Sự trong sạch của nền khoa học nước nhà khi đó chỉ còn phụ thuộc vào lương tâm học thuật của người làm khoa học". – Giáo sư Vũ Ngọc Hải nói.
Có thể nhận thấy, cách mà vị giáo sư này đưa ra so sánh trọng lượng và giá trị bài báo giấy và vàng nhằm nhấn mạnh “giá trị tiền tệ” và quyền lực ghê gớm của một công bố khoa học quốc tế. Đó có thể coi là một cái đích của các nghiên cứu. Hay nói cách khách là cái thước, cái cân đo lường, đánh giá chính xác nhất giá trị của các khoản “đầu tư” cho khoa học.
Trước đó, trong một lần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thanh hồi tháng 3/2018 về hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học, chính Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh đã từng thừa nhận: “Đề tài khoa học ‘đút ngăn tủ’ là thực tế”. “Đây là hạn chế, trăn trở mà thực tế vẫn còn” người đứng đầu Bộ KH&CN nhìn nhận.
“Đề tài bỏ ngăn tủ là cách ví von, nói thật nhiều thế hệ của Bộ KH&CN trăn trở điều này. Với trách nhiệm từng đồng thuế của nhân dân nhìn một cách tổng thể, thấu đáo, có nghĩa chậm ứng dụng trong cuộc sống là lãng phí”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ.
Có thể khẳng định, thực trạng này không phải bây giờ mới xảy ra, mà từ thời ông Nguyễn Quân còn làm Bộ trưởng, trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Chính phủ vào năm 2013, ông Quân đã “thừa nhận” thực trạng nhiều đề tài khoa học chưa có tính ứng dụng cao.
“Đôi khi cũng phải thừa nhận một vài đề tài có tên rất hay, nhưng thực tế chỉ để giải ngân, làm xong đề tài không được ai sử dụng kết quả nên đành cất vào “ngăn kéo”” – ông Quân từng nói.
Quay trở lại với câu chuyện của tỉnh Thanh Hóa. Tỉnh đã dùng tiền ngân sách, cũng là tiền thuế của dân như thế nào? 20 công trình được công bố này có “xứng” với gần 141 tỷ đồng mà tỉnh Thanh Hoá đã "chi" cho sự nghiệp khoa học công nghệ trong năm 2019? Trong số công trình này, có bao nhiêu công trình đã được ứng dụng thực tế?
Mặc dù trong báo cáo của tỉnh Thanh Hóa cũng thừa nhận: Thời gian thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN còn dài, làm chậm ứng dụng kết quả vào sản xuất và đời sống. Những nhiệm vụ KH&CN có tính lan tỏa, đột phá chưa nhiều; tiềm lực KH&CN, hạ tầng cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu thốn, thiếu đồng bộ.
Hay: Việc đổi mới công nghệ, thiết bị trong các doanh nghiệp còn chậm; sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít, chưa có những sản phẩm chủ lực mang tầm quốc gia, tạo sự đột phá…
Nguyên nhân cũng được chỉ ra rất rõ: Các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp tuy đã có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng việc chuyển hóa từ nhận thức thành các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để ứng dụng KH&CN, phát triển KH&CN trong từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp còn hạn chế…
Bấy nhiêu hạn chế, bấy nhiêu nguyên nhân đưa ra cũng chỉ là… ngụy biện khi kết quả và sự đầu tư không hề tương xứng. Thậm chí có thể nói, kết quả quá thấp so với số tiền đã đầu tư.
Xin hãy nhớ, đất nước ta còn nghèo, chúng ta rất cần các công trình khoa học có tính ứng dụng cao để áp dụng vào thực tế, đưa đất nước phát triển.
Vì vậy, xin đừng để lãng phí tiền thuế của dân.
Xin đừng để hàng trăm tỷ đồng "chi" cho nghiên cứu khoa học rồi in ấn đẹp, sau đó “xếp tủ” không ứng dụng.